Tình cảm người ở lại
Những ngày này, mọi người từ nhiều miền Tổ quốc, trong và ngoài nước tấp nập đến những nơi gắn liền với gia đình, cuộc đời, sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nơi an nghỉ (khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình); nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp (thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) và nhà ở tại 30 Hoàng Diệu (quận Ba Đình, Hà Nội), đến các di tích lịch sử tại Điện Biên Phủ... để dâng hương, tưởng niệm Đại tướng.
Tại Vũng Chùa – Đảo Yến nơi Đại tướng an nghỉ, trong những ngày này có hàng nghìn người dân đến dâng hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Đại tướng nhân dân, cả cuộc đời vì nước vì dân, vị tướng huyền thoại, tài ba, lẫy lừng trên thế giới.
Nơi an nghỉ của Đại tướng tại Vũng Chùa được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng chục cán bộ chiến sĩ biên phòng của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình vừa nghiêm chỉnh làm nhiệm vụ vừa nhiệt tình, cởi mở hướng dẫn nhân dân thăm viếng. Mấy năm nay, không quản khó khăn, vất vả, các cán bộ chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm canh giữ giấc ngủ cho Đại tướng; giữ gìn an ninh biên giới trên vùng bờ và vùng biển thuộc chủ quyền của đất nước… Những người thân của gia đình Đại tướng khắp nơi về Quảng Bình bày tỏ xúc động trước tình cảm to lớn và sâu sắc của nhân dân đối với Đại tướng. Đại tướng đã an nghỉ vĩnh hằng, được đảm bảo an toàn tuyệt đối, để người dân cùng du khách trong và ngoài nước đến viếng mộ Đại tướng.
Kính cẩn nghiêng mình trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Hoàng Quân
Con đường nhựa uốn lượn bên dòng Kiến Giang thơ mộng, hiền hòa từ thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) về ngôi nhà lưu niệm của gia đình Đại tướng ở làng An Xá (xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy) chật chội hơn ngày thường. Người dân quanh vùng đang nô nức công tác chuẩn bị đón Quốc khánh 2-9 . Ngày lễ này ở quê hương Đại tướng năm nào cũng được tổ chức long trọng với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Trước đây khi còn sống, Đại tướng thường về thăm quê và cùng người dân ra bờ sông cổ vũ lễ hội đua thuyền truyền thống. Đường vào nhà lưu niệm được dọn dẹp sạch sẽ. Người dân địa phương bán hương hoa, các vật lưu niệm về Đại tướng niềm nở chào đón được người dân, du khách khắp nơi đến thăm.
Căn nhà đơn sơ mái tranh, ba gian, hai chái, chan hòa với vườn cây, rất gần gũi, thân thương được quét dọn tươm tất. Cổng vào bằng mái tranh đã mục nát do mưa năng đang được người dân cho sửa, lợp lại để đón khách. Căn nhà gắn liền với tuổi thơ Võ Nguyên Giáp. Gia đình, người thân đang chuẩn bị lễ mừng 105 năm Ngày sinh đại tướng.
Ông Võ Đại Hàm (73 tuổi, người cháu của Đại tướng) cùng vợ con vẫn hàng ngày chăm sóc bàn thờ tổ tiên và Đại tướng. Trên chiếc bàn ở một góc chính, 10 cuốn sổ lưu bút khổ lớn, dày đã chật cứng những dòng chữ chứa chan tình cảm kính yêu, trân trọng của cán bộ, nhân dân cả nước cùng du khách thập phương dành cho Đại tướng. Trong những cuốn sổ ấy, có rất nhiều nét chữ của các cháu học sinh với nội dung đã đến viếng Đại tướng, mong ông yên nghỉ và hứa sẽ học tập, rèn luyện, phấn đấu theo tấm gương của Đại tướng.
Tâm tư những người gắn bó với Đại tướng
Dịp này, trung tướng Lê Phúc Nguyên (SN 1947) – nguyên Tổng biên tập báo Quân đội nhân dân Việt Nam cùng vợ Nguyễn Thị Khánh An (SN 1957) và các lão thành cách mạng, người thân Đại tướng lặn lội đường xa về Quảng Bình làm lễ khánh thành tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Lý Hòa (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) rồi đến nơi an nghỉ và nhà lưu niệm của Đại tướng.
Trung tướng Lê Phúc Nguyên bày tỏ: “Hôm nay chúng cháu xúc động về thăm nhà Đại tướng, có cảm giác Đại tướng đang ở đây vui vẻ trò chuyện chân tình với mọi người. Chúng cháu nhớ mãi những cuộc gặp đại tướng tại riêng ở 30 Hoàng Diệu, Hà Nội và luôn ghi nhớ lời dặn dò của bác trong công việc, cuộc sống. Xúc động nhất là bao giờ bác cũng dặn nuôi dạy con cháu thật tốt, tạo mọi điều kiện chăm lo học hành. Xin thưa để bác mừng là các cháu luôn là những người con ngoan, cán bộ tốt. Chúng cháu lúc nào cũng ngưỡng mộ và nguyện suốt đời sống, học tập và làm việc theo tấm gương sáng ngời của bác”.
Đại tá Phạm Phú Bằng đã ngoài 80 vẫn vào thăm nhà lưu niệm, dâng hương tưởng niệm Đại tướng. Ông từng là phóng viên của báo QĐND cùng với 4 người khác sản xuất 33 số báo tại chiến trường Điện Biên Phủ, chứng kiện gần trọn vẹn chiến trường Điện Biên Phủ. Ông là người duy nhất còn sống trong số những người làm báo tại chiến trường Điện Biên Phủ ngày ấy.
Đại tá Phạm Phú Bằng – nhà báo chứng kiến gần trọn chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều lần gặp Đại tướng viết sổ lưu niệm - Ảnh: Hoàng Quân
“Từ ngày Đại tướng mất, năm nào tôi cũng đến quê dâng hương, tưởng niệm Đại tướng. Năm nay tuổi đã cao, sức đã yếu lắm nhưng vẫn cố gắng đi về nhà Đại tướng. Đi đến lúc nào không thể đi được nữa. Tôi luôn học tập, phấn đấu theo tấm gương của Đại tướng. Một đời tưởng nhớ vị đại tướng của nhân dân. Đại tướng – người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam đã đưa dân tộc và đất nước đến độc lập, tự do”, ông Bằng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn An (con trai ông Nguyễn Văn Thích – người lái xe lâu năm cho Đại tướng) xúc động: “Nhân dịp về quê Lệ Thủy thắp nén hương chuẩn bị sinh nhật Đại tướng, cháu xin nghiêng mình kính chúc Đại tướng luôn vĩnh hằng trong lòng dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới”.
Đến từ quê hương nơi có chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử lẫy lừng thế giới mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy quân và dân ta đánh thắng kẻ thù đế quốc, anh Lê Thanh Hà – phó Chủ tịch thường trực Liên Đoàn lao động tỉnh Điện Biên cùng đoàn cán bộ ở Tây Bắc đến thăm, chia sẻ: “Chúng cháu vô cùng xúc động khi được đến đây thắp nén hương cho Bác – người con của Việt Nam, một trong những vị đại tướng giỏi nhất thế giới. Cầu mong Đại tướng an nghỉ vĩnh hằng và phù hộ cho quốc thái dân an. Chúng con luôn nhớ về công lao của Đại tướng”.
Đại tá Trần Hồng (phải), ông Võ Đại Hàm (trái) bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với Đại tướng - Ảnh: Hoàng Quân
Chúng tôi may mắn được gặp đại tá Trần Hồng (SN 1947, nhà báo, nhà văn, nghệ sĩ nhiếp ảnh), “một người vào sinh ra tử, một tay máy phóng sự, thời sự chiến trường” (nhận xét của nhà thơ Trần Đăng Khoa) – người có hơn 30 năm gắn bó và đi theo chụp ảnh cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tá Trần Hồng vinh dự được chụp ảnh Đại tướng từ năm 1973 và sau này được Đại tướng chọn là người chụp ảnh riêng. Đại tá Trần Hồng đã chụp hơn 2.000 bức chân dung Đại tướng và tổ chức nhiều cuộc triển lãm ảnh về Đại tướng ở nhiều nơi trong nước để nhân dân có điều kiện thưởng lãm.
Đại tá Trần Hồng chia sẻ: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp khiến kẻ thù của ông cũng phải kính trọng, nể phục vị tướng huyền thoại của Việt Nam. Tôi được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là niềm tự hào lớn mà còn là trọng trách thiêng liêng và cao cả. Và hơn thế nữa được ghi lại những khoảnh khắc đời thường suốt quãng đời có một không hai của Việt Nam để những tư liệu đó lan tỏa trong triệu triệu trái tim Việt Nam về một vị Đại tướng lẫy lừng”.