Trung Quốc đề cập nguyên nhân khiến rò rỉ khí phóng xạ ở nhà máy điện

Thứ Tư, 16/06/2021 18:00  | Anh Duy

|

(CAO) Hôm 16-6, AFP dẫn tuyên bố của giới chức Trung Quốc cho biết một số thanh nhiên liệu bị hư hỏng là nguyên nhân của việc tích tụ khí phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn, tỉnh Quảng Đông, miền nam nước này, đồng thời mô tả vấn đề này là "phổ biến" và không cần quan tâm.

CNN đưa tin hồi đầu tuần rằng chính phủ Mỹ đang đánh giá báo cáo về sự cố rò rỉ tại nhà máy Đài Sơn và công ty hạt nhân Framatome của Pháp - công ty hỗ trợ vận hành nhà máy đã báo cáo sự cố này.

Đáp lại, một tuyên bố chung của Bộ Môi trường Trung Quốc và Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia cho biết đã có sự gia tăng phóng xạ tại một trong hai tổ máy điện hạt nhân của nhà máy do 5 thanh nhiên liệu bị hư hỏng.

Tuyên bố cho biết: “Do ảnh hưởng của các yếu tố không thể kiểm soát được trong quá trình sản xuất, vận chuyển, tải nhiên liệu và các liên kết khác, một số lượng nhỏ thanh nhiên liệu bị hư hỏng là không thể tránh khỏi”, đồng thời gọi đây là một "hiện tượng phổ biến”.

Có hơn 60.000 thanh nhiên liệu trong bộ phận chính, tuyên bố cho biết, và tỷ lệ các thanh bị hư hỏng là "ít hơn 0,01 phần trăm".

Bộ này cho biết mức độ phóng xạ tăng "nằm trong phạm vi cho phép hoạt động ổn định" đối với các nhà máy điện hạt nhân, và "không có vấn đề rò rỉ phóng xạ ra môi trường".

Đầu tuần này, tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF của Pháp - chủ sở hữu phần lớn của Framatome - cũng đã đổ lỗi cho việc tích tụ khí tại một trong những lò phản ứng của Đài Sơn là do lớp phủ trên một số thanh nhiên liệu uranium bị xuống cấp.

Nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn - Ảnh: AFP

EDF cho biết họ đã được thông báo lần đầu tiên về sự cố thanh nhiên liệu vào tháng 10, nhưng chỉ mới biết về lượng khí tích tụ vào tuần trước.

Dữ liệu quan trắc môi trường chính thức cho thấy mức phóng xạ gần Đài Sơn tăng nhẹ so với các nhà máy hạt nhân khác ở Trung Quốc, nhưng các chuyên gia cho rằng mức độ phóng xạ môi trường ở Quảng Đông vẫn nằm trong mức bình thường.

Các nhà chức trách Trung Quốc cho biết kết quả giám sát môi trường xung quanh nhà máy Đài Sơn cho thấy mức độ phóng xạ ở mức "bình thường, ở mức nền và không có rò rỉ".

Được đưa vào vận hành vào năm 2018, nhà máy Đài Sơn là nhà máy đầu tiên trên toàn thế giới vận hành lò phản ứng hạt nhân EPR thế hệ tiếp theo.

Hiện có hai tổ máy điện EPR tại Đài Sơn, nằm sát bờ biển của tỉnh Quảng Đông và trung tâm tài chính của Hồng Kông.

Trung Quốc có hàng chục nhà máy hạt nhân – số lượng nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Pháp và đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Vị trí nhà máy so với hai đặc khu Macau và Hồng Kông - Ảnh: AFP

Tuyên bố của chính phủ Trung Quốc cũng bác bỏ tuyên bố trong báo cáo trước đó của CNN rằng họ đang nâng giới hạn phát hiện bức xạ có thể chấp nhận được xung quanh nhà máy.

Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân chỉ ra một sự cố tại Đài Sơn trong những tháng gần đây, xảy ra vào ngày 5-4, khi họ cho biết "một lượng nhỏ khí phóng xạ bất ngờ lọt vào" đường ống kín nước trong tổ máy đầu tiên của nhà máy.

Tuyên bố nói rằng sự cố đã được kiểm tra và tổng lượng khí thải ra chiếm 0,00044% giới hạn phát thải hàng năm.

Lo ngại gia tăng về nguy cơ rò rỉ phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang