Cần cơ chế để TPHCM phát triển vượt trội:

Bài cuối: TPHCM như một thiết chế phúc lợi vượt trội

Thứ Sáu, 09/06/2023 14:24

|

(CATP) Địa phương tự chủ muốn phát triển bền vững cần phải được tổ chức tốt về phương diện phúc lợi xã hội. Của cải vật chất do địa phương tạo ra phải được ưu tiên sử dụng để phục vụ cho cuộc sống của cư dân. Từ đó, người dân mới có thêm động lực để tiếp tục lao động, làm việc, tạo ra của cải…

Tạo động lực cho lao động, sáng tạo

Về phương diện phúc lợi xã hội, các khoản lợi tức của quốc gia, cũng như lợi tức của chính quyền địa phương, được hình dung như lợi nhuận của doanh nghiệp, phải phục vụ được hai mục tiêu. Thứ nhất, nó góp phần cải thiện điều kiện sống của người dân, suy cho cùng, có thể được ví như các cổ đông của công ty cổ phần gọi là quốc gia hoặc địa phương: thông qua một chế độ an sinh xã hội hợp lý, với nguồn quỹ dồi dào, người dân thụ hưởng các dịch vụ đặc trưng của một cuộc sống có chất lượng (giáo dục, y tế, đi lại, vui chơi giải trí, trợ cấp thất nghiệp, hưu trí...).

Thứ hai, nó bảo đảm cho những người làm việc trong khu vực công, thành viên của bộ máy quản trị, điều hành công ty, có được thu nhập khả quan, cho phép thiết lập và duy trì động lực làm việc và nhất là sự liêm chính của con người trong bộ máy, nhờ đó, xây dựng được hình ảnh thân thiện và đáng tin cậy của người nắm quyền lực công trong mắt người dân.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy địa phương tự chủ muốn phát triển bền vững thì phải là một địa phương được tổ chức tốt về phương diện phúc lợi xã hội. Tư tưởng chủ đạo là của cải vật chất do địa phương tạo ra phải được ưu tiên sử dụng để phục vụ cho cuộc sống của cư dân địa phương. Việc cải thiện hệ thống phúc lợi giúp cư dân địa phương nhận thấy hiệu quả làm ăn của mình tạo ra lợi ích cho chính mình, từ đó càng có động lực để tiếp tục làm ăn.

Cột cờ ASEAN tại trung tâm TPHCM

Bởi vậy, địa phương tự chủ phải đầu tư một cách thỏa đáng vào hệ thống phúc lợi công cộng, bao gồm mạng lưới cung ứng dịch vụ điện, nước sinh hoạt, xử lý chất thải, đường sá, chăm sóc sức khỏe, nhà trẻ mẫu giáo và trường tiểu học, trung học. Chính quyền địa phương cũng phải quản lý các công trình phúc lợi này thông qua các doanh nghiệp (ở các nước gọi là trust) công ích. Các công trình phải được nâng cấp một cách đều đặn theo sự cải thiện thu nhập trung bình của cư dân địa phương, nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tiện nghi sinh hoạt ngày càng cao của người dân.

Xứng đáng là "đầu tàu kinh tế" của cả nước

Chế độ lương bổng cho người làm việc trong khu vực công cũng phải được cải cách hợp lý để đảm đương tốt vai trò "doping kinh tế". Có thể không cần xây dựng thang bảng lương riêng áp dụng cho khu vực công ở TPHCM, người làm việc vẫn được trả lương cơ bản được xác định trên cơ sở áp dụng thang bảng lương chung của cả nước. Bên cạnh tiền lương cơ bản là thu nhập tăng thêm được bảo đảm chi trả từ nguồn ngân sách của Thành phố. Việc tính thu nhập tăng thêm dựa vào hệ thống KPI được thiết lập tùy theo đặc điểm công việc trong từng ngành, từng khu vực, địa bàn. Mức chi trả thu nhập tăng thêm do chính quyền Thành phố tự quyết định và tự chịu trách nhiệm, thực hiện bằng các nguồn chi trả do địa phương quản lý.

Du khách nhộn nhịp đến TPHCM

Tất nhiên, để có điều kiện đầu tư cho các công trình phúc lợi công cộng của địa phương, cũng như để trả lương cho người làm việc trong khu vực công, chính quyền địa phương phải được trao quyền sử dụng các nguồn thu của địa phương. Trong quan hệ với chính quyền trung ương, địa phương được coi như một doanh nghiệp chịu thuế thu nhập: sau khi làm xong nghĩa vụ thuế với nhà chức trách trung ương, địa phương được giữ lại các nguồn thu của mình và được quyền quyết định sử dụng các nguồn thu đó dưới hình thức nghị quyết của hội đồng địa phương. Rõ hơn, trong khuôn khổ xây dựng quy chế tự chủ cho TPHCM, cần xem lại và điều chỉnh một cách hợp lý tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương đối với các nguồn thu của Thành phố.

Một số ý kiến cho rằng một khi được chăm sóc quá tốt, cộng đồng cư dân địa phương dễ phát sinh tư tưởng kỳ thị đối với người ngoài; mặt khác, địa phương sẽ có xu hướng phòng vệ để bảo tồn các thành quả bằng cách đẩy các vấn đề của địa phương mình ra bên ngoài cũng như tìm cách ngăn chặn sự xuất hiện những vấn đề có nguồn gốc ngoại lai ở địa phương mình. Suy cho cùng, đây là xu hướng hình thành từ bản năng tự nhiên của con người, chính quyền địa phương tự quản không thể né tránh, phải chấp nhận đương đầu và có cách xử lý hợp tình, hợp lý.

Dẫu sao, TPHCM vốn được coi là vùng đất thân thiện, mến khách; con người Thành phố vốn nổi tiếng với các phẩm chất nhân văn: hào hiệp, rộng lượng, nghĩa tình. Bởi vậy, có cơ sở để tin rằng việc trao quy chế tự chủ cho TPHCM không hề có tác dụng tạo ra một lớp cư dân ích kỷ và hãnh tiến. Trái lại, chính quyền và nhân dân Thành phố sẽ càng có điều kiện thực hiện tốt vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, góp phần tích cực vào việc đưa đất nước tiến lên, sớm gia nhập vào nhóm các nước phát triển như kỳ vọng của Đảng và của toàn dân.

Bài 2: Hình dung TP.Hồ Chí Minh tự chủ về kinh tế
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang