(CAO) Thời đại thay đổi với việc Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, trong khi đó nước Đức - một đồng minh thân cận của Washington cần hơn bao giờ hết sự tiếp nối kinh nghiệm chính trị, và cho dù bị phê phán nặng nề về chính sách thu nhận người di cư, thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tranh cử lần thứ tư cho chức vụ này vào ngày 20-11.
Nếu thắng cử, bà Angela Merkel sẽ là vị thủ tướng lãnh đạo nước Đức lâu nhất từ sau Thế chiến thứ hai qua tổng cộng 4 nhiệm kỳ.
Obama trong chuyến công du từ giã nước Đức lần cuối cùng trên cương vị tổng thống Mỹ đã không tiếc lời khen ngợi bà Merkel là một người "xuất sắc, đáng tin cậy và đáng tin tưởng".
Nước Đức sẽ "định hướng trong thời đại khó khăn để tiến tới thành công cho mình và cho châu Âu", đó là tựa đề nội dung tranh cử của chung hai đảng CDU/CSU.
Cái mới là chữ "Modernisierungsverlierer", chữ này được ghép lại bởi hai chữ "Modernisierung" và "Verlierer", hiểu theo nghĩa tiếng Việt là những người bị mất mát từ công ăn việc làm, mất thu nhập, mất tương lai, mất tin tưởng vào những giá trị dân chủ đúng đắn trong quá trình toàn cầu hóa, và họ có thể bầu cho các đảng phái cực hữu.
Không cần phải nói tên đảng AfD (Alternative für Deutschland), một đảng cực hữu đã thắng lớn trong những kỳ bầu cử tầm mức tiểu bang vừa qua, đảng CDU cho rằng, những kết luận quá đơn giản kiểu "dân túy, đóng cửa, ngăn chặn bên ngoài và sự chia rẽ trong dân chúng" không phải là lời giải đáp cho những vấn đề xã hội và chính trị trong hiện tại và tương lai.
Bà Angela Merkel, chủ tịch đảng CDU kiêm thủ tướng Đức sẽ ra tranh cử lần thứ 4
Chìa khóa của bà Angela Merkel là chính sách giảm thuế cho dân và cho xí nghiệp để thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng. Thí dụ của nước Pháp đã cho thấy chính sách thuế má cao và các luật lệ nghiệt ngã về tài chính, ngân hàng đang bóp nghẹt sức tiêu thụ của dân chúng và nền kinh tế Pháp, Không phải người dân nào cũng là trường hợp Thomas Fabius hay Cahuzac...có khả năng luồn lách, kiếm tiền chuyển tiền bất hợp pháp. Vị trí tổng thống Pháp đang lung lay, dân chúng có khuynh hướng bầu lại mới, tức là sẽ có thêm một sự thay đổi ở châu Âu, ngay bên cạnh nước Đức.
Giảm thuế căn bản về lương bổng kích hoạt tăng thuế tiêu thụ cùng với mức lãi xuất thấp có thể đem lại tăng trưởng kinh tế toàn xã hội. Thêm vào đó công việc đầu tư vào hạ tầng cơ sở cũng đem lại công ăn việc làm, thu nhập cho dân chúng. Thêm vào đó, chính sách gia đình và dân số cũng trở thành quan trọng. Phụ nữ Đức có tiếng là "lười" đẻ con, cũng vì kinh tế thiếu hụt họ không lập gia đình hay không có con. Đường xa về dài thì xã hội Đức sẽ giảm dân số mạnh.
Bà Merkel đang điều chỉnh lại chính sách người di tản bằng công việc trục xuất một phần người di tản ra khỏi nước Đức và bằng Hiệp ước giữa khối EU và nước Thổ Nhĩ Kỳ, bằng việc kiếm soát biên giới EU nghiêm ngặt hơn, cũng là nằm trong chính sách chống khủng bố. Trong vấn đề văn hóa, việc cấm sử dụng "Burka" (khăn che mặt) của phụ nữ Hôì giáo cũng được chính thức nói đến.
Angela Merkel đón tiếp tổng thống Mỹ Obama trong chuyến thăm kết thúc nhiệm kỳ 11-2016
Nhưng điều này không có nghĩa là bà Angela Merkel sẽ "cứu" đuợc tất cả, mà một thành phần trong xã hội Đức sẽ bị "lọt sàn" vĩnh viễn, những người lao động trên 45 tuổi rất khó tìm được việc làm trong khi tuổi về hưu là 65-67 tuổi, họ sẽ phải làm gì trong thời gian đó để sống còn? Xã hội Đức chỉ có một thành phần được ưu đãi nhất là thành phần công chức các cấp về hưu.
Dù vậy, sự kiện bà Angela Merkel sẽ tranh cử lần thứ tư và sẽ thắng cử có thể được coi là "tất nhiên" khi các đấng mày râu xếp hàng đứng sau lưng bà. Angela Merkel đã chấp nhận ông Franz-Walter Steinmeiner (SPD) làm tổng thống Đức kế vị ông Joachim Gauck, và chức vị Ngoại trưởng Đức sẽ do đảng SPD nắm giữ, hai vị trí quan trọng nhất quốc gia sau vị trí thủ tướng, và một kiểu mẫu kết hợp "Große Koalition", hai đảng lớn làm nền tảng bảo đảm cân bằng được tiếp tục thực hiện.
Họp báo của tổng thống Mỹ Obama và thủ tướng Đức Angela Merkel. Ông Obama không giấu được lo ngại về tình hình nước Mỹ sau khi Trump thắng cử.