Làm rõ vai trò của các đồng phạm
Đây là lần thứ 2 Viện KSND TPHCM trả hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Công an TPHCM điều tra bổ sung đối với vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng. Trước đó, ngày 10-11, Viện KSND TPHCM tiếp tục ra lệnh tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng từ ngày 04-11.
Bị can Nguyễn Phương Hằng bị khởi tố, bắt tạm giam vào ngày 24-3. Sau đó, gia đình của bị can Nguyễn Phương Hằng có đơn gửi Công an TPHCM, Viện KSND TPHCM đề nghị xin được bảo lãnh tại ngoại. Lý do tại ngoại nêu trong đơn là: Từ trước đến nay, bị can Nguyễn Phương Hằng có nhiều đóng góp trong hoạt động từ thiện, nhân đạo... nhất là trong dịch Covid-19. Đồng thời, gia đình bị can muốn bảo lãnh cho bị can Nguyễn Phương Hằng ra ngoài để đưa đi điều trị bệnh. Ngày 03-11, Công an TPHCM đã hoàn tất kết điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Các buổi livestream của bà Hằng còn có sự tham gia của ông Đặng Anh Quân (giảng viên Trường đại học Luật TPHCM), ông Nguyễn Đình Kim (luật sư) với tư cách khách mời của bà Hằng đã có những phát ngôn về ông Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh. Với những cá nhân có liên quan, tham gia giúp sức cho bà Hằng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định các nội dung liên quan nhưng chưa có kết quả. Nếu có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo pháp luật.
Đối với các cá nhân sử dụng kênh YouTube để chia sẻ thông tin liên quan đến bà Hằng nhằm mục đích câu like để tăng thu nhập, Công an TPHCM và các đơn vị chức năng có liên quan xác minh, làm rõ xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Cũng liên quan vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, vào ngày 22-4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Bị can Nguyễn Phương Hằng
Trong tháng 9-2022, theo kết luận điều tra, bị can Hằng có sử dụng 7 tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook bao gồm 2 tài khoản Facebook là "Ha Lee", "Nguyễn Phương Hằng"; 5 tài khoản YouTube là "Trường Đua Đại Nam", "Chistiana Nguyen", "LONG VLOG", "Tin Nóng Nhất 24h", "Luật sư Vlog". Từ tháng 6-2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội trên, bị can Hằng đã tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung khác nhau và được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận.
Tại các buổi phát trực tiếp, bị can Hằng đã phát ngôn những nội dung gây ảnh hưởng uy tín, danh dự của nhiều cá nhân như: ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo Đức Hiển công tác ở Báo Pháp Luật TPHCM), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo Hàn Ni công tác ở Báo Sài Gòn Giải Phóng), bà Đinh Thị Lan, bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), ông Lê Công Vinh (chồng ca sĩ Thủy Tiên), ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng). Vì thế những người này đã gửi đơn tố cáo Nguyễn Phương Hằng.
Trong quá trình điều tra, bị can Hằng thừa nhận đã có phát ngôn xúc phạm, bôi nhọ nhà báo Đức Hiển, nhà báo Hàn Ni, bà Lan, vợ chồng Thủy Tiên và ông Hưng. Bị can Hằng khai là do những người này có phát ngôn xúc phạm bà cùng chồng là ông Huỳnh Uy Dũng (tức Dũng Lò Vôi). Vì thế, bà đã dùng từ ngữ phát ngôn xúc phạm, bôi nhọ lại những người này.
Cơ quan điều tra xác minh tại Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) tỉnh Bình Dương để xác định mức độ người xem, chia sẻ, bình luận các buổi phát trực tiếp nêu trên của bị can Hằng. Qua đó, Sở TT-TT tỉnh Bình Dương xác định các video, các kênh của bà Hằng đăng trên mạng, có số người vào xem, nhiều lượt bình luận, nhiều nhất có đến 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích, 32.000 lượt bình luận.
Khách mời tham gia trong một buổi livestream của Nguyễn Phương Hằng
Kết luận điều tra nêu rõ đây là vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" do bị can Hằng thực hiện hành vi phạm tội. Hành vi của bị can Hằng được xác định là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Dùng chiêu... "giấc mơ” để lách luật
Ngày 21-10, Viện KSND tỉnh Bình Dương cho biết đã đề nghị Cơ quan điều tra Công an tỉnh hoàn thiện thủ tục để chuyển vụ án liên quan bị can Nguyễn Phương Hằng cho Công an TPHCM để điều tra triệt để, toàn diện vụ án. Trước đó, Công an tỉnh Bình Dương cũng đề nghị nhập vụ án về Công an TPHCM nhưng do phải làm rõ một số nội dung nên thủ tục này chưa thực hiện xong. Ngày 14-10, bị can Nguyễn Phương Hằng cùng gia đình có đơn gửi Công an TPHCM, Viện KSND TPHCM đề nghị xin được bảo lãnh tại ngoại.
Theo kết luận điều tra, tháng 3-2021, bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng các tài khoản mạng xã hội như: YouTube, Facebook, TikTok để phát ngôn trực tiếp thông qua mạng Internet (hay còn gọi là livestream) với nhiều chủ đề, nội dung khác nhau và được nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi livestream, bà Nguyễn Phương Hằng phát ngôn các nội dung về bí mật đời tư cá nhân và gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của các cá nhân là: bà Nguyễn Thị Mỹ Oanh, ông Võ Nguyễn Hoài Linh, bà Đặng Thị Hàn Ni...
Sau đó, các cá nhân này đã gửi đơn tố cáo hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng tới Công an địa phương. Đến ngày 24-3-2022, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Hằng về tội danh trên.
Cơ quan điều tra nhận định, bà Hằng được nhiều người biết và theo dõi trên mạng xã hội. Bà Hằng lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân liên tục tổ chức các buổi livestream phát ngôn để nói về nhiều chủ đề, nhiều nội dung chưa được kiểm chứng. Đồng thời, bà còn phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của người khác, gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.
Cũng liên quan vụ án bị can Nguyễn Phương Hằng, tháng 9-2022 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương cho hay, đã hoàn tất kết luận điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố bị can Nguyễn Phương Hằng về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Quá trình điều tra, bà Hằng khai các thông tin nói trên livestream về 3 cá nhân này là do bà đọc trên mạng, đọc báo, nằm mơ... chứ thông tin chưa được kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh.
Công an xác định, các cá nhân giúp sức cho bà Hằng trong các buổi livestream gồm: ông Huỳnh Công Tân (Trưởng phòng truyền thông Công ty cổ phần Đại Nam), bà Lê Thị Thu Hà (nhân viên Công ty cổ phần Đại Nam), bà Nguyễn Thị Mai Nhi (trợ lý của bà Nguyễn Phương Hằng tại Công ty cổ phần Đại Nam)... Trong các buổi livestream bà Hằng phát ngôn về ông Linh và bà Oanh còn có 2 khách mời là luật sư Đặng Anh Quân và Nguyễn Đình Kim. Cả hai có phát ngôn liên quan đến ông Linh và bà Oanh.
Với các cá nhân liên quan, tham gia giúp sức cho bà Hằng, cơ quan điều tra đã trưng cầu giám định nhưng chưa có kết quả. Nếu có kết quả sẽ tiếp tục xử lý theo quy định. Về các cá nhân sử dụng kênh YouTube chia sẻ thông tin đến bà Hằng nhằm câu like để tăng thu nhập thì Công an TPHCM và các đơn vị liên quan sẽ xác minh, làm rõ xử lý theo đúng quy định.