(CAO) Cùng với băn khoăn này, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.
Chiều nay (12-6), Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là vấn đề lớn, tác động đến nhiều người nên theo yêu cầu của các đại biểu, cần được lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Phiên thảo luận tổ về Bộ luật Lao động của đoàn Hà Nội
Thảo luận tổ hôm 29-5 về dự thảo Bộ luật, có nhiều ý kiến tán thành tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng yêu cầu đánh giá, phân loại và có danh mục cụ thể theo từng nhóm lao động cụ thể để xác định rõ những nhóm có thể tăng tuổi nghỉ hưu (như công chức, người làm nghiên cứu khoa học…) và những ngành nghề, công việc đặc thù không nên tăng (như người lao động trực tiếp, giáo viên mầm non, tiểu học, nghệ sĩ xiếc, người làm nghệ thuật, vận động viên thể thao và cán bộ, công chức cấp xã…).
Thắc mắc về cơ sở khoa học của đề xuất tăng tuổi hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam, nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc này cũng như phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.
Một số ý kiến thì đề nghị đánh giá tác động toàn diện, thận trọng trên nhiều khía cạnh: tuổi thọ và tuổi thọ mạnh khỏe, đặc thù lao động Việt Nam chủ yếu là lao động giản đơn, thủ công, hao tốn sức lực, các nước trên thế giới tăng tuổi nghỉ hưu do thiếu hụt lao động trong khi Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, dồi dào cần được tạo điều kiện tham gia thị trường lao động…
“Chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế, công tác quy hoạch cán bộ, cơ hội giải quyết việc làm cho lao động trẻ, nhiều doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động lớn tuổi” – một số ý kiến phân tích và đề nghị lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động theo từng nhóm cụ thể.
Cũng có đại biểu cho rằng, quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau (cùng 60 hoặc 62 tuổi), không nên tăng theo lộ trình mỗi năm mấy tháng khác nhau giữa nam và nữ.
Liên quan đến mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa, đa số ý kiến đồng ý mở rộng khung giờ làm thêm tối đa đến 400 giờ. Tuy nhiên, việc này phải được thực hiện trên cơ sở nguyên tắc thỏa thuận nhưng chỉ áp dụng đối với một số ngành, nghề và cần trình Quốc hội danh mục những ngành, nghề được làm thêm tối đa 400 giờ/năm.
Cũng tại phiên thảo luận, có ý kiến đề nghị chỉ mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa đến mức 350 - 360 giờ, trong khi nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành, không mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa.
Theo các đại biểu này, do thời giờ làm việc bình thường của người lao động ở nước ta còn cao hơn so với các nước nên đề nghị Chính phủ cần quy định chi tiết về điều kiện tổ chức làm thêm giờ nhằm bảo đảm sức khoẻ cho người lao động, không được huy động người lao động làm thêm giờ liên tục trong một khoảng thời gian và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý.
Nhiều ý kiến đề nghị đánh giá tác động toàn diện (về sức khỏe, tuổi thọ, thực chất nhu cầu làm thêm của người lao động, năng suất lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động, cơ hội việc làm của lao động trẻ, việc sa thải lao động lớn tuổi, đời sống hôn nhân, gia đình, chăm sóc con cái, những tác động về lâu dài của chính sách…), nhất là với lao động nữ.
Cũng theo các đại biểu, cần phân tích kỹ những lợi ích khi tăng giờ làm thêm đối với người lao động (thu nhập tăng thêm, bữa ăn ca, giảm chi phí sinh hoạt ở nhà) và người sử dụng lao động (tận dụng được nguồn nhân lực có tay nghề, không phải tuyển dụng lao động mới, giảm thiểu chi phí về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế, các chi phí quản lý khác...); lấy ý kiến rộng rãi về nội dung này để giải trình thuyết phục và phù hợp với thực tiễn.