Loại quy định cấm uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông

Thứ Hai, 10/06/2019 16:55

|

(CAO) Do cả hai phương án không được các đại biểu lựa chọn nên trong dự thảo luật Phòng chống tác hại của rượu, bia sẽ không thiết kế quy định cấm uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông.

Thông tin trên được Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại phiên họp báo chiều nay (10-6).

Theo ông Phúc, việc lấy ý kiến đại biểu với 2 phương án đều không đạt tỷ lệ quá bán đồng nghĩa quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông (khoản 8 điều 5 dự luật) không được đưa vào dự luật.

Như thế, việc xử lý các tài xế sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông sẽ tiếp tục được áp dụng theo quy định của luật Giao thông đường bộ, nghĩa là nếu trong máu có nồng độ cồn vượt mức quy định pháp luật cho phép thì sẽ bị cấm.

Cùng với đó, Chính phủ sẽ sửa đổi Nghị định 46 theo hướng tăng mức phạt cao hơn, chế tài cao hơn. Việc này cũng sẽ được ghi vào Nghị quyết chung của Quốc hội theo hướng giao Chính phủ nghiên cứu hình phạt tăng nặng hơn, đảm bảo tính răn đe.

Trước lo ngại việc loại bỏ quy định trên khỏi dự thảo thì dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu bia không còn mang ý nghĩa “phòng, chống”, ông Bùi Sỹ Lợi chi sẻ, cơ quan thẩm tra đã cùng với cơ quan soạn thảo, “cơ bản tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội” về việc tăng cường biện pháp ngăn chặn lạm dụng rượu bia gây ra tai nạn giao thông. Cùng với đó, dự thảo luật cũng lấy lại điểm “có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia” vốn đã bị bỏ ra khỏi dự án luật.

Thêm vào đó, dự án luật cũng đưa lại điều khoản “khuyến khích cấm tất cả những người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu, bia”, tuy không cấm.

Ông Bùi Sỹ Lợi trao đổi tại phiên họp báo chiều nay 

Trước những thông tin cho rằng có đại biểu Quốc hội bị “tác động” bởi lợi ích nhóm khi làm xây dựng dự luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định: “Không có khi nào làm luật mà có nhiều ý kiến như lần này”.

Theo ông Lợi, quyền của các cơ quan lobby là quyền của người ta. Tuy nhiên, không phải vì anh sản xuất bia có yêu cầu mà (Quốc hội) theo anh sản xuất bia, hay người dân có yêu cầu thì theo người dân toàn bộ. “Ở đây, chúng tôi phải tính phương án cân bằng tất cả các lợi ích” - ông Lợi chia sẻ.

Ông Lợi cũng thông tin, trong quá trình làm luật, 13 cơ quan, tổ chức gửi báo cáo và cho đến nay vẫn còn cơ quan “nghe việc này việc kia có văn bản” nêu ý kiến, dù có phương án chúng ta đã tiếp thu rồi và đến nay ý kiến của Quốc hội “cơ bản đã thống nhất”.

Liên quan đến phản ánh của phóng viên về việc “có đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu bia mời đi tham quan các cơ sở sản xuất rượu, bia ở nước ngoài, sau đó về có phát biểu đứng trên lập trường ủng hộ sự phát triển của doanh nghiệp rượu bia”, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội nói: “Tôi cũng được người ta đặt trong nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp rượu bia. Tôi phải nói rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo nhưng tôi chưa dự một cuộc nào hết.

Về mặt nguyên tắc, anh không được để cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mời đi với tư cách nghiên cứu mang tính chất lobby. Còn đi nghiên cứu để xây dựng chính sách thì Bộ Y tế mời chúng tôi có cử một số ủy viên thường trực đi”.

Vẫn theo ông Bùi Sỹ Lợi, về nguyên tắc anh không được dự bất cứ cuộc nào có liên quan đến việc lobby khi làm luật. “Nếu đi không phải theo tính chất xây dựng chính sách mà đi theo kiểu lobby cho DN thì tuyệt đối không được” – ông Lợi nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói rằng, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, có muốn đi cũng không được. Hơn nữa, theo ông Phúc, có thể anh đi về thì anh bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thì không phải. Quốc hội khi làm luật phải đảm bảo cân bằng đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, nhà nước.

“Anh có thể lobby một vài người chứ làm sao mà lobby được 500 đại biểu Quốc hội. Nếu có như phóng viên nói thì cũng chỉ mời một vài người đi khảo sát thôi chứa làm sao mà lobby được cả 500 đại biểu Quốc hội” – ông Phúc nhận định.

Trước đó, như Báo CATP đã đưa tin, Quốc hội đã tiến hành lấy ý kiến đại biểu về các nội dung còn ý kiến khác khác nhau trong đó có nội dung liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông khi tham gia giao thông

Quy định này đưa ra 2 phương án để các đại biểu lựa chọn, gồm: Phương án 1 là “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn”; phương án 2 là “cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông”.

Kết quả biểu quyết cho thấy cả hai phương án đều không quá bán, cụ thể 48,76% đại biểu tán thành với phương án 1; 49,59% đại biểu tán thành phương án 2.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng xin Quốc hội biểu quyết lại phương án 1. Số đại biểu tán thành lần này lại thấp hơn lần biểu quyết thứ nhất, chỉ đạt 44,21%.

Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông cũng được quy định tại Nghị định 46 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Cụ thể, mức phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng sẽ được áp dụng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Mức phạt trên tăng lên từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Trường hợp điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì mức phạt tiền sẽ là từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng.

Luật hóa cấm uống rượu bia khi lái xe: Biện pháp mạnh cần thiết
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang