Chuyện chưa biết về người vợ liệt sĩ kiên trung của Anh hùng Trần Văn Lai

Thứ Năm, 28/04/2016 17:56

|

(CAO) Bà là liệt sĩ Phạm Thị Chinh (bí danh Phạm Thị Phan Chính, SN 1930 - 1964), một trong những cán bộ chiến sĩ hoạt động trong nội thành giai đoạn đầu tiên của Biệt động Sài Gòn.

Bà chính là người đã “lót ổ” cho ông Trần Văn Lai (bí danh Mai Hồng Quế, Năm U.SOM, người mới được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vào dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2015).

Người phụ nữ phi thường

Bà Chinh là con của ông Phạm Quang Tỵ (tức Phạm Tứ Kỳ) và bà Nguyễn Thị Khoa (hiệu Diệu Hồng). Ông Phạm Tứ Kỳ là đời thứ 16 của dòng họ Phạm, làng Đông Ngạc, một làng khoa bản của Hà Nội. Dòng họ Phạm có 09 Tiến sĩ trên tổng số 22 Tiến sĩ của các dòng họ tại làng Đông Ngạc qua các Triều vua. Bà Diệu Hồng là người nuôi 2 đội võ trang tuyên truyền huyện Từ Liêm, Hà thành được nhà nước tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng Nhì

Những năm 1946, theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến và đường lối kháng chiến của Đảng, Bác Hồ, bà Chinh theo gia đình cùng dòng người tản cư, tham gia hoạt động ngay trên quê hương Xuân Tảo, Từ Liêm, Hà thành.

Liệt sĩ Phạm Thị Chinh (bí danh Phạm Thị Phan Chính, SN 1930 - 1964)

Trước phong trào dân quân du kích phát triển mạnh, bà tham gia hoạt động trong phong trào phụ nữ xã Xuân Tảo và làm Trưởng trạm giao liên, chuyên nhiệm vụ giao liên đưa đón cán bộ, chuyển giao thư từ.

Hoạt động được một thời gian, bà Chinh bị chính quyền thực dân bắt giữ đưa về bót Liễu Giai tra tấn. Thế nhưng, với ý chí kiên cường kẻ thù đã không khuất phục được bà, thậm chí trong thời gian bị giam cầm bà còn chiêu dụ lính Pháp để giúp họ tỉnh ngộ.

Năm 1953, khi tình hình có nhiều chuyển biến tích cực cho phong trào đấu tranh phần vì lo sợ là nạn nhân của phần tử cực đoan, phần vì theo chủ trương đường lối kháng chiến lâu dài, nên bà Chinh được lệnh vào Nam hoạt động dưới vỏ bọc được cha mẹ gửi vào Nam để theo học nghề thợ kim hoàn từ hai người cậu ruột là ông Nguyễn Quang Thuận - Chủ hiệu vàng Phú Xuân, Số 296-298 Hai Bà Trưng và ông Nguyễn Quang Bằng - Chủ hiệu vàng Vĩnh Xuân, góc Lê Thánh Tôn-Thủ Khoa Huân có tiếng tăm ở Sài Gòn lúc bấy giờ.

Cũng từ giai đoạn này bà tham gia vào lực lượng Biệt động Sài Gòn và là một trong những cán bộ, chiến sĩ của đội Biệt động Sài Gòn hoạt động trong nội thành giai đoạn đầu tiên.

Bà Phạm Thị Nguyên (em út của bà Chinh) hiện đang sinh sống tại Hà Nội bùi ngùi kể: “Khi vào Nam hoạt động, vì điều kiện liên lạc khó khăn, chị Chinh của tôi chỉ có 3 lần viết thư thăm hỏi gia đình. Trong đó lần cuối, là giữa năm 1955, chị viết vài dòng thư xin phép thầy me lập gia đình mà trong thư chị nói, người chồng của là người lang Me”.

Cũng vì chiến tranh chia cắt, gia đình bặt tin bà Chinh. Đến mãi sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, sau năm 1975, gia đình mới hay tin bà Chinh đã hi sinh vào năm 1964. 20 năm sau khi hi sinh, bà Chinh được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Đến giờ những phần đời hoạt động của nữ liệt sĩ kiên trung mới được tìm hiểu....

Sự bất khuất của nữ liệt sĩ kiên trung

Giai đoạn sau khi hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954, để thực hiện chủ trương đường lối đấu tranh lâu dài, Đảng ta “lệnh” cho nhiều cán bộ chiến sĩ của đơn vị Biệt đội Sài Gòn vào nội thành hoạt động với vỏ bọc hợp pháp nhằm gây dựng cơ sở, chuẩn bị cho các phương án đấu tranh Cách mạng về sau.

Đồng chí Trần Văn Lai (sau này được biết đến cái tên nhà thầu khoán Mai Hồng Quế, bí danh Năm U.SOM, được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân vào dịp Kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4/1975 - 30/4/2015) là một trong số đó. Ban đầu ông Lai liên hệ với cơ sở nằm vùng từ lâu, là bà Chinh để đưa vào nội thành Sài Gòn.

Ban đầu giữa ông Lai và bà Chinh là những người đồng chí cùng hoạt động. Sự đồng cam cộng khổ của hai người cùng chí hướng trở thành mảnh đất cho tình yêu nẩy nở. Từ vợ chồng trên danh nghĩa, ông Lai và bà Chinh thực sự trở thành một gia đình chỉ hơn 1 năm sau. Với khả năng đặc biệt về nghi trang, biến dạng trong mọi hoàn cảnh, ông tìm cách thâm nhập một cách hợp pháp vào các cơ sở của địch. Bằng sự khéo léo, tài năng và mưu trí của bản thân, cùng với sự hỗ trợ tích cực của tổ chức và gia đình giàu có bên vợ, ông dần dần tạo được vỏ bọc vững chắc trong vai nhà thầu khoán chuyên trang trí nội thất cho Dinh Độc Lập – là cơ quan đầu não của Ngụy quyền Sài Gòn và ông nổi tiếng với cái tên giao dịch là Mai Hồng Quế.

Bà Đặng Thị Thiệp, người vợ sau này của ông Năm Lai kể lại: “Sau này qua tìm hiểu từ nhiều người, tôi biết là bà Chinh thời đó ngoài làm nghề kim hoàn, còn có buôn bán sạp vải ở chợ Tân Định và thậm chí là buôn vàng từ Campuchia về Sài Gòn”.

Chính vì điều kiện được coi là tư sản của bà Chinh, dù khi đó bà chỉ hơn hai mươi tuổi đầu, đã giúp cho ông Lai có được hậu phương vững chắc để hoạt động. Giai đoạn này bà Chinh cũng tiến hành một số hoạt động như: kêu gọi người dân bãi thị, bãi khóa... để xuống đường đòi hỏi chính quyền Mỹ - Ngụy một số yêu sách và nhằm tạo tiền đề cho phương án tập hợp lực lượng đấu tranh. Một thực tế đau lòng là vì hậu quả của những đợt tra tấn khi chính quyền thực dân bắt giữ vào lần trước ở Hà Nội nên bà Chinh và ông Lai sống nghĩa vợ chồng hơn chục năm trời nhưng vẫn không con cái.

Đến năm 1962, Quân khu chỉ đạo vợ chồng ông Lai - bà Chinh tổ chức một số hầm ngầm chứa vũ khí chiến lược trong nội thành Sài Gòn. Vợ chồng này đã tiến hành bán đi tài sản riêng của mình, là căn biệt thự số 6 - 8 đường Tự Đức (nay là đường Nguyễn Thị Huỳnh, quận Phú Nhuận) để tạo một số chỗ ở mới, chuẩn bị cho kế hoạch lâu dài.

Một phần của số tiền bán nhà, là 800 ngàn đồng, được ông Lai - bà Chinh chuyển vào nhà băng ở nước ngoài để Quân khu rút ra hoạt động cho mục đích chiến đấu. Và sau này vợ chồng ông Lai – bà Chinh nói chung, và ông Lai nói riêng còn chuyển tiền bạc cá nhân phục vụ cho Cách mạng rất nhiều.

Bà Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) - Giao liên Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định từ năm 1962 đến 1969, ngụ ấp Trung Viết, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi xác nhận: “Giai đoạn làm giao liên cho chú Năm Lai, tuần nào chú cũng về Củ Chi gửi cho tôi một gói lớn toàn tiền mặt, có khi là thuốc tây, để tôi chuyển ra Khu, tôi không biết bao nhiêu tiền nhưng biết là nhiều lắm, có nhiều lần cả cọc toàn là tiền đôla Mỹ. Có một chi tiết mà tôi nhớ mãi là lần chú Năm về gửi gói tiền để đưa ra Khu kèm theo một ổ bánh mì, chú Năm dặn khi nào đói bụng con cứ lấy ra ăn, nhưng nhớ giữ tờ giấy gói bánh mì lại, khi vào trong Khu thấy mấy chú lấy chanh chà lên thì quá trời chữ nổi lên trên tờ giấy đó”.

Một trong những sự việc thể hiện sự trung kiên, tinh thần sẵn sàng hy sinh vì cách mạng của bà Chinh đó là việc sẵn sàng từ bỏ nhung lụa, cuộc sống của một cô tiểu thư, cháu gái chủ tiệm vàng Vĩnh Xuân, vợ nhà thầu khoán tài hoa Trần Văn Lai (Mai Hồng Quế) để bảo lãnh cho cán bộ cách mạng của ta dù biết chắc rằng sẽ phải trả giá bằng chính mạng sống của mình.

Thương người vợ trẻ, hận kẻ thù dã man, Trần Văn Lai càng quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ chức giao. Trần Văn Lai đã khắc lên bia mộ người vợ trẻ bài thơ “Tận đáy lòng khóc vợ” và tự họa hình ông và bà Chinh cũng như ước mơ một ngày đất nước hòa bình, độc lập, không còn chiến tranh, không còn chia cắt hai miền Nam-Bắc. Trong đó có 2 câu thơ đầy hào khí cách mạng:

“...Sớm muộn Bắc-Nam thề hiệp một

đừng buồn, đừng tủi nữa nghe Chinh”.

Tạm quên nỗi đau mất vợ để nối tiếp những tiền đề đang cùng bà Chinh thực hiện, ông Năm Lai tiếp tục kế hoạch mua nhà đào các căn hầm chứa vũ khí, che giấu cán bộ giữa nội thành Sài Gòn mà tiêu biểu nhất phải kể đến đó là căn hầm 287/68-70-72 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3) được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1988.

20 năm sau kể từ ngày hi sinh, bà Chinh đã được Nhà nước công nhận là liệt sĩ. Hiện tại đơn vị Biệt động Sài Gòn đang làm hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận, truy tặng bà Phạm Thị Chinh là Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Bình luận (0)

Lên đầu trang