Sáng 7/6, Bộ Công an tổ chức Hội thảo khoa học “Giá trị trường tồn của Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng Công an nhân dân”. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Bộ Công an dự và chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có các đồng chí nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên lãnh đạo Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương… Hội thảo được truyền trực tuyến đến Công an các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Tại điểm cầu Công an TPHCM, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc CATP dự và chủ trì.
Hội thảo nhằm tiếp tục khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; đồng thời nhìn lại kết quả vận dụng tư tưởng của Người về thi đua yêu nước trong lực lượng CAND, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 05, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Chỉ thị số 34 ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh, Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đất nước khi đó mới còn non trẻ và gặp phải muôn vàn khó khăn thử thách, giặc đói, giặc dốt, thù trong, giặc ngoài. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc nhằm diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm để bảo vệ giang sơn bờ cõi, chủ quyền quốc gia, dân tộc, mang lại sự no ấm và niềm hạnh phúc cho nhân dân.
Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, qua từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng, lực lượng CAND luôn đặc biệt coi trọng thi đua và công tác thi đua – khen thưởng, đồng thời cũng đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lấy nhiệm vụ chính trị làm nội dung thi đua hướng vào giải quyết các công việc trọng tâm, cấp bách, các nhiệm vụ cam go, phức tạp, góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc.
GS.TS Hoàng Chí Bảo tham luận tại hội thảo
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định, hội thảo chính là dịp để lực lượng CAND nhận thức đầy đủ hơn nữa về giá trị to lớn trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, từ đó vận dụng hiệu quả hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM chủ trì điểm cầu tại CATP
Hội thảo là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, các đồng chí lãnh đạo, những người làm công tác thi đua, khen thưởng. Ban tổ chức đã nhận được 134 bài tham luận với nhiều chủ đề, nội dung phong phú, đa dạng, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với từng đơn vị, địa phương. Các bài viết đã tập trung nghiên cứu về những vấn đề về lý luận trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước; quán triệt tư tưởng về thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lực lượng CAND...
Tiêu biểu như GS.TS Hoàng Chí Bảo, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đã chỉ ra những giá trị nổi bật của văn kiện “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”. Trong đó nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương huy động, lôi cuốn, thu hút toàn dân, toàn quốc tham gia vào thi đua, gây dựng phong trào xã hội thi đua. Đó là bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi của dân, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, làm việc gì cũng cần phải thi đua với nhau, làm cho tốt, làm cho nhiều.
TS Chu Đức Tính phát biểu tại hội thảo
Tiến sĩ Chu Đức Tính, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh nhận định: Mục đích của thi đua rất cao cả bởi thi đua đem lại “Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc”, nhưng không phải cao xa, khó hiểu, khó làm mà trong công việc hằng ngày đều có thi đua. “Công việc hằng ngày” ở đây chính là những việc làm của mỗi người do xã hội phân công; là quá trình tham gia sản xuất, công tác của mỗi người nhằm đóng góp sức lực cho sự phát triển của xã hội.
Nhiều tham luận cũng đã nêu bật kết quả đạt được trong vận dụng tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thực tiễn các phong trào thi đua và công tác khen thưởng tại đơn vị, địa phương mình.
Một số tham luận đã rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn quán triệt và tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh; chỉ ra những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân đối với công tác thi đua, khen thưởng trong CAND như tham luận của Công an tỉnh Lâm Đồng “Nêu gương là một biện pháp hiệu quả trong tổ chức các phong trào thi đua yêu nước”; tham luận của Học viện An ninh nhân dân “Cần, kiệm, liêm, chính – Nền tảng của thi đua ái quốc trong CAND”...
Đại diện các đơn vị tham luận tại hội thảo
Bên cạnh đó,các đại biểu, nhà khoa học cũng đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước về một số chủ trương, chính sách đối với công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua khen thưởng nói chung và đề xuất hoàn thiện các văn bản quy định về công tác thi đua, khen thưởng trong CAND nói riêng…
Các đồng chí lãnh đạo và đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ khẳng định, đây là hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, tiếp tục khẳng định giá trị khoa học và làm sáng tỏ thêm những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước. Vì vậy, lực lượng CAND phải phát huy hơn nữa giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với lực lượng CAND, góp phần xây dựng lực lượng CAND thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới.