(CATP) Về mặt kinh tế, sự tự chủ của TPHCM với tư cách là chính quyền địa phương theo kinh nghiệm của các nước, thể hiện ở hai điểm: thứ nhất, chính quyền Thành phố đảm nhận vai trò nhà đầu tư trong các lĩnh vực kinh tế; thứ hai, chính quyền Thành phố quản lý nền kinh tế của địa phương theo chính sách, khung pháp lý đặc thù.
Hình thành bức tranh đời sống kinh tế của địa phương
Trước hết, cần nhấn mạnh rằng dù có chức năng kinh tế, nhưng khó có thể hình dung chính quyền địa phương (và cả chính quyền trung ương) như một doanh nghiệp trực tiếp sản xuất hoặc kinh doanh trong một hay nhiều lĩnh vực chuyên môn của đời sống kinh tế. Thậm chí không thể coi chính quyền địa phương như công ty mẹ của các công ty con được chính quyền địa phương lập ra. Hoạt động kinh tế được chính quyền địa phương thực hiện trong một tư thế đặc thù: tư thế của một doanh nghiệp chuyên về đầu tư vốn.
Chính quyền Thành phố, giống như chính quyền địa phương tự quản ở các nước tiền tiến, được thừa nhận là chủ sở hữu của các tài sản đa dạng, như đã nói, bao gồm quỹ đất và quỹ đầu tư tài chính, có quyền quyết định việc sử dụng các tài sản trong khuôn khổ các dự án đầu tư. Cụ thể, chính quyền có thể dùng các tài sản có trong tay để thành lập các doanh nghiệp hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác với các chủ thể khác. Chính quyền Thành phố cũng có thể gián tiếp tham gia vào hoạt động kinh tế bằng cách trao vốn của mình cho các tổ chức tín dụng hoặc các quỹ đầu tư, thông qua các hợp đồng cho vay.
Để có được vốn đầu tư cần thiết, chính quyền Thành phố có thể không chỉ huy động các tài sản của mình, mà còn có thể vay vốn của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt dưới hình thức phát hành trái phiếu địa phương. Trái phiếu địa phương được bảo đảm thanh toán trên nguyên tắc, bằng các tài sản thuộc sở hữu của chính quyền địa phương. Trong trường hợp cần thiết, sự bảo đảm có thể được gia cố bằng biện pháp bảo lãnh của chính quyền trung ương hoặc một định chế tài chính đáng tin cậy.
Toàn cảnh TPHCM nhìn từ trên cao
Hoạt động kinh tế diễn ra trên phạm vi địa phương được hiểu là những hoạt động mang tính chuyên nghiệp nhằm mang lại lợi nhuận cho người thực hiện là một tổ chức hoặc cá nhân. Đó không nhất thiết là hoạt động của các tổ chức, cá nhân có trụ sở kinh doanh tại địa phương, cũng không nhất thiết là hoạt động diễn ra toàn bộ trên phạm vi địa phương. Tiêu chí số một để nhận dạng hoạt động kinh tế chịu sự quản lý của chính quyền địa phương là sự tham gia của nó vào việc hình thành bức tranh đời sống kinh tế của địa phương và/hoặc sự tác động của nó đối với đời sống kinh tế địa phương.
Mặt khác, với tư cách là người chịu trách nhiệm quản lý đời sống kinh tế diễn ra trên phạm vi địa phương, chính quyền Thành phố cần được trao quyền đặt ra các quy tắc ứng xử có tính pháp lý phù hợp với thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của mình, nhằm chi phối hành vi của các chủ thể tham gia vào đời sống kinh tế của địa phương.
Chính quyền Thành phố cũng phải được trao quyền xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển kinh tế địa phương trung hạn và dài hạn trên cơ sở tôn trọng quy hoạch phát triển kinh tế chung của quốc gia. Dựa trên quy hoạch chung, chính quyền Thành phố xây dựng và thông qua kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm với các chỉ tiêu phát triển và tăng trưởng cụ thể. Việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế trong bối cảnh nền kinh tế vận hành theo quy luật thị trường đòi hỏi sự điều hòa, phối hợp của nhà chức trách, không phải bằng các mệnh lệnh hành chính, mà phải bằng các công cụ điều tiết đặc thù.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sắp đi vào vận hành thương mại
Để dung hòa giữa sự tôn trọng nguyên tắc tự do kinh doanh và việc bảo đảm thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế đã được vạch ra, nhà chức trách dùng công cụ thuế để điều tiết các hoạt động kinh tế, nói chung các hoạt động tạo ra lợi nhuận cho một chủ thể nào đó. Chính quyền Thành phố phải có quyền đặt ra các sắc thuế địa phương không trùng lắp với các sắc thuế do chính quyền trung ương đặt ra. Thuế địa phương cũng là một trong những nguồn thu chính bảo đảm cân đối ngân sách hoạt động của địa phương.
Tính tự quản, độc lập không ngăn cản chính quyền địa phương nhận sự ủy quyền của chính quyền trung ương để thu các loại thuế áp dụng trên phạm vi quốc gia và được thu tại địa phương. Cơ quan quyết nghị, tức là Hội đồng nhân dân (HĐND) Thành phố và cơ quan quản lý hành chính cao nhất là Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố có quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần thiết cho việc thực hiện chức năng quản lý kinh tế của mình trên phạm vi địa phương. Các cơ quan tư pháp ở địa phương áp dụng không chỉ các quy định pháp luật do cấp trung ương ban hành mà cả các quy định do chính quyền Thành phố ban hành để đánh giá ứng xử của chủ thể trong khuôn khổ hoạt động bảo đảm thực thi pháp luật.
Về nội dung, trên nguyên tắc HĐND Thành phố là đại diện của các thành phần dân cư trong địa phương, do đó, phải là cơ quan có thẩm quyền cao nhất trong việc đề ra các quy tắc ứng xử có giá trị pháp lý trong mọi lĩnh vực áp dụng trên phạm vi địa phương. Còn thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND Thành phố được xác định tùy theo cơ quan này được HĐND Thành phố hoặc chính cử tri địa phương trực tiếp bầu ra.
Nếu UBND Thành phố do HĐND Thành phố bầu ra thì được coi là cơ quan chấp hành đích thực của HĐND. Về thẩm quyền lập quy, UBND Thành phố chỉ có thể ra các văn bản mang tính chất quy định chi tiết thi hành các văn bản lập quy của HĐND Thành phố. Trái lại, nếu UBND Thành phố được cử tri bầu ra một cách trực tiếp thông qua đầu phiếu dân chủ, thì nó phải được trao thẩm quyền lập quy độc lập, chứ không chỉ đơn giản làm công việc hướng dẫn, quy định thể thức thi hành các văn bản của HĐND Thành phố. Trong trường hợp này, luật cần có quy định rõ về phân chia địa hạt lập quy của hai cơ quan để tránh xung đột, tranh cãi. Suy cho cùng, cơ quan quyết nghị, do bản chất của nó là một thiết chế đại diện cho các thành phần xã hội, phải được trao quyền lập quy cơ bản; quyền lập quy của cơ quan quản lý chỉ nhằm phục vụ cho việc thực hiện chức năng quản lý, điều hành.
Việc xây dựng và thông qua quy hoạch phát triển kinh tế dài hạn, trung hạn và kế hoạch phát triển kinh tế hàng năm cũng phải thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố. Ủy ban nhân dân Thành phố đảm nhận vai trò người tổ chức thực hiện. Tương tự, các sắc thuế địa phương phải được quyết định một cách dân chủ tại kỳ họp HĐND, Ủy ban nhân dân Thành phố tổ chức việc thu thuế...
TPHCM có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành một đô thị thông minh và bền vững
Ngày 07/6, tại TPHCM, Diễn đàn Văn hóa, Đô thị, Công nghiệp (CICON) TPHCM năm 2023 với chủ đề "Thành phố thông minh chứa đựng đô thị - văn hóa - công nghiệp hội tụ" đã khai mạc. Diễn đàn do Korea CEO Summit (KCS), Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA), Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA HCM) và Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) đồng tổ chức, dưới sự giám sát của Ủy ban Tổ chức CICON và sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc tại TPHCM, Viện Xúc tiến xã hội thông tin trí tuệ Hàn Quốc (NIA) và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu
Phát biểu chào mừng Diễn đàn, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi khẳng định, đây là sự kiện quan trọng và ý nghĩa cho các nhà lãnh đạo, các chuyên gia, doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc cùng với Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm, ý tưởng về xây dựng đô thị thông minh cùng các giá trị văn hóa, hội tụ tại TPHCM. Với tốc độ phát triển kinh tế và dân số ngày càng tăng, các đô thị trên toàn thế giới đang đối mặt với những thách thức lớn về an toàn, giao thông, môi trường và phát triển bền vững. Trong bức tranh nhiều thách thức đó, công nghệ đô thị thông minh có thể là lời giải cho nhiều vấn đề thông qua các ứng dụng công nghệ tiên tiến và các giải pháp sáng tạo.
TPHCM với vị trí địa lý thuận lợi, dân số đông và tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có đầy đủ tiềm năng để phát triển thành một đô thị thông minh và bền vững. Để biến tiềm năng trở thành hiện thực, cần phải có sự đồng hành và hỗ trợ từ bè bạn quốc tế, cùng hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau để tạo ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết với mục tiêu xây dựng một đô thị thông minh, hiện đại, người dân có nếp sống văn minh và nghĩa tình. Từ Diễn đàn lần này, chính quyền TPHCM lắng nghe, chia sẻ về những thành công, kinh nghiệm của Hàn Quốc, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai bên gặp gỡ, thảo luận về những chương trình hợp tác cùng có lợi trong tương lai.
N.LINH
(Còn tiếp...)
(CATP) Được định vị là đầu tàu kinh tế của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh phải được tổ chức và quản trị theo cách cho phép phát huy tối đa nội lực để phát triển, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến về xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tự chủ đã được triển khai thành công, từ đó suy nghĩ về việc xây dựng chính quyền thành phố phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN