(CATP) Vừa là kiểm sát viên kiểm sát điều tra vụ án, vừa thực hành quyền công tố tại hai phiên tòa hình sự sơ thẩm, song KSV Ngô Kiên Định nhiều lần bị tố cáo có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, làm sai lệch hồ sơ vụ án. Tháng 6-2020, Cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã làm việc với những người tố cáo, đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức.
Hồ sơ mâu thuẫn, thiếu sót vẫn luận tội
Ngày 14-7-2015, với vai trò là KSV kiểm sát điều tra vụ án, ông Ngô Kiên Định ký văn bản số 106/KSĐT yêu cầu cơ quan điều tra làm rõ nhiều nghi vấn, mâu thuẫn trong hồ sơ.
Đó là: Khi tập hợp lực lượng để đánh nhau thì Thời đã điện cho những ai, ai là người phân phát hung khí, ai cầm loại hung khí gì? Tiến hành cho các bị can nhận dạng những người đã cùng tham gia, trong đó cần nhận dạng đối với Trần Văn Tổng, Nguyễn Tuấn Phong, Lâm Hải Đăng, Lê Phước Nhớ.
Liên quan đến Tổng và Phong, KSV này đề nghị làm rõ khi bị đánh ở địa phận huyện Cái Nước thì Tổng và Phong đưa Thời về lúc nào, Tổng chở Thời về lấy mã tấu thì Phong ở đâu, Tổng và Phong có tham gia đánh nhau hay cảnh giới, hỗ trợ gì không? Tại sao khi đánh nhau xong thì có sự xuất hiện của Tổng và Phong chở Thời về nhà và đưa vào bệnh viện?
Đối với Hà Gia Nguyên và Lâm Tấn Phong, KSV xét thấy lời khai ban đầu của họ thừa nhận có tham gia đánh chém bị hại cùng các bị can. Lời nhận tội này phù hợp với lời khai nhận tội của các bị can khác, phù hợp với diễn biến và hiện trường vụ án, được xem là căn cứ hợp pháp để buộc tội Nguyên và Phong. Sau đó, khi gia đình Nguyên và Phong cung cấp chứng cứ ngoại phạm, Nguyên cho biết trước đó nhận tội vì được đọc lời khai của Nam. Vậy Nguyên đọc lời khai của Nam khi nào, tại đâu, đề nghị đối chiếu xem hai lời khai có phù hợp không?
Ngoài ba vấn đề chính nêu trên, KSV còn yêu cầu làm rõ từng loại vật chứng đã thu giữ của ai, lời khai của một số người liên quan có mâu thuẫn...
Có thể thấy, qua việc kiểm sát điều tra, KSV đã phát hiện nhiều nghi ngờ, khúc mắc. Tiếc rằng kết quả điều tra lần đầu cũng như ba lần điều tra bổ sung sau đó không có gì mới. Vậy mà cáo trạng vẫn truy tố các bị cáo tội "cố ý gây thương tích", ở phiên tòa sơ thẩm lần hai KSV giữ quyền công tố tại tòa còn đề nghị mức án tăng nặng hơn.
KSV bị tố cáo, yêu cầu thay đổi
Tại phiên tòa sơ thẩm lần thứ nhất, Nguyễn Anh Duy khai vào đêm xảy ra vụ án, Duy uống bia cùng mấy người bạn trong đó có Lê Phước Nhớ (em ruột bị cáo Lê Phước Trung), khoảng 23 giờ Nhớ mượn xe của Duy chở bạn gái về nhà đến 6 giờ sáng hôm sau mới trả xe. Ngày 15-3, Duy đi sinh nhật cùng Hà Gia Nguyên, trên đường đi Nguyên bị công an mời làm việc nên Duy bị mời đi cùng, sau đó bị bắt giữ.
Các bị cáo và người thân bức xúc sau khi tòa tuyên án
Anh Nhớ ra tòa làm chứng ngoại phạm cho Duy thì bị KSV vặn: "Anh là em ruột bị cáo Trung, lại làm chứng cho bị cáo Duy. Nếu gây bất lợi cho bị cáo Trung, anh nghĩ anh còn đủ tư cách là người làm chứng không?". Sau phiên tòa, bà Huỳnh Kiều Diễm, mẹ ruột bị cáo Duy đã làm đơn tố cáo KSV có hành vi đe dọa, tác động tiêu cực đến người làm chứng gây hậu quả là anh Nhớ vắng mặt, không ra tòa làm chứng nữa.
Đến dự phiên tòa phúc thẩm, chị Trần Kim Thoa (chị ruột Tổng, đồng thời là nhân chứng cho Đặng Hữu Thời) tố giác KSV Ngô Kiên Định đe dọa, hướng dẫn chị khai sai sự thật. Chị Thoa cho biết sau khi bị chém, Thời chạy đến nhà chị ở gần lộ, kêu cửa nhờ gọi cảnh sát 113, rồi mượn điện thoại gọi cho vợ Thời. Thời gian gọi là sau 1 giờ nhưng ông Định buộc chị phải khai rằng do mẹ Thời dặn chị khai sau 1 giờ, chị Thoa không đồng ý thì ông Định đòi cho xe 4 bánh đến bắt chị. Thực tế Công an huyện Cái Nước có chụp màn hình điện thoại thể hiện cuộc gọi 113 là sau 1 giờ ngày 15-3-2015.
Sở dĩ phải xác định đúng thời gian Thời bị chém vì cùng trong đêm 15-3 xảy ra hai vụ chém người. Nhóm của Thời bị chém dưới dốc cầu Lương Thế Trân thuộc xã Thạnh Phú, H.Cái Nước. Ít phút sau đó, nhóm anh Toàn bị chém ở dốc cầu bên kia thuộc xã Lý Văn Lâm, TP.Cà Mau. Cả hai vụ đều xác định do nhóm thanh niên đi xe máy chạy qua rượt chém. Thời nhập viện cấp cứu lúc 2 giờ 5 phút, 15 phút sau anh Toàn cũng nhập viện điều trị.
Xử phúc thẩm lần thứ nhất, TAND tỉnh Cà Mau nhận định: bị cáo Thời vừa bị chém vừa đi tìm người chém trả thù cùng trong một khoảng thời gian là không phù hợp.
Đơn tố cáo của nhân chứng, người liên quan đối với KSV Ngô Kiên Định không được trả lời hoặc trả lời qua loa. Các bị cáo và luật sư cũng đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy KSV không vô tư, khách quan nên đề nghị thay đổi KSV cũng không được chấp nhận. Quan trọng nhất, gia đình bị cáo Lâm Hải Long cung cấp cho HĐXX các file ghi âm thể hiện KSV dẫn dụ, đe dọa Nguyễn Phương Nam khai sai sự thật. TAND tỉnh Cà Mau đã ghi nhận đây là tài liệu liên quan đến vụ án nhưng không xem xét mà vẫn tuyên các bị cáo phạm tội.
Điều 15 BLTTHS 2015 quy định về nguyên tắc xác định sự thật vụ án là: "Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội".
Một vụ án có quá nhiều thiếu sót, vi phạm; KSV bị tố cáo có biểu hiện làm sai lệch hồ sơ; quá trình xét xử vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng thì có đảm bảo tính chính xác, khách quan?
Bản án sơ thẩm của TAND TP.Cà Mau có đoạn: "Về diễn biến vụ án ĐTV, KSV không thể tự nghĩ ra mà chỉ những người có mặt tại hiện trường mới mô tả được". Ai đã "nghĩ” ra vụ án này trong khi các bị cáo, nhân chứng, người liên quan đều bác bỏ lời buộc tội?