Công an TPHCM triển khai quản lý di biến động dân cư như thế nào?

Thứ Sáu, 26/11/2021 10:06

|

(CATP) Công an TPHCM triển khai di biến động dân cư bằng cách nắm hộ, nắm người, nắm chắc số thường trú, cư trú tại địa phương, người đến và người đi ở địa phương... Từ đó có những biện pháp phối hợp phòng chống dịch như: truy vết, tổ chức cách ly, giám sát cách ly, lên danh sách tiêm ngừa vắc-xin...

Không lập chốt kiểm soát nhưng kiểm soát từ cơ sở địa bàn, địa phương

Ngày 25-11, lãnh đạo Công an TPHCM đã triển khai về việc tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư cho các đơn vị trực thuộc trên địa bàn.

Lãnh đạo Công an TPHCM cho biết, quản lý di biến động dân cư không có nghĩa là phải lập chốt để mọi người di chuyển từ nơi này qua nơi khác... Quản lý di biến động dân cư ở đây là quản lý về hộ khẩu thường trú, sổ tạm trú, sổ lưu trú, di biến động mỗi người từ tỉnh về TPHCM.

Ví dụ công nhân từ các tỉnh về TPHCM tạm trú ở đâu thì đơn vị nắm hộ, nắm người, nắm chặt số đó để phục vụ, phối hợp với cơ quan y tế nhằm thống kê số lượng người tiêm vắc-xin, những người tiếp xúc gần, truy vết nhằm phối hợp trong công tác phòng chống dịch.

Về việc không lập chốt kiểm soát thì Công an TPHCM quản lý bằng cách nắm hộ, nắm người, nắm chắc số thường trú, tạm trú, số cư trú tại địa phương, người đến và người đi ở địa phương... Từ đó có những biện pháp phối hợp phòng chống dịch như: truy vét, tổ chức cách ly, giám sát cách ly, lên danh sách tiêm ngừa vắc-xin...

Trước đó, UBND TPHCM có văn bản gửi các sở ban ngành thành phố và UBND quận huyện, TP.Thủ Đức về việc tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19.

Một chốt kiểm soát dịch Covid-19 tại TPHCM trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16

UBNDTP yêu cầu UBND TP.Thủ Đức và các quận huyện bảo đảm sự thống nhất, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, không cục bộ, "cát cứ" hoặc ban hành quy định vượt quá mức cần thiết; đồng thời, nhanh chóng truy vết, xét nghiệm là khâu then chốt để sớm kiểm soát hiệu quả dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt theo diễn biến dịch, chuyển dần các vùng cấp độ 2, 3, 4 về cấp độ 1.

Chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch bệnh trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân là trung tâm, là chủ thể và lấy cơ quan, đơn vị, địa phương là nền tảng trong phòng chống dịch; rà soát, đôn đốc, đẩy mạnh việc tiêm vắc-xin, nhất là việc tiêm mũi 2, tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển, bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế; khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vi hẹp nhất có thể; tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng, chống dịch của người dân.

Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát chặt chẽ di biến động dân cư, nắm chắc tình hình người dân khi ra, vào địa bàn, người có nguy cơ đang lưu trú, làm việc tại địa phương, doanh nghiệp (như lái xe, phụ xe đường dài, liên tỉnh; người làm việc ngoài tỉnh về địa phương lưu trú, người lưu trú ngoài tỉnh về địa phương làm việc...) để có biện pháp quản lý phù hợp, khai báo y tế thường xuyên.

Linh động trong việc kiểm soát tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn

UBND TPHCM giao Sở Y tế hướng dẫn và tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng (SVP), giám sát trọng điểm Covid-19, giám sát dựa vào sự kiện (EBS), giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại cộng đồng; thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19, kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng, nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở để ứng phó thường xuyên, kịp thời.

Chuẩn bị sẵn sàng thiết lập các Trạm y tế lưu động ngay tại phường, xã, thị trấn, ở những nơi dịch bùng phát, địa bàn dịch phức tạp để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; tăng cường và bổ sung nhân lực cho các Trạm y tế tại phường, xã, thị trấn khi có số ca mắc Covid-19 tăng cao; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa.

Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh phải nghiêm túc thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu người đến khám bệnh thực hiện các quy định phòng chống dịch Covid-19; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị, ưu tiên điều trị tầng 1, 2, hạn chế bệnh nhân chuyển nặng, đảm bảo người bệnh được thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời.

Hoàn chỉnh kế hoạch sẵn sàng thiết lập hệ thống điều trị bao gồm các trung tâm hồi sức tích cực, bệnh viện dã chiến. Chịu trách nhiệm chỉ đạo Trung tâm Y tế các địa phương kiểm soát các điểm tiêm trên địa bàn, đảm bảo mời gọi người dân ra tiêm mũi 2 theo thời gian quy định; ưu tiên tiêm sớm cho nhóm đối tượng nguy cơ cao chưa tiêm và đến hẹn nhắc tiêm mũi 2.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong khu chế xuất, khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông công nhân, trường học, UBND TPHCM yêu cầu các cơ sở duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn".

Bình luận (0)

Lên đầu trang