Viết tiếp vụ xâm hại rừng xôn xao tại bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng

Bàn giao chưa ngã ngũ, nên ai cũng 'lơ' trách nhiệm quản lý?

Thứ Hai, 29/02/2016 08:53  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày qua, từ sự việc một cán bộ của Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (đóng tại Đà Nẵng) “tung” lên Facebook hình ảnh “phá rừng nghiêm trọng tại bán đảo Sơn Trà trong thời gian dài” đã gây xôn xao dư luận.

Cơ quan chức năng đã vào cuộc, đang tìm hướng xử lý. Điều đáng nói, quả bóng “trách nhiệm” lại “đẩy” cho nhau vì việc bàn giao quản lý chưa ngã ngũ, nên ai cũng “lơ” quản lý.

Báo cáo lên UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Trần Thị Thanh Tâm cho rằng, qua kiểm tra, có 2 trường hợp thuộc diện nhận giao khoán đất trồng rừng.

Trường hợp thứ nhất là ông Phan Hùng Mạnh được giao khoán đất trồng rừng tại Tiểu khu 64 với Ban quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Tại hiện trường, hộ ông Mạnh có phát quang cây bụi và dây leo từ khu vực suối Om về phía Bắc với chiều dài khoảng 200m, chiều sâu từ 20-30m và có tập kết một số cây giống là xoài và mít để chuẩn bị trồng.

Có cây bị chặt nhưng UBND quận Sơn Trà cho rằng chỉ phát quang, chặt dây leo

Trường hợp thứ hai là hộ ông Nguyễn Văn Tâm được giao khoán 7ha đất để trồng rừng tại Tiểu khu 62. Ông Tâm đã ủy quyền cho ông Lê Việt Hồng được sử dụng 1,5ha rừng của mình vào ngày 6-2-2016.

Tại hiện trường, hộ ông Hồng có phát quang cây bụi, dây leo, xây dựng lán trại và mở đường với chiều dài khoảng 300m, nơi rộng nhất khoảng 2,5m từ đường bê tông đến khu vực lán trại. Cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử lý theo quy định pháp luật.

Hai trường hợp này thuộc hộ giao khoán trồng rừng trên đất khác, đang trong giai đoạn Hạt Kiểm lâm bàn giao cho UBND phường quản lý (mới bàn giao trên giấy tờ, chưa bàn giao trên thực địa). UBND quận tiếp tục tập trung chỉ đạo Hạt Kiểm lâm liên quận Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (gọi tắt là HKL), UBND phường Thọ Quang khẩn trương xử lý dứt điểm vụ việc và tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý sử dụng rừng trên bán đảo Sơn Trà”, bà Tâm nêu.

Điều đáng nói, trong văn bản trên, UBND quận Sơn Trà không hề đề cập đến từ “phá rừng”, mà cho rằng chỉ phát quang bụi rậm, dây leo trong khi đó không ít cây nhiều năm tuổi bị đốn hạ không thương tiếc.

Lán trại lập trong rừng

Ông Võ Đình Công, Chủ tịch UBND phường Thọ Quang cho rằng, tháng 8-2015, theo chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng, HKL đã bàn giao tổng thể cho địa phương 1.072,6 ha đất với hơn 200 hồ sơ giao khoán trên phương diện giấy tờ, chưa bàn giao thực địa để ghi nhận hiện trạng thực tế và xác định ranh giới, diện tích thực tế của từng hộ được giao khoán để bàn giao cho địa phương và cùng ký biên bản xác nhận 3 bên chứng kiến (UBND phường, HKL và hộ giao khoán).

“Các bên đã thống nhất những trường hợp xây dựng trái phép, sử dụng sai mục đích kể từ ngày lập biên bản bàn giao thực địa trở về trước thì HKL chịu trách nhiệm, sau thời gian kể từ ngày lập biên bản bàn giao UBND phường chịu trách nhiệm”, ông Công cho hay.

“Tại khu vực của ông Tâm và ông Mạnh nói trên, HKL chỉ bàn giao trên phương diện tổng thể, UBND phường chưa nhận bàn giao cụ thể của hai trường hợp này. Đề nghị HKL phối hợp với UBND phường trong việc quản lý địa bàn, giám sát việc khắc phục của các hộ để thuận lợi cho công tác bàn giao chi tiết sau này. Để xảy ra sự việc này, đề nghị HKL kiểm điểm làm rõ trách nhiệm”, ông Công đề xuất.

Theo ông Công, qua khảo sát thực địa trên bán đảo Sơn Trà có nhiều hộ được giao khoán trồng rừng nhưng sử dụng sai mục đích, xây dựng trái phép, diện tích đất chồng lấn nhau khó xác định được ranh giới của từng hộ. Vì thế, phường đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo HKL sớm tổ chức bàn giao thực địa đúng theo quy định.

Ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng HKL Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn

Còn ông Trần Văn Thanh, Hạt trưởng HKL Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn cho biết: Việc làm của hộ ông Hồng, ông Tâm là tự ý, không ai cho phép, cách đây khoảng 3-4 tuần. Đây là khu vực mà thành phố quy hoạch khu du lịch sinh thái Tiên Sa mở rộng.

Diện tích rừng bị xâm hại khoảng 2,3 ha, nằm trong khu vực “đất khác” đang bàn giao cho phường quản lý, chứ không phải trong khu bảo tồn. “Ý đồ của ông Tâm, ông Hồng là “đi tắt đón đầu”, phát cây rừng để trồng cây ăn quả vào để sau này nếu có đền bù thì được đền bù nhiều hơn”, ông Thanh nhìn nhận.

Khi hỏi về việc bàn giao và trách nhiệm, ông Thanh cho rằng: “HKL đã bàn giao cho UBND phường Thọ Quang quản lý “đất khác”, trong đó có trường hợp vi phạm trên. Trách nhiệm để xảy ra sự việc trên có cả HKL và cả phường Thọ Quang. Hiện chúng tôi đang thu thập thêm chứng cứ, cùng với phường bàn hướng xử lý, nhưng chúng tôi sẽ bàn giao cho phường ra quyết định xử lý vì chính quyền địa phương có nhiều quyền hạn hơn”.

Khi đi kiểm tra hiện trường, ông Nguyễn Phú Ban, Giám đốc sở NN&PTNT Đà Nẵng chỉ đạo, bên nào sai phạm, thiếu sót thì sẽ xử lý nghiêm. Cần sớm gỡ rối việc bàn giao quản lý, tránh chồng chéo, để khỏi xảy ra tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Ông Trần Hữu Vỹ, Giám đốc Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet), cho rằng, diện tích rừng ở hai khu vực (nơi rừng bị chặt phá) này là nơi sinh sống của 7 gia đình Voọc chà vá chân nâu với khoảng 75 cá thể.

Với đặc điểm địa hình và địa chất của bán đảo Sơn Trà, hệ thực vật có chiều cao trung bình thấp, nhiều loài cây bụi. Vì vậy, nếu việc chặt phá rừng này vẫn tiếp diễn thì sẽ gây ra hậu quả mất đi tầng này, phá vỡ cấu trúc tự nhiên của các tầng tán, thay đổi độ ẩm bề mặt đất dẫn đến mất môi trường sinh sống của một số loài động vật sống và kiếm ăn trên mặt đất như gà rừng, lợn rừng, mang, rùa, rắn,…

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp thuộc quyền quản lý của UBND phường Thọ Quang là vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà – nơi hiện nay có khoảng 300 cá thể chà vá chân nâu, hơn 985 loài thực vật và gần 378 loài động vật sinh sống. Đó là nguồn tài nguyên đa dạng sinh học quý giá của thành phố Đà Nẵng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang