Cần công nhận liệt sĩ những người dũng cảm, hy sinh khi phòng chống COVID-19

Thứ Hai, 20/09/2021 11:31

|

(CATP) Gần 2 năm nay, đại dịch Covid-19 đã bùng phát trên toàn cầu, cướp đi nhiều triệu sinh mạng con người, hủy hoại nền kinh tế thế giới, gây ra nhiều hệ lụy. Nước ta, đã trải qua 4 làn sóng đại dịch, hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, trong đó có gần 20.000 người tử vong, hoặc tàn phế do Covid-19.

Xác định "chống dịch như chống giặc", Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp để phòng, chống dịch Covid-19. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã vào cuộc mạnh mẽ, đồng sức, đồng lòng, chung tay ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Cũng như trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc trước đây, trên mặt trận chống dịch Covid-19 đã xuất hiện nhiều tấm gương cao quý, dũng cảm hy sinh để cứu người, thể hiện bản chất truyền thống nhân văn ngàn đời của dân tộc ta.

Xác định chống dịch là một cuộc chiến, mỗi người dân, đặc biệt những người có mặt trên tuyến đầu là chiến sĩ; căn cứ vào quy định của pháp luật và thực tiễn, chúng tôi đề nghị Đảng, Quốc hội, Nhà nước nên xem xét để tôn vinh các tấm gương hy sinh cao quý trên mặt trận này, đặc biệt xem xét công nhận liệt sĩ đối với những người có việc làm đặc biệt xuất sắc, cứu người, trả lại bình yên cuộc sống cho nhân dân trên mặt trận chống đại dịch Covid-19.

Việc xem xét, công nhận liệt sĩ cho người có hành động dũng cảm, từ trần trên mặt trận chống dịch Covid-19 có những căn cứ sau đây:

Thứ nhất, về pháp lý: Căn cứ pháp luật nhà nước, cụ thể Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP có ghi rõ những người: "Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng và an ninh; Dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân" được xem xét công nhận là liệt sĩ.

Rõ ràng, những chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 là những người "dũng cảm cứu người, cứu tài sản nhà nước và nhân dân". Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của họ, để lại nỗi đau thương mất mát không gì bù đắp nổi của gia đình và xã hội.

Thứ 2, về thực tiễn: Chống đại dịch Covid-19 là một cuộc chiến cam go, khó lường, chưa có tiền lệ. Chưa có sách vở, giáo trình, thao trường nào thực nghiệm cuộc chiến này. Do vậy, thực tế cho thấy, gần 2 năm qua chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, không ngừng bổ sung phương án, kế hoạch ngăn chặn và đẩy lùi dịch Covid-19. Việc phát hiện, chọn lọc các tấm gương tiêu biểu dũng cảm, hy sinh, có đóng góp đặc biệt xuất sắc trên mặt trận này chúng ta cũng không theo kịp diễn biến khó lường của thực tiễn.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 có thể còn kéo dài. Theo chúng tôi đã đến lúc phải lựa chọn những gương sáng tiêu biểu để tuyên dương, góp phần lan tỏa những điều tốt đẹp - dòng chủ lưu của đời sống tinh thần xã hội chúng ta; cũng chính là đẩy lùi các tiêu cực xã hội.

Thứ 3, cùng với việc tôn vinh sự hy sinh cao cả, công nhận những người từ trần do có hành động đặc biệt dũng cảm cứu người là liệt sĩ, chúng ta nên phát hiện tôn vinh, trao tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng; Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Huân, Huy chương và các danh hiệu nhà nước khác cho những người đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trên mặt trận "chống dịch như chống giặc" nhằm trả lại cuộc sống bình yên cho đất nước và nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang