(CAO) Hôm 14-5, BBC đưa tin người dân Thái Lan đã đến các điểm bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử với việc con gái của cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra là người đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò phòng phiếu.
Cuộc bầu cử đang được mô tả là một bước ngoặt đối với một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc đảo chính trong lịch sử gần đây.
Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, tướng quân đội lãnh đạo cuộc đảo chính cuối cùng vào năm 2014, đang tìm kiếm thêm một nhiệm kỳ mới.
Nhưng ông đang phải đối mặt với thách thức lớn từ hai đảng phái.
Cuộc bỏ phiếu vào ngày 14-5 bắt đầu lúc 8h00 sáng tại 95.000 điểm bỏ phiếu trên cả nước.
Khoảng 50 triệu người sẽ bỏ phiếu để bầu ra 500 thành viên của hạ viện, và khoảng 2 triệu người đã bỏ phiếu sớm.
Theo thăm dò, dẫn đầu cuộc đua là đảng Pheu Thai (Vì người Thái) do con gái ông Thaksin, bà Paetongtarn Shinawatra, đứng đầu.
Người phụ nữ 36 tuổi này đang tận dụng mạng lưới bảo trợ rộng rãi của cha mình trong khi vẫn bám sát thông điệp dân túy đã gây được tiếng vang ở các vùng nông thôn, thu nhập thấp của đất nước.
Ông Thaksin, một tỷ phú ngành viễn thông, được nhiều người Thái Lan có thu nhập thấp yêu mến. Ông bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự năm 2006, khi các đối thủ cáo buộc ông tham nhũng. Ông bác bỏ các cáo buộc và sống lưu vong từ năm 2008 ở London và Dubai.
Các cử tri Thái đi bỏ phiếu - Ảnh: BBC
Bà Paetongtarn nói với BBC trong một cuộc phỏng vấn gần đây: "Tôi nghĩ sau 8 năm, người dân muốn có nền chính trị tốt hơn, các giải pháp tốt hơn cho đất nước chứ không chỉ là đảo chính".
Đảng Tiến lên (Move Forward), dẫn đầu bởi Pita Limjaroenrat, cựu giám đốc ngành công nghệ 42 tuổi, cũng đang gia tăng tầm ảnh hưởng trong các cuộc thăm dò dư luận. Các ứng cử viên trẻ tuổi, cầu tiến và đầy tham vọng của đảng này đã vận động với một thông điệp đơn giản nhưng mạnh mẽ: Thái Lan cần phải thay đổi.
Thitinan Pongsudhirak, từ Viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế thuộc Đại học Chulalongkorn, cho biết: "Và sự thay đổi thực sự không phải là có một cuộc đảo chính khác. Bởi vì đó là một sự thay đổi ngược. Mà đó phải là cải cách quân đội, chế độ quân chủ, vì một tương lai dân chủ, với hiệu quả kinh tế tốt hơn".
Trong khi đó, ông Prayuth, 69 tuổi, bị tụt lại trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông nắm quyền từ chính phủ của em gái ông Thaksin, bà Yingluck Shinawatra, vào năm 2014, sau nhiều tháng hỗn loạn. Thái Lan đã tổ chức một cuộc bầu cử vào năm 2019, nhưng kết quả cho thấy không có đảng nào rõ ràng giành được đa số.
Vài tuần sau, một đảng ủng hộ quân đội đã thành lập chính phủ và chỉ định ông Prayuth làm ứng cử viên Thủ tướng.
Với gần 70 đảng tranh cử trong cuộc bầu cử lần này, và một số đảng lớn, khó có khả năng một đảng nào đó sẽ giành thế đa số trong hạ viện.
Thủ tướng đương nhiệm Thái Lan - Prayuth Chan-ocha đi bỏ phiếu
Nhưng ngay cả khi một đảng giành được đa số hoặc có một liên minh đa số tại chỗ, thì hệ thống chính trị được viết lại bởi hiến pháp năm 2017 có thể ngăn cản đảng đó nhậm chức Thủ tướng.
Theo hiến pháp, một thượng viện gồm 250 ghế sẽ bỏ phiếu lựa chọn Thủ tướng và chính phủ tiếp theo. Các thượng nghị sĩ đều được chỉ định bởi những người lãnh đạo cuộc đảo chính. Vì vậy, về mặt kỹ thuật, bất kỳ đảng nào không có sự ủng hộ của thượng viện sẽ cần đạt được thế siêu đa số là 376 trên tổng số 500 ghế, một mục tiêu mà với tình cảnh chính trị hiện nay nhiều người cho là điều không tưởng.