Cần cơ chế để TPHCM phát triển vượt trội:

Bài 1: Nguyên tắc cơ bản nào cho mô hình phát triển TPHCM?

Thứ Tư, 07/06/2023 11:20

|

(CATP) Được định vị là đầu tàu kinh tế của đất nước, Thành phố Hồ Chí Minh phải được tổ chức và quản trị theo cách cho phép phát huy tối đa nội lực để phát triển, từ đó thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước. Cần tham khảo kinh nghiệm của các nước tiên tiến về xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền địa phương tự chủ đã được triển khai thành công, từ đó suy nghĩ về việc xây dựng chính quyền thành phố phù hợp với đặc điểm tình hình đất nước.

Tự lập và phân quyền từ góc nhìn kinh tế

Từ góc nhìn kinh tế, có thể hình dung một quốc gia như một tổ chức theo đuổi mục tiêu làm ra lợi nhuận, tương tự như một doanh nghiệp. Quốc gia xây dựng và khuếch trương cơ nghiệp kinh doanh của mình trên cơ sở kiểm soát một lãnh thổ chiếm một phần của quả địa cầu và quản lý một cộng đồng dân cư sinh sống, làm ăn trên lãnh thổ ấy. Quốc gia (State) có sứ mạng phải làm thế nào để đất nước (Nation) ngày càng thịnh vượng, phồn vinh: cụ thể, cả quốc gia cũng như mỗi người dân đều là những chủ thể nắm giữ nhiều của cải và có điều kiện chi trả cho mọi giao dịch lớn nhỏ đáp ứng nhu cầu đa dạng trong cuộc sống của mình mà không gặp trở ngại.

Chính quyền trung ương, là cơ quan đầu não của quốc gia - doanh nghiệp, tự nhiên có xu hướng vươn tay rộng khắp trên phạm vi lãnh thổ quốc gia để có thể tổ chức việc quản lý, khai thác các nguồn lực của đất nước một cách có hiệu quả theo các tiêu chí kinh tế được đặt ra.

Đơn vị hành chính lãnh thổ, trong chừng mực nào đó được hiểu là sự hóa thân của quốc gia trong phạm vi địa phương. Ở đó, vừa có sự hiện diện của Nhà nước, như là một tổng thể các quyền lực chi phối đời sống chính trị, pháp lý trên phạm vi cả nước, vừa có những thiết chế chỉ có thẩm quyền giới hạn trong phạm vi địa phương, tạo thành một thực thể chính trị - pháp lý.

Đặc biệt ở góc độ kinh tế, nếu chính quyền trung ương được hình dung như một doanh nghiệp, thì chính quyền ít nhiều cũng mang dáng dấp đó. Vả lại, cũng như chính quyền địa phương đảm nhận vai trò nhà chức trách có thẩm quyền quản lý đối với các hoạt động kinh tế của các tổ chức, cá nhân diễn ra trên phạm vi lãnh thổ quốc gia, chính quyền địa phương cũng vào vai tương tự đối với các hoạt động kinh tế thực hiện trên phạm vi địa phương.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy các địa phương có vị trí địa lý, điều kiện giao thương thuận lợi và có tiềm năng to lớn sẽ có sức thu hút mạnh đối với con người, từ đó có sức phát triển mạnh. Chính quyền ở những nơi ấy thường có xu hướng và nhu cầu tự chủ, tự quản cao trong mối quan hệ với chính quyền trung ương. Bởi, một khi có ít nhiều tiềm lực thì người ta mong muốn có điều kiện tự mình quyết định các giải pháp khai thác tiềm lực ấy theo ý mình. Trái lại, những địa phương yếu kém về tiềm lực, theo bản năng sinh tồn, thường coi chính quyền trung ương là chỗ dựa, nơi che chắn, bảo hộ vững chắc cho sự tồn tại của mình.

Chính quyền địa phương mà có khả năng tự quản cao cần được trao tư cách chủ thể. Có thể nhìn nhận mối quan hệ giữa chính quyền địa phương loại này và chính quyền trung ương như quan hệ một doanh nghiệp con độc lập tương đối với doanh nghiệp mẹ. Trong khi đó, những địa phương yếu kém về điều kiện vật chất, không có khả năng tự đi trên đôi chân của mình chỉ nên tồn tại như các chi nhánh hoặc cơ quan đại diện của doanh nghiệp - quốc gia đóng ở địa phương: các chức vụ Nhà nước ở các địa phương này do chính quyền trung ương bổ nhiệm và bãi nhiệm; những người giữ chức vụ thực thi phận sự với tư cách người được chính quyền trung ương ủy nhiệm, không có quyền hạn của riêng mình.

Một góc công viên Bến Bạch Đằng

Rõ hơn, chính quyền địa phương tự quản được tổ chức theo nguyên tắc tự lập và phân quyền. Thiết chế quyết nghị là hội đồng địa phương gồm các đại biểu do cử tri địa phương bầu trực tiếp; thiết chế quản lý, điều hành cũng có thể do cử tri địa phương bầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua vai trò của hội đồng địa phương. Chính quyền địa phương vận hành như một Nhà nước thu hẹp với hội đồng địa phương nắm giữ quyền lập pháp và thiết chế quản lý, điều hành vào vai cơ quan hành pháp.

Cần trao "chìa khóa" tự chủ

Trong chừng mực tôn trọng các chuẩn mực chung và mang tính mệnh lệnh áp dụng trên phạm vi cả nước, chính quyền địa phương tự chủ được toàn quyền quyết định các giải pháp quản trị công trên phạm vi địa phương. Chẳng hạn, một khi quy hoạch tổng thể về đô thị hóa được chính quyền trung ương phê duyệt, chính quyền địa phương tự quản được quyền tự mình xây dựng và thông qua quy hoạch về đô thị hóa trên phạm vị địa phương. Nói chung, chính quyền địa phương tự chủ phải được quyền quyết định mà không cần xin phép; chính quyền địa phương phải quyết chịu trách nhiệm về tính hợp lệ của những quy định đưa ra cũng như về hiệu quả hoạt động của mình trong khuôn khổ hậu kiểm của chính quyền trung ương.

Đặc biệt, chính quyền địa phương tự chủ được thừa nhận là chủ sở hữu theo nghĩa đích thực đối với một số tài sản. Điều này cần thiết không chỉ để chính quyền địa phương có được tư thế đĩnh đạc trong quan hệ đối tác với các chủ thể công, tư khác. Có thể coi tài sản của chính quyền địa phương như tài sản của một công ty có tư cách pháp nhân. Nhưng người góp vốn ban đầu để làm hình thành tài sản của chính quyền địa phương là các cử tri địa phương, được ví như các cổ đông của công ty. Chính quyền địa phương quản lý, khai thác, thậm chí định đoạt tài sản thuộc sở hữu của mình nhằm mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của địa phương và có trách nhiệm giải trình trước cử tri địa phương về hiệu quả quản lý tài sản.

Tóm lại, việc phân quyền từ chính quyền trung ương xuống chính quyền địa phương, từ chính quyền địa phương cấp cao đến chính quyền địa phương cấp thấp hơn không phải chỉ đơn giản là việc chia nhỏ miếng bánh quyền lực có sẵn và có giới hạn. Sẽ rất sai lầm nếu quan niệm rằng quyền hạn của chính quyền cấp trên là mức trần được thiết lập nghiêm ngặt để xác định quyền hạn của chính quyền cấp dưới. Trái lại, phải khẳng định rằng chính phủ tốt là chính phủ mà trong đó mỗi cấp chính quyền phát huy hết năng lực quản trị lãnh thổ của mình; chính quyền địa phương phải khai thác hết dư địa quản trị lãnh thổ mà chính quyền trung ương không có điều kiện để vươn tay tới.

Tại các quốc gia tiên tiến, việc trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các địa phương chỉ diễn ra trong thời kỳ đất nước cần huy động tối đa các nguồn lực để phát triển. Khi đất nước đạt đến trình độ phát triển nhất định thì lại xuất hiện xu hướng thu hẹp dần quyền tự chủ của các địa phương và tương ứng là xu hướng tăng cường quyền lực của chính quyền trung ương trên phạm vi toàn quốc. Lý do là cần bảo đảm sự thụ hưởng phúc lợi một cách bình đẳng trên phạm vi toàn quốc. Những gì đang diễn ra ở Anh và Mỹ minh chứng cho nhận định này.

Ở góc nhìn Việt Nam, bài học rút ra từ kinh nghiệm của các nước là: muốn đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội từ xuất phát điểm thấp thì phải trao quyền tự chủ cho các địa phương có thế mạnh; địa phương càng có nhiều tiềm năng, cần có quyền hạn rộng rãi trong việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch phát triển của địa phương mình. Sự phát triển của địa phương có thế mạnh sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của quốc gia.

Thành phố Hồ Chí Minh thỏa mãn tất cả các điều kiện mà ở các nước tiên tiến, một địa phương phải có để được trao quy chế tự chủ như được mô tả trên đây. Việc trao cho thành phố quy chế tự chủ rộng rãi trong khuôn khổ hệ thống chính trị thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng là rất cần thiết.

(Còn tiếp...)

Bình luận (0)

Lên đầu trang