Không đưa người bảo thủ, trì trệ vào Quốc hội

Thứ Ba, 02/02/2016 15:03  | Hải Triều

|

(CAO) Trình bày về hướng dẫn này trong buổi sáng nay (2-2) tại hội nghị toàn quốc về bầu cử, ông Phạm Minh Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết, người ứng cử phải đảm bảo các tiêu chuẩn của ĐBQH quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội.

Đó là một trong những tiêu chuẩn được đặt ra với đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV, theo hướng dẫn Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự ĐBQH và hội đồng nhân dân nhiệm kỳ mới.

Theo đó, người ứng cử ĐBQH phải trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. ĐBQH phải có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành phap luật, có bản lĩnh kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác...

Theo hướng dẫn, người ứng cử ĐBQH đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước nói chung phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ (năm sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây). Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệl đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết, những người vi phạm Quy định số 57-QĐ/TW ngày 3-7-2007 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận.

Riêng với đại biểu chuyên trách, ngoài các tiêu chuẩn chung còn phải có trình độ đại học trở lên, có năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí công tác dự kiến phân công. Người ứng cử làm đại biểu chuyên trách ở các cơ quan của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội công tác ở cơ quan Đảng, nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước ở Trung ương giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên, nói chung có quy hoạch làm đại biểu Quốc hội chuyên trách hoặc có quy hoạch chức danh tổng cục trưởng và tương đương trở lên. Nếu là cán bộ quân đội, công an thì phải giữ chức cục trưởng, vụ trưởng hoặc tương đương trở lên hoặc có quân hàm từ đại tá trở lên.

Quốc hội khoá XIII kỳ họp thứ tám

Cũng theo ông Chính, người lần đầu ứng cử phải đủ tuổi tham gia hai khoá Quốc hội trở lên hoặc ít nhất trọn môt khoá. ĐBQH chuyên trách tái cử (trừ uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) phải còn đủ tuổi công tác ít nhất là nửa nhiệm kỳ (30 tháng) tính đến tháng 5-2016.

Ban Tổ chức Trung ương cũng hướng dẫn, đối với mỗi chức danh lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp, các cấp ủy, tổ chức Đảng chỉ giới thiệu một đại biểu tham gia ứng cử theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đảng viên tự ứng cử ĐBQH, hội đồng nhân dân phải được cấp uỷ, tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý đảng viên đồng ý. Cán bộ nghỉ hưu thì phải được cấp uỷ, tổ chức Đảng có thẩm quyền quản lý cán bộ, đảng viên trước khi nghỉ hưu đồng ý.

Trường hợp cần giới thiệu ứng cử ĐBQH đối với một số người có năng lực, trình độ chuyên môn sâu trong các lĩnh vực công tác của Quốc hội, có uy tín và sức khoẻ ngoài độ tuổi quy định nêu trên thì Đảng, đoàn Quốc hội phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương xem xét, đề xuất, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét quyết định.

Phát biểu tại hội nghị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, hội nghị lần này quán triệt tinh thần đổi mới cả về tư duy, tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị nước nhà để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Theo Tổng Bí thư, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá 14 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 là sự kiện chính trị quan trọng và là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý, dân chủ sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. “Đây là cơ hội để nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình, thông qua việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu, có đức, có tài, xứng đáng đại diện cho nhân dân tại Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp” - Tổng bí thư khẳng định, đồng thời cho rằng đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Hiện, theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã yêu cầu cả hệ thống chính trị phải đoàn kết thống nhất, tăng cường phối hợp, tập trung dốc sức chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thắng lợi cuộc bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Theo Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến, cơ cấu, thành phần ĐBQH khoá XIV, số lượng ĐBQH khoá tới này là 500 người, trong đó 198 đại biểu ở Trung ương (39,6%) và 302 đại biểu ở địa phương (60,4%).

Cơ cấu, thành phần ở Trung ương dự kiến được phân bổ như sau: 11 đại biểu cơ quan Đảng, 3 đại biểu cơ quan Chủ tịch nước; 18 đại biểu Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ và 114 đại biểu thuộc các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở Trung ương). Đại biểu của Bộ Quốc phòng dự kiến 15 người, Bộ Công an 3 người; Toà an nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toá Nhà nước mỗi nơi một đại biểu.

Trong số 302 đại biểu địa phương sẽ có 63 trưởng đoàn là lãnh đạo chủ chốt và 67 phó đoàn chuyên trách (mỗi địa phương một người, riêng Hà Nội, Tp.HCM, tỉnh nghệ An và Thanh Hoá có 2 phó đoàn).

Trong cơ cấu định hướng, số đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh chỉ là 7 người (dự kiến phân bổ 3 doanh nghiệp nhà nước, 4 hiệp hội, nghiệp đoàn về sản xuất kinh doanh).

Cũng theo Nghị quyết, cơ cấu kết hợp khoảng 80 uỷ viên Trung ương khoá 12 tham gia Quốc hội khoá 14, trong đó 12 - 14 vị là uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đại biểu ngoài Đảng 25 - 50 người, trẻ dưới 40 tuổi khoảng 50 đại biểu, tái cử khoảng 160 đại biểu. Đại biểu là người dân tộc thiểu số khi lập danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất có 162 người, bằng 18% tổng số người trong danh sách ứng cử và phấn đấu trúng cử ít nhất 90 đại biểu. Đại biểu là phụ nữ trúng cử ít nhất 150 đại biểu, bằng 30% tổng số ĐBQH.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang