Tháo gỡ tối đa các vướng mắc cho TPHCM

Thứ Sáu, 09/06/2023 14:07  | Hải Triều

|

(CATP) Tinh thần của các cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, là tháo gỡ tối đa các vướng mắc cho TP. Và theo các đại biểu, với vị trí, vai trò dẫn dắt, TP cần được phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa, giữa Chính phủ và TP; giữa TP với các thành phố, quận, huyện trực thuộc...

Đảm nhận vai trò dẫn dắt

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chiều 08/6, Quốc hội làm việc tại hội trường cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Dự thảo Nghị quyết này được đánh giá rất quan trọng, bởi các cơ chế đặt ra không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước, tác động đến cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân TP cũng như trong khu vực.

"Việc thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM sẽ phát huy mạnh mẽ nội lực, khơi dậy tiềm năng lợi thế, tạo động lực mới cho TPHCM nói riêng, các vùng kinh tế trong vùng và của cả nước nói chung" - đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhìn nhận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tiếp thu, giải trình cuối phiên thảo luận

Đề cập đến chính sách cụ thể, đại biểu Mai cho rằng, cần mở rộng cơ chế tài chính đặc thù nguồn tài chính cho công ty đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, như cho phép công ty này phát hành trái phiếu quốc tế. Đồng thời, ưu tiên đầu tư cho một số công trình, dự án cụ thể như phát triển đường sắt đô thị, công trình dự án chống ngập vừa giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, phát triển hệ thống đường sắt đô thị...

Người ta đến TPHCM không phải chỉ để làm chuyên gia, công nhân...

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai, ảnh) đánh giá, các cơ chế, chính sách được đề xuất khá toàn diện. "Tôi cho rằng những chính sách này về cơ bản đã có cả cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn" - đại biểu An nhận định.

Tuy nhiên, đại biểu của Đồng Nai cho rằng, để thực sự tạo động lực mạnh hơn, tạo thành một "nguồn năng lượng" mạnh nữa để TPHCM bứt phá, nên cho TPHCM tự quyết về vấn đề nhân sự. "Con người sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Về tổ chức, bộ máy, nên trao quyền cho TP rộng hơn" - ông An nói.

Nhấn mạnh TPHCM là "đầu tàu" kinh tế của cả nước, đại biểu Trịnh Xuân An chỉ ra, "đầu tàu" cần dựa vào sản xuất, dịch vụ và đất đai. Việc đưa ra hướng phát triển đô thị giao thông (TOD) là hướng rất tốt, nhưng theo ông An, TPHCM không chỉ là các đô thị mà phải hướng ra ngoài. "Đấy là cái nguồn đất đai vô cùng hữu ích cho TPHCM nếu tận dụng được" - ông An bình luận và yêu cầu cơ chế về đất đai đối với TPHCM phải mạnh hơn nữa.

Liên quan đến cách thức huy động đầu tư, đại biểu Trịnh Xuân An mong muốn giao cho TPHCM cơ chế BT. "Cơ chế BT phải dừng lại sau khi Luật PPP ra đời do có rất nhiều hạn chế. Nhưng TPHCM cần được làm BT với cơ chế công khai, minh bạch, có hệ thống theo dõi, giám sát để tránh việc lạm dụng, tránh việc lợi dụng, chống sai phạm" - ông An khuyến nghị.

Một mảng lớn nữa còn thiếu, theo đại biểu, liên quan đến phát triển dịch vụ của TPHCM. "Người ta đến với TPHCM không phải chỉ đi làm công nhân, không phải chỉ đi làm kỹ sư, làm chuyên gia mà còn muốn TPHCM trở thành trung tâm du lịch, trung tâm dịch vụ giải trí” - ông An nhấn mạnh.

Với đề xuất cho phép TPHCM thí điểm thực hiện dự án BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, đại biểu Mai cho rằng, cơ chế này sẽ giúp TPHCM có điều hiện đại hóa công trình đường bộ của TP. "TPHCM là đô thị loại đặc biệt, không chỉ là cơ chế đặc thù mà cần phải có cơ chế đặc biệt, không chỉ vượt trội mà cần có cơ chế đi trước để TPHCM thực sự là đầu tàu đa chức năng, đi trước mở đường và đảm nhận vai trò dẫn dắt, tìm hướng đi mới, là trung tâm thực hành, thực nghiệm để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn chưa đủ rõ, hoặc đủ nhưng chưa đủ chín" - ông Dương Khắc Mai nhận định

Chia sẻ quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) đánh giá, việc ban hành một nghị quyết mới về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ tạo điều kiện cho địa phương này khơi thông nguồn lực, tạo đà phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh và đặc biệt thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội.

Quan tâm đến lĩnh vực y tế, đại biểu Thu gợi mở, dự thảo Nghị quyết cần có cơ chế chính sách nhằm thu hút nguồn lực xã hội, nhất là hệ thống y tế tư nhân đồng hành tham gia. "TPHCM cần được phân cấp thẩm quyền ban hành chính sách đặc thù ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư về y tế hay các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người dân" - bà Thu nói và đề xuất ban soạn thảo xem xét bổ sung áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP cho cả lĩnh vực này.

Bàn về việc thành lập Sở An toàn thực phẩm TPHCM, đại biểu Thu bình luận, đây là việc làm cần thiết. "Có thể coi đây là một chính sách đột phá để tham gia vào bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân từ sớm, từ xa" - đại biểu Thu bày tỏ.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Quan tâm đến các đề xuất phân cấp, ủy quyền cho TPHCM, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, TP cần được thực hiện cơ chế này mạnh mẽ hơn nữa. "Cần phân cấp, ủy quyền mạnh hơn giữa Chính phủ với TP; giữa TP với các thành phố, quận, huyện trực thuộc TPHCM. Không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa - xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn..." - đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ.

Đại biểu Đồng cũng đề nghị đưa vấn đề thu hút FDI tại TP vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội. Vì hiện nay, ông Đồng nói, với tư cách là đầu tàu kinh tế, trong tương lai sẽ xây dựng Trung tâm tài chính khu vực, nên việc cho phép TPHCM có cơ chế riêng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế là việc làm hết sức cần thiết.

Đại biểu của Quảng Trị cũng đề nghị dành cho TPHCM một quy chế đặc biệt để phục vụ khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ cao hàng đầu cả nước...

Chung mối quan tâm, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) kiến nghị phân quyền mạnh hơn cho chính quyền TPHCM trong công tác tổ chức bộ máy và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn. "Dự thảo có thể phân quyền cho HĐND TPHCM được ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện và quyết định việc thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp TP và cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc" - bà Thủy gợi mở, bên cạnh đề xuất phân định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quy định về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp mình và UBND cấp dưới; quy định về tiêu chuẩn, định mức tối thiểu về số lượng cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn...

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) nêu ý kiến thảo luận

Cũng theo đai biểu Thủy, cần phân quyền cho UBND TPHCM được chủ động điều chỉnh, bố trí số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc tùy theo quy mô dân số, yêu cầu quản lý và đặc điểm địa bàn bảo đảm không vượt mức tổng biên chế đã được HĐND TPHCM quyết định.

"Việc phân quyền cho TPHCM tự quyết định các vấn đề về tổ chức bộ máy sẽ đáp ứng được nhiều yêu cầu thực tiễn của TP, đồng thời làm tăng khả năng đáp ứng nhanh chóng, kịp thời đối với các quyết định về vấn đề tổ chức bộ máy, về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được đưa ra ở cấp địa phương" - bà Thủy bình luận.

Khẳng định tán thành với rất nhiều chính sách được đưa ra, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) kỳ vọng, TPHCM sẽ "đi trước, về trước" chứ không phải "đi trước, về sau". Ông Sơn đề nghị cân nhắc về thời gian thực hiện Nghị quyết, có thể kéo dài tới năm 2030 theo đúng thời kỳ quy hoạch 2021 - 2030, để những việc còn dang dở, đang dự kiến có thể tiếp tục làm đến cuối kỳ quy hoạch.

Thay mặt Ban soạn thảo giải trình, tiếp thu vào cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết sẽ nghiên cứu, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. "Nếu không ảnh hưởng gì, chúng tôi sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền tiếp thu ý kiến này của đại biểu" - Bộ trưởng Dũng nói.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch - Đầu tư chỉ ra, phiên thảo luận cho thấy trách nhiệm, tình cảm rất lớn của các đại biểu dành cho TPHCM. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của đầu tàu "chậm lại", nhiều tồn tại chưa được giải quyết triệt để, theo ông Dũng, việc ban hành một Nghị quyết mới là hết sức cấp bách, giúp TP phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.

Các chính sách đưa ra, Bộ trưởng khẳng định, dựa trên tinh thần tháo gỡ tối đa rào cản nhằm tạo điều kiện cho TP phát huy hiệu quả, trở thành động lực phát triển cho phía Nam và cho cả nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang