(CAO) Vingroup có kế hoạch đầu tư mạnh vào lĩnh vực công nghệ cao với tham vọng trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế.
Điểm nhấn của lộ trình thực hiện kế hoạch này là việc tổ chức ký kết cùng một lúc với hơn 50 trường đại học các thỏa thuận nhằm đặt cơ sở cho việc hợp tác trong nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một trong những nội dung đáng chú ý của mối quan hệ hợp tác này là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng các thành tựu nghiên cứu vào sản xuất để cho ra các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao và có khả năng cạnh tranh với các tên tuổi lớn trên thế giới đang làm chủ sản phẩm cùng loại.
Việc một doanh nghiệp Việt Nam được cho là đang thành công dấn thân vào lĩnh vực công nghệ, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước kêu gọi kịp thời nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, tạo sự chú ý đặc biệt.
Lâu nay, người ta quen thấy các doanh nghiệp Việt Nam một khi làm ăn có hiệu quả trong một lĩnh vực nào đó, thường có thiên hướng quay sang đầu tư mạnh vào lĩnh vực địa ốc, như xây dựng resort, sân golf, khu biệt thự hoặc nhà cao tầng cao cấp... Ai cũng biết đây là lĩnh vực đầu tư không cần nguồn nhân lực chất lượng cao về phương diện làm chủ tri thức khoa học, công nghệ hiện đại.
Kiểu làm ăn đó, nếu được thực hiện một cách chặt chẽ, nghiêm túc, thì cũng có tác dụng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia, cải thiện diện mạo đất nước, cũng như đời sống vật chất của người dân.
Nhưng chắc chắn một đất nước mà vốn liếng chủ yếu đổ dồn vào bất động sản, nếu có đứng vững, thì chỉ là một bông hoa để người ta ngắm nghía, thưởng thức, chứ không thể trở thành một tượng đài đáng ngưỡng mộ của nền văn minh.
Con người Việt điển hình có đầy đủ các tố chất cần thiết để sánh vai với các dân tộc lớn về phương diện đóng góp vào kho tàng văn hóa, khoa học của nhân loại. Được đào tạo bài bản theo các phương pháp thích hợp, rất nhiều người Việt đã trở thành ngôi sao lớn trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, được cả thế giới ngưỡng mộ.
Nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu đàn mang dòng máu Việt đã và đang gắn bó với các trung tâm khoa học công nghệ và doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới, được đánh giá cao về hiệu quả công việc chuyên môn.
Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có được một trung tâm khoa học công nghệ đẳng cấp quốc tế của riêng mình, được hiểu là nơi xuất xứ của những phát minh có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với thế giới; cũng chưa có một doanh nghiệp công nghệ đẳng cấp quốc tế của riêng mình, được hiểu là nơi sản xuất trên quy mô lớn những sản phẩm tiêu dùng thông minh mang thương hiệu của doanh nghiệp được người tiêu dùng trên khắp thế giới tín nhiệm.
Trong nhiều nguyên nhân được chỉ ra, có một nguyên nhân là chưa có sự đầu tư đúng mức nhằm tạo lập các trung tâm nghiên cứu mạnh, doanh nghiệp công nghệ mạnh. Nguyên nhân ấy, đến lượt mình, có nguồn gốc từ sự thiếu vắng tiếp xúc, tương tác giữa giới khoa học và giới doanh nhân để tìm tiếng nói chung nhằm thực hiện các mục tiêu, hoài bão, tham vọng của mỗi bên.
Bước đi của Vingroup được cho có tác dụng mở toang cánh cửa không gian giao tiếp, đối tác giữa nhà khoa học và doanh nghiệp, rất phù hợp với chủ trương, chính sách chung về phát triển đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Hy vọng bước đi này sẽ kích thích một xu thế ứng xử mới, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam về phương diện xác định lĩnh vực và mục tiêu đầu tư trong dài hạn.
TS.Nguyễn Ngọc Điện (ĐH Kinh tế - Luật ĐHQG TP.HCM)