(CATP) Tháng 7 vừa qua, nhà phân tích Charles Seville của Fith Ratings đã đưa ra "báo cáo chiếu lệ" về cách Quốc hội Mỹ có thể xử lý xếp hạng tín dụng của nước này.
Giống như hầu hết ý kiến, ông cho rằng các nhà lập pháp sẽ thận trọng. Tuy nhiên, ông nói rõ điều gì có thể xảy ra nếu đảng Cộng hòa hành động vô trách nhiệm như họ đã làm năm 2011, khi ấy Standard & Poors đã tước bỏ vị thế AAA của Washington. Seville nhấn mạnh: "Việc không nâng hạn mức trần nợ kịp thời để ngăn tình trạng vỡ nợ... là rủi ro có ý nghĩa đối với việc xếp hạng".
Hôm thứ hai, 27-9-2021, các thành viên Cộng hòa tại Thượng viện đã lặp lại cách họ từng làm năm 2011: chặn một dự luật nâng trần nợ để cung cấp tài chính cho Chính phủ Mỹ và ngăn 1 vụ vỡ nợ. Hành động đó đã khiến các thị trường thế giới hoảng loạn hơn 10 năm trước đồng thời đặt Bộ Tài chính Mỹ vào chế độ kiểm soát thiệt hại.
Hôm thứ ba, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, Washington sẽ hết sự lựa chọn để tránh vi phạm giới hạn nợ vào ngày 18-10, đẩy nước Mỹ đến bờ vực vỡ nợ. Thời hạn mới này khiến các thị trường lo lắng về triển vọng đối với cốt lõi của hệ thống tài chính toàn cầu.
Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moodys Analytics - cho rằng, đảng Cộng hòa "đang tiến hành trò chơi nguy hiểm với giới hạn nợ". Cũng theo Zandi, bế tắc thanh toán nợ chủ ý và kéo dài có thể khiến nền kinh tế Mỹ mất 6 triệu việc làm, phá hủy 15 ngàn tỷ đôla tài sản hộ gia đình, đẩy tỷ lệ thất nghiệp hướng tới 9% từ khoảng 5% hiện nay và tàn phá các thị trường toàn cầu.
Zandi lập luận: "Kịch bản kinh tế này là trận đại hồng thủy, suy thoái có thể so sánh với thiệt hại trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008". Cuộc tranh luận về trần nợ diễn ra khi Chính phủ Mỹ có nguy cơ chạm mức giới hạn vay 28,4 ngàn tỷ USD vào ngày 18-10. Số nợ đó lớn hơn 2 lần tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Đức, đặt Mỹ vào con đường hướng tới khoản nợ quốc gia 30 ngàn tỷ đôla.
Mỹ đang đối phó vụ vỡ nợ có thể gây hậu quả lớn cho các thị trường toàn cầu. Ảnh: iStock
Covid-19 đã làm gia tăng các đứt gãy tài chính. Xuất phát từ hậu quả cuộc chiến thương mại của ông Donald Trump, đại dịch đã làm ảnh hưởng đến tăng trưởng, những khoản thu thuế và các bảng cân đối kế toán khắp nơi, đồng thời khiến các chính phủ của Nhóm bảy quốc gia (G7) có ít công cụ tài chính và tiền tệ hơn để chống chọi với môi trường tăng trưởng đang trì trệ hiện nay.
Tình trạng hỗn loạn cũng khiến nền kinh tế lớn nhất châu Á và đứng thứ 2 thế giới mất cân bằng, minh chứng qua nguy cơ phá sản của nhà khổng lồ bất động sản China Evergrande Group. Tuần trước, tập đoàn mắc nợ nhiều nhất toàn cầu này được tin là đã lỡ đợt thanh toán lãi suất trái phiếu, đẩy các thị trường nợ ở khắp nơi vào bờ vực. Mặc dù vậy, các thủ thuật tinh vi ở Washington được cho là mối đe dọa lớn hơn nhiều.
Những rắc rối của Evergrande về cơ bản là chuyện trong nước mà chính phủ của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình phải giải quyết. Đối với Mỹ và khoản nợ quốc gia hướng tới 30 ngàn tỷ đôla, phần lớn được giữ ở nước ngoài, việc giảm nợ có kiểm soát khó hơn nhiều - và do tốc độ tăng trưởng đang chậm lại, nó ít có khả năng thành công hơn.
Bế tắc mới nhất về trần nợ xảy ra khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lo ngại về nguy cơ lạm phát mở rộng trên toàn cầu. Hiện mức tăng 5% hàng tháng về giá tiêu dùng của Mỹ có thể được giải thích là chỉ tạm thời, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Fed đã không điều chỉnh lại cho phù hợp. Sự tự mãn này có thể không còn trụ vững nếu trong 2 tuần tới, những tranh cãi về mức trần nợ làm xói mòn thêm niềm tin vào đồng đôla. Điều này làm tăng tính cấp bách để các chính phủ từ Trung Quốc tới Tổ chức các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) bán phá giá đồng đôla.
Đó là vấn đề liên quan đến nhiều phương diện, vì đồng đôla Mỹ là huyết mạch đối với thương mại và tài chính toàn cầu.
Phạm Hồng (theo Asia Times, Bloomberg)