Ngập kỷ lục ở Đà Nẵng: Quy hoạch, quản lý đô thị lộ nhiều bất cập

Thứ Ba, 11/12/2018 00:17  | Hoàng Quân

|

(CAO) Thật khó hiểu khi Đà Nẵng gắn liền với biển, có sông rộng lớn và trước đó ít bị ngập nặng, nay lại dễ dàng ngập kỷ lục như vậy. Nguyên nhân được xác định ngoài thiên tai còn do quy hoạch sai và lỗ hổng trong công tác quản lý, vận hành.

Hệ thống thoát nước quá tải

Cơn mưa xối xảngày 9-12 biến nhiều vùng ở Đà Nẵng thành biển nước mênh mông. Sinh hoạt, đi lại của người dân bị đảo lộn, tê liệt; nhiều tài sản, máy móc, thiết bị hư hỏng, cuốn trôi; các cửa xả, đe kè ven biển bị xé toang; rác ngập tràn, hôi thối...

Sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Đà Nẵng, cửa xả nước bị phá toang.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, đợt mưa vừa qua ở Đà Nẵng có vũ lượng lên đến 635mm. Nguyên nhân gây mưa lớn do có sự kết hợp của gió đông bắc tầng thấp, địa hình và nhiễu động của gió đông đến đông nam trên cao bổ sung thêm hơi ẩm.

Sở Xây dựng báo cáo UBND TP.Đà Nẵng 3 nguyên nhân chính gây ngập lụt là: do lượng mưa quá lớn, vượt quá khả năng của hệ thống thoát nước; một số dự án đang thi công dở dang, ảnh hưởng đến thoát nước của hệ thống và một số vị trí mương, cống, cửa thu nước bị tắc nghẽn cục bộ nên ngập úng kéo dài...

Ông Mai Mã - Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng lý giải: “Hệ thống thoát nước của Đà Nẵng khá tốt nhưng không đáp ứng kịp so với mưa lớn và liên tục, có lúc hơn 700mm. Các cửa xả nước đã hoạt động hết công suất. Hệ thống xả nước chủ yếu thoát ra sông và biển nhưng cửa xả biển Mỹ An đã bị phá vỡ, sạt lở và thủy triều lên cao nên cản nước lại, thoát chậm.

Và lượng lớn rác thải, lá cây bùn đất lắng đọng, tràn vào vào các cửa thoát nước, các cống xả gây cản dòng chảy. Lúc bình thường, một số cửa thu nước bị người dân che lại để ngăn mùi hôi phát tán và khi mưa xuống thì tháo ra không kịp dẫn đến nước khó thoát”.

Rác tràn ngập khi mưa xuống cũng là tác nhân gây cản dòng chảy.

Ông Mã cho biết, về lâu dài phải khắc phục cửa thu thoát nước mặt đường vừa ngăn mùi hôi vừa kiểm soát rác. Và bùn đất, cát được giữ lại trước các cửa thoát nước, không cho chảy vào cống thoát nước chung. Có như vậy mới giảm tần suất nạo vét cống, hạn chế tắc ống và nâng cao hiệu quả thoát nước…

Sai về quy hoạch và lỗ hổng quản lý, vận hành

Ông Võ Tấn Hà – Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Đà Nẵng cho biết, quy hoạch xây dựng ở nội đô của TP được thực hiện từ trước đó và quy hoạch mới được phê duyệt năm 2017 và TP đang triển khai. Ngập nước một phần do quy hoạch cũng là một nguyên nhân nhưng không hoàn toàn.

Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Trưởng Ban quy hoạch TP tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng phản bác một phần nguyên nhân do mưa “lịch sử” và hệ thống thoát nước vận không không kịp: “Lượng mưa 100mm hay hơn 600mm không phải là vấn đề mà mấu chốt là mưa bao lâu, liên tục hay không và thoát nước được bao nhiêu?".

Ông Diệm nói, ngoài thiên tai thì do nguyên nhân do sai quy hoạch và lỗ hổng quản lý, vận hành. Các vùng chứa nước tự nhiên vốn là vành đai xung quanh TP cơ bản không còn, thay vào là các cao ốc, khu đô thị: khu vực phường Hòa Cường (Q.Hải Châu) ven sân bay; khu vực Hòa Liên (H.Hòa Vang); khu hầm chui Nguyễn Tri Phương; ven sông Phú Lộc... trước đây là vùng trũng, đồng ruộng, là nơi thoát nước. Cốt nền ở đây giờ đã cao, không chứa được nước, chặn dòng chảy nên nước dồn về trung tâm TP theo nguyên tắc nước chảy chỗ trũng. Nước ở nội đô không có đường để chảy ra.

Nhiều tuyến đường, khu dân cư ở Đà Nẵng chìm trong biển nước.

Việc đắp nền, cải tạo đảo lấn chiếm mặt sông, tạo nền cao như ở ven sông Cổ Cò; khu đảo Xanh ven sông Hàn… cũng ngăn nước. Lẽ ra phải khơi thông, cải tạo xuống thấp để nước thoát ra sông. Nội đô TP còn rất ít hồ chứa nước, ít công viên, đất trống trũng đã bị thay bằng bê tông thì không có chỗ dữ trữ nước, nước khó thấm xuống đất. Thủy triều lên phải có chỗ chứa nước và thủy triều xuống nước rút. Bên cạnh đó, quy hoạch một số tuyến đường gần sông không hợp lý, mặt đường cao hơn mặt sông nhưng không có độ thoát ra sông…

Nguyên nhân về quản lý, vận hành, ông Diệm phân tích: “Hạ tầng hệ thống cấp thoát nước hoàn chỉnh, khá tốt nhưng xử lý không hợp lý. Qua đợt mưa lũ vừa rồi thì thấy nước ứ đọng, các cửa thoát nước vận hành quá kém do các cửa thoát nước nối vào hệ thống thoát nước chung bị rác, bùn che lại và không thường xuyên được khơi thông, nạo vét.

Người ta cũng có phần chủ quan tưởng là thời gian qua ít mưa lũ, các hồ chứa nước cạn, nhiều vùng thiếu nước và tưởng mùa mưa đã qua nên việc nạo vét, sửa chữa không được đảm bảo. Cống, miệng xả nước có to đến mấy nhưng bị tắc rác và bùn thì nước không thoát được. Các cửa xả thải, xả nước ra biển khi mưa lũ thì nước đen ngòm. Ngoài ra, do một bộ phận người dân vứt rác bừa bãi, thu gom rác thải không kịp khi mưa lũ đến”.

Ông Diệm nói, nguyên tắc trước khi quy hoạch phải làm bản đồ đánh giá đất đai, chú ý nước thủy triều cao bao nhiêu thì vẽ những cốt dành cho những công trình khác nhau. Ví dụ thủy triều cao từ 1,5m trở lên thì dành cho các công trình trọng điểm, quan trọng; 1,5m trở xuống thì vẫn sử dụng nhưng dùng nó để làm công viên, cây xanh, hồ chứa nước, không được nâng cốt nền lên, bố trí trạm bơm. Nếu nước có ngập thì sau đó sẽ rút hoặc bơm nước ra ngoài được.

Khu tầng hầm chung cư  Hoàng Anh Gia Lai (đường Hàm Nghi) ngập nước do nước khó thoát.

Về giải pháp, ông Diệm cho rằng, ngoài những việc làm tạm thời, cấp tốc như khơi thông cống rãnh, đào dẫn dòng, vận hành kịp thời các cửa xả ven biển, ven sông; phá dỡ đê quai thoát nước tại các công trình đang thi công… thì lâu giải là phải làm sao đưa về trạng thái cân bằng tự nhiên. Tất nhiên không phải để phá bỏ các công trình, khu đô thị đã xây dựng mà phải khơi thông vị trí khác để biến thành hồ, khu vực chứa nước thay cho các khu vực vùng trũng trước kia đã thành khu đô thị; dành thêm quỹ đất cho công viên, cây xanh, hồ chứa…

Bình luận (0)

Lên đầu trang