(CAO) Trận động đất mạnh 7,5 độ richter xảy ra vào ngày 28-9 có tâm chấn ngoài khơi đảo Sulawesi (Indoneisa) khiến 400 người thiệt mạng, sóng thần ập vào thị trấn cuốn trôi nhiều người và nhà cửa một lần nữa nối dài chuỗi thiên tai thảm hoạ ở đất nước vạn đảo này.
CNN nhận định đối với Indonesia, câu hỏi không phải là có bao nhiêu trận động đất nữa sẽ xảy ra mà là chúng sẽ xảy ra vào lúc nào để dân tình ứng phó. Bởi vì động đất là việc không thể tránh khỏi ở đất nước này do lãnh thổ nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương.
Vành đai lửa Thái Bình Dương là vòng cung kéo dài 40.000 km nơi phần lớn vụ động đất xảy ra trên Thế giới. Đây là nơi các mảng địa chất dịch chuyển nhiều nhất trên hành tinh, từ Nhật Bản kéo dài xuống Indonesia ở bờ tây Thái Bình Dương. Còn ở bờ đông của đại dương này, Vành đai lửa áp sát dọc từ bang California (Mỹ) kéo xuống khu vực Nam Mỹ.
CNN dẫn lời nhà khí tượng học - Allison Chinchar giải thích các mảng kiến tạo không ngừng dịch chuyển, nôm na là bề mặt trái đất bên dưới những khu vực này liên tục thay đổi, dịch chuyển bên trên lớp mắc ma nóng chảy bên dưới. Chúng có thể va vào nhau hay tách khỏi nhau, trượt lên nhau và mỗi lần như vậy sẽ gây động đất và núi lửa phun.
Vị trí Vành đai lửa Thái Bình Dương (Vòng cung đỏ) nơi các mảng kiến tạo bên dưới thường xuyên dịch chuyển, va vào, tách ra hay trượt lên nhau gây ra các vụ động đất - Ảnh: CNN
Lực va chạm giữa 2 mảng kiến tạo nếu xảy ra dưới lòng biển sẽ đẩy các tầng nước trồi lên trên gây ra những đợt sóng thần. Đất luôn dịch chuyển bên dưới, các tầng địa chất không ổn định khiến động đất xảy ra như cơm bữa ở Indonesia.
Hồi tháng 7, một trận động đất mạnh 6,4 độ richter xảy ra ở hòn đảo du lịch Lombok của quốc gia này khiến 15 người thiệt mạng. Tiếp sau đó một trận động đất xảy ra vào tháng 8 cũng ở đảo du lịch này khiến hơn 400 người thiệt mạng.
Hai mảng kiến tạo nằm dưới lãnh thổ Indonesia là mảng Thái Bình Dương và mảng Ấn – Úc.