Thực hiện Đề án 06:

Công an TPHCM mở chiến dịch cấp CCCD cho các em thi THCS và THPT

Thứ Tư, 20/04/2022 08:50  | Ngọc Anh

|

(CATP) Chiều 19-4, Công an TP.Hồ Chí Minh (CA TPHCM) tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06 trong CA TPHCM. Hội nghị do Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó giám đốc CA TPHCM chủ trì.

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các phòng nghiệp vụ liên quan, lãnh đạo CA TP.Thủ Đức và CA 21 quận, huyện.

Tiện ích của CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, CA TPHCM sẽ mở chiến dịch làm Căn cước Công dân (CCCD) cho các em học sinh chuẩn bị thi THCS, THPT, Cao đẳng, Đại học (sinh năm 2004, 2007) và yêu cầu CA TP.Thủ Đức, CA các quận, huyện tập trung thực hiện việc cấp CCCD gắn chíp cho học sinh để các em kịp tham dự kỳ thi, THCS, THPT, cao đẳng và đại học năm 2022.

Ngoài đối tượng là các em học sinh, Thiếu tướng nhấn mạnh, CA TPHCM cần tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp CCCD, tập trung ưu tiên cho đại biểu tham dự trong các hội nghị; đối tượng chính sách; cán bộ, công chức cơ quan, ban ngành, lực lượng vũ trang, công nhân viên đang làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp; công dân chưa được cấp CCCD gắn chíp.

Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó giám đốc Công an TPHCM phát biểu tại hội nghị

Việc đẩy mạnh cấp CCCD gắn chíp và tài khoản định danh điện tử (TKĐDĐT) cho người dân là nhằm đáp ứng hiệu quả việc triển khai Đề án 06 của Chính phủ (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030). Trong năm 2022, thành phố tập trung các giải pháp thực hiện có hiệu quả 25 dịch vụ công thiết yếu để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, coi đây là bước đột phá trong thực hiện Đề án 06.

Khi có CCCD gắn chíp và TKĐDĐT, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết trực tuyến các thủ tục trên mạng Internet và nhận kết quả điện tử (hoặc tại địa chỉ theo yêu cầu) sẽ không phải đi lại, không phải xuất trình giấy tờ, không phải tiếp xúc với cán bộ và không sử dụng tiền mặt.

Cụ thể, đối với người dân, khi có CCCD gắn chíp điện tử giúp người dân tích hợp nhiều loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế, tài khoản ngân hàng...); việc sử dụng TKĐDĐT sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng, hạn chế được giả mạo giấy tờ, hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... thực hiện các thủ tục hành chính qua cổng dịch vụ công.

Đối với cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, thông tin được kết nối, sử dụng thống nhất trong công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp; đảm bảo chính xác, thống nhất trong sử dụng các giao dịch, không gây phiền hà cho người dân, cơ quan, tổ chức; cán bộ cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp nhận giải quyết trực tuyến trên môi trường internet và trả kết quả điện tử theo yêu cầu của người dân (nếu có), không phải tiếp xúc giữa người dân và cán bộ...

Trước những lợi ích mà CCCD gắn chíp và TKĐDĐT mang lại, CATP đề nghị người dân liên hệ với cơ quan CA để được cấp TKĐDĐT. Từ ngày 16-3-2022, tại trụ sở CA quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tổ chức cấp TKĐDĐT cho công dân, kết hợp với cấp CCCD. Để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, CATP sẽ triển khai cấp TKĐDĐT cho công dân tại CA phường, xã, thị trấn theo chỉ đạo của Bộ CA.

Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang - Phó phòng PC06 phát biểu tại hội nghị

Điều kiện để được cấp TKĐDĐT

Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp TKĐDĐT, công dân cần chuẩn bị CCCD gắn chíp còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất CCCD gắn chíp hoặc CCCD quá hạn sử dụng thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp TKĐDĐT kèm cấp CCCD gắn chíp tại cơ quan CA. Công dân phải có 01 số điện thoại sử dụng chính chủ để đăng ký 01 TKĐDĐT.

Khi đăng ký cấp TKĐDĐT, công dân cần chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà mình muốn đăng ký tích hợp vào TKĐDĐT để cung cấp cho cơ quan CA như: thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy đăng ký phương tiện chính chủ... Đối với công dân dưới 14 tuổi thì cấp TKĐDĐT theo cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ.

Trong giai đoạn hiện nay, khi thực hiện thủ tục cấp CCCD và TKĐDĐT cho công dân, CATP dự kiến phối hợp cùng các đơn vị liên quan cung cấp các thủ tục tiện ích cho công dân như: Cấp TKĐDĐT cho công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp; cấp CCCD và định danh điện tử; cấp thẻ CCCD gắn chíp kết hợp đăng ký định danh điện tử, tài khoản ngân hàng; cấp TKĐDĐT cho công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp và tài khoản ngân hàng và vay vốn ưu đãi; cấp TKĐDĐT cho công dân đã có thẻ CCCD gắn chíp, tài khoản ngân hàng khi công dân làm thủ tục đăng ký phương tiện, làm hộ chiếu hoặc làm thủ tục tại Bộ phận một cửa các cấp; cấp thẻ CCCD gắn chíp kết hợp đăng ký định danh điện tử, tài khoản ngân hàng và hỗ trợ trả tiền qua hệ thống cho các đối tượng chính sách.

Về lý do vì sao người dân có CCCD gắn chíp vẫn cần TKĐDĐT, thiếu tướng Trần Đức Tài cho biết, việc sử dụng TKĐDĐT sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm...

Hiện nay, việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như CMND, thẻ CCCD, hộ chiếu. Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, với vai trò là cơ quan quản lý dân cư, Bộ CA có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Khi có tài khoản định danh điện tử, công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, công dân khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần như trước đây. Việc này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết...

Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân (mã số trên CCCD), họ, tên đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký thường trú; ảnh chân dung và vân tay. TKĐDĐT bao gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ CA xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.

Công an TPHCM thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp điện tử cho người dân - Ảnh: Đức Nam

Các dịch vụ công người dân có thể sử dụng

Lãnh đạo Phòng PC06 cho biết, hiện nay, công dân có thể tiết kiệm được nhiều thời gian khi chủ động thực hiện đăng ký cư trú trực tuyến thuận tiện trên môi trường mạng, thông qua các website: www.dichvucong.vn, www.dichvucong.bocongan.vn hoặc www. dichvucong.dancuquocgia.gov.vn...

Đối với các thủ tục thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng, xóa đăng ký cư trú... người dân hoàn toàn không phải đến trực tiếp cơ quan đăng ký cư trú khi thực hiện qua cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, do hiện nay hệ thống cổng Dịch vụ công vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về đất đai, hộ tịch chưa được kết nối, chia sẻ, nên trước mắt người dân còn phải đến cơ quan đăng ký cư trú để nộp hồ sơ và lệ phí đăng ký cư trú đối với các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, tách hộ, điều chỉnh thông tin cư trú...

Theo đó, đối với các trường hợp này, trước mắt sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú sẽ kiểm tra hồ sơ, hẹn ngày nộp hồ sơ và trả kết quả giải quyết, công dân sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và không phải đến cơ quan đăng ký cư trú nhiều lần.

Trong thời gian sớm nhất, sau khi đã hoàn thiện hệ thống cổng dịch vụ công, các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã được số hóa, kết nối và chia sẻ, người dân có thể dễ dàng nộp lệ phí bằng các hình thức chuyển khoản trực tuyến và nhận thông báo kết quả giải quyết qua các hình thức tin nhắn SMS, thư điện tử, bưu chính công ích...

Để thực hiện dịch vụ công trực tuyến, người dân cần có số định danh cá nhân; có thuê bao điện thoại di động chính chủ; tài khoản ngân hàng (không bắt buộc); sử dụng máy tính hoặc điện thoại thông minh có kết nối internet.

Về hồ sơ, điều kiện, thủ tục, quy trình đăng ký cư trú theo Luật Cư trú năm 2020, Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, Thông tư số 55/2021/TT-BCA ngày 15/5/2021 của BCA đều được niêm yết, đăng tải cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu trên các website trên, người dân có thể dễ dàng đọc và làm theo từng bước như sau:

Bước 1: Công dân truy cập vào các website trên, đăng nhập tài khoản hoặc tạo tài khoản để thực hiện;

Bước 2: Tại giao diện cổng dịch vụ công, chọn thủ tục hành chính cần thực hiện;

Bước 3: Điền đầy đủ thông tin vào biễu mẫu, đính kèm các file tài liệu, chọn hình thức nhận kết quả giải quyết;

Bước 4: Thực hiện thành toán lệ phí (nếu có);

Bước 5: Kiểm tra thông tin và thực hiện nộp hồ sơ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang