Vì sao CFO của Huawei bị bắt?

Thứ Bảy, 08/12/2018 16:13  | Anh Duy

|

​(CAO) Hôm 8-12, Reuters đưa tin Giám đốc tài chính toàn cầu (CFO) của tập đoàn công nghệ Huawei – bà Mạnh Vãn Chu đang phải đối mặt với các cáo buộc của Mỹ về việc bà che đậy cho công ty con về hành vi bán các thiết bị cho Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Tiết lộ trên được một công tố viên của Canada đưa ra trong phiên điều trần trước toà hôm 7-12 (giờ địa phương), chống lại yêu cầu được tại ngoại của bà trong thời gian chờ dẫn độ về Mỹ.

Bà Chu là con gái của nhà sáng lập tập đoàn Huawei. Hãng thông tấn Reuters trước đó từng đưa tin Huawei có quan hệ khăng khít với công ty công nghệ Skycom có trụ sở tại Hong Kong. Skycom được phát hiện có hành vi bán các thiết bị của Mỹ cho chính quyền Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU).

Các công tố viên đã lập luận trước toà rằng bà Chu không trung thực khi khai báo với các ngân hàng về mối quan hệ giữa 2 công ty (Huawei và Skycom thực chất là 2 công ty mẹ, con). Nếu bị dẫn độ về Mỹ, bà Chu có thể đối mặt với các tội danh âm mưu lừa gạt các tổ chức tài chính với mức án tối đa 30 năm tù cho mỗi tội danh.

Bà Mạnh Vãn Chu - CFO Huawei (tóc đen trong cùng) trong phiên toà ở Vancouver (Canada) ngày 7-12 - Ảnh: Ký hoạ của Jane Wolsak

Hiện chưa có quyết định nào được đưa ra sau 6 giờ tranh luận và phản biện trước toà. Phiên điều trần được dời lại vào sáng thứ hai tuần sau (giờ địa phương).

Bà Chu bất ngờ bị bắt ở Canada hôm 1-12 theo yêu cầu của Mỹ. Vụ bắt giữ diễn ra cùng ngày tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 ở Argentina. Hai nguyên thủ đã đồng ý hoãn đợt áp thuế mới lên hàng hoá của nhau để đàm phán nhằm giảm nhiệt cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Vụ bắt giữ bà Chu khiến chứng khoán của Huawei đỏ sàn những ngày qua.

Phía công tố viên phản đối cho bà Chu tại ngoại với lập luận rằng sự giàu có của gia đình bà khiến hàng triệu USD tiền bảo lãnh tại ngoại cũng không thấm vào đâu so với họ và bà có thể dễ dàng đào tẩu nhờ vào các mối quan hệ ở Vancouver.

Huawei là nhà sản xuất smartphone lớn thứ hai thế giới bị Mỹ tố là công ty gián điệp cho chính quyền Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Phải mất đến 60 ngày để Mỹ và Canada thực hiện thủ tục dẫn độ. Ngành tư pháp Canada sẽ xem xét các bằng chứng xem có thuyết phục để cho dẫn độ bà hay không.

Chi tiết cáo buộc đối với bà Chu

Tâm điểm của vụ bắt giữ này liên quan đến công ty con của Huawei – Skycom. Công ty này có một văn phòng ở thủ đô Tehran (Iran). Huawei cho biết Skycom là một trong những đối tác địa phương lớn nhất của họ ở Iran.

Tháng 1-2013, Reuters khui ra vụ Skycom cố bán các thiết bị vi tính của hãng Hewlett-Packard (HP) cho nhà mạng điện thoại di động lớn nhất Iran. Một thoả thuận ký kết năm 2007 cho thấy Huawei là công ty mẹ nắm giữ tất cả các cổ phần của Skycom.

Vào thời điểm bà Chu giữ chức thư ký quản lý của Huawei, bà cũng có chân trong hội đồng điều hành Skycom từ tháng 2-2008 đến tháng 4-2009, dựa theo tài liệu Skycom nộp ở Hong Kong để đăng ký thành lập công ty.

Sau đó Huawei thông qua văn phòng của Skycom ở Tehran để cung cấp thiết bị mạng viễn thông cho một số công ty viễn thông lớn của Iran. Skycom được quản lý bởi luật của Iran nhưng thực chất được điều hành bởi Huawei.

Bà Mạnh Vãn Chu (phải) là con của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi (người chỉ tay) - Ảnh: Getty/EPA

Một cựu nhân viên của Huawei làm việc ở Iran cho Reuters biết hôm 7-12 rằng: “Huawei và Skycom là một”.

Theo tài liệu được hãng thông tấn Reuters thu thập, Mỹ bắt đầu điều tra việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt áp lên Iran từ năm 2016.

Vụ bắt bà Chu xoay quanh lời khai được tố là gian dối của bà với các ngân hàng. Khi họ hỏi bà về quan hệ giữa Huawei và Skycom vào năm 2013, bà đã không ngần ngại nói rằng 2 công ty không liên quan với nhau.

Dù tên ngân hàng không được tiết lộ nhưng theo Reuters đó là ngân hàng HSBC. Ngân hàng này hiện không bị điều tra.

Về phần Huawei, công ty này bị tình báo Mỹ xếp vào danh sách các công ty có liên hệ theo kiểu được chỉ đạo trực tiếp từ chính quyền Trung Quốc. Họ cung cấp các thiết bị viễn thông nhưng đồng thời cũng dùng các thiết bị này để tạo ra “cổng sau” cho Bắc Kinh do thám các chính phủ nước ngoài thông qua hạ tầng mạng viễn thông được lắp đặt bằng thiết bị của Huawei. 

Bắt bà Mạnh Vãn Chu, người được xem là bộ mặt của ngành viễn thông Trung Quốc không khác nào sự "cảnh cáo" đối với Bắc Kinh. Đáng nói hơn vụ bắt giữ diễn ra ngay ngày ông Trump ngồi với ông Tập bên lề G20.

Huawei nay trở thành “con bài” trong cuộc mặc cả theo phong cách doanh nhân “vừa đánh vừa đàm” hay “gây áp lực để tạo lợi thế trên bàn đàm phán” của Trump. Chưa rõ sau vụ này có làm Trung Quốc nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại hay không?

Bình luận (0)

Lên đầu trang