Nhiều chính sách hạn chế di dân tự phát
Báo cáo Quốc hội về việc triển khai thi hành Luật Thủ đô, Chính phủ cho biết, tính đến tháng 9-2017 toàn TP. Hà Nội có 1.913.975 hộ gia đình với 6.984.049 nhân khẩu thường trú. Mật độ dân số trung bình khoảng 2.213 người/km2, phân bố không đều, tập trung nhiều ở các quận nội thành, ví dụ như quận Đống Đa 32.213 người/km2, gấp 45 lần so với huyện Ba Vì là 721 người/km2)...
Nêu các biện pháp quản lý dân cư trên địa bàn TP, Chính phủ thông tin, Hà Nội đã ban hành và thực hiện quy định về diện tích bình quân tối thiểu là 15m2 sàn/đầu người đối với nhà cho thuê ở nội thành theo Nghị quyết số 11/2013/NQ-HĐND.
Chính sách ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các khu đô thị, nhà ở với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ hiện đại, thuận tiện cũng được triển khai ở ngoại thành để thu hút sự giãn dân ở nội thành theo Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND của HĐND Thành phố.
Cụ thể, TP đã thực hiện phương thức kêu gọi thu hút đầu tư, ưu tiên đầu tư theo các hình thức BT, BOT, BTO, PPP. Đối với cơ chế hỗ trợ đầu tư và tạo nguồn vốn đầu tư thì chủ đầu tư dự án khu đô thị, nhà ở thương mại ở ngoại thành được ưu tiên giao làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở xã hội trên phần diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội thuộc dự án do mình làm chủ đầu tư.
Ngoài diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định, chủ đầu tư dự án được ưu tiên đề xuất tăng diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi diện tích đất xây dựng nhà ở thương mại sang diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhưng phải đảm bảo nhu cầu sử dụng của người dân về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng.
Chủ đầu tư dự án khu đô thị, nhà ở được giao ứng vốn đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đầu mối phục vụ Dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của TP. Chi phí đầu tư các công trình này được khấu trừ vào tiền sử dụng đất của Dự án.
HĐND TP thông qua cụ thể các Dự án do nhà đầu tư ứng vốn thực hiện hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng thuộc Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư được áp dụng các biện pháp đảm bảo việc thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng như đối với các công trình quan trọng theo quy định của TP.
Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng các chính sách trên bước đầu đã hạn chế tình trạng di dân tự phát, giảm áp lực về dân số trong nội thành.
Dân số vẫn tăng nhanh
Dù Hà Nội đã tiến hành thực hiện nhiều giải pháp như trên, song Chính phủ thừa nhận, tình trạng dân số cơ học vẫn tiếp tục tăng nhanh cả ở nội thành và ngoại thành, nhất là ở nội thành, khu vực nội đô lịch sử.
Số liệu được dẫn từ năm 2013 cho thấy tổng số dân số của 4 quận nội đô lịch sử (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) là 966.806 người, năm 2014 là 1,09 triệu người (tỷ lệ tăng dân số đạt 113,21%). Đến năm 2017, con số này lên tới 1,13 triệu người (tỷ lệ tăng đạt 117,33%) chứng tỏ việc kiểm soát mức độ gia tăng theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô chưa hiệu quả.
Đáng chú ý, mật độ dân cư phân bố không đều, có sự chênh lệch đáng kể giữa ngoại thành và nội thành. Ở các quận như Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy mật độ dân số rất cao, trung bình đều trên 30.500 người/km2. Điều này đã gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tác động mạnh đến công tác quản lý dân cư, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường trên địa bàn Thủ đô.
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nhắc lại, sau khi giám sát việc thực hiện một số quy định của Luật Thủ đô hồi năm 2018, Uỷ ban đã nhận thấy những chính sách nhằm mục đích giãn dân ra ngoại thành, hạn chế việc di dân vào nội thành, giảm áp lực dân số trong nội thành đều chưa hiệu quả. Tình trạng tăng dân số cơ học ở nội thành không giảm mà tiếp tục tăng nhanh.
Tại thời điểm đó, đoàn giám sát đã chỉ ra rằng mặc dù Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đặt mục tiêu đến năm 2020 dân số tăng khoảng từ 7,3 - 7,9 triệu người nhưng đến năm 2017, dân số Hà Nội đã trên 9,6 triệu ngườI, lớn hơn dân số dự báo đến năm 2030.
Với tốc độ tăng trung bình 3%/năm, theo Uỷ ban Pháp luật, đến năm 2020 dân số ước tính sẽ lên 10,5 triệu ngườI, gần bằng dân số dự báo đến năm 2050 và vượt xa so với dự kiến trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trước thực tế trên, Uỷ ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ xem xét lại hiệu quả của việc quản lý dân cư bằng biện pháp hành chính và có sự phân biệt về điều kiện, trình tự, thủ tục đăng ký thường trú giữa nội thành với ngoại thành Hà Nội để vừa bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp, vừa hạn chế việc di dân tự do vào nội thành.
Uỷ ban này cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chậm thực hiện các quy định về di dời các cơ quan, đơn vị, bệnh viện, cơ sở giáo dục trong khu vực nội thành Hà Nội ra ngoại thành; trách nhiệm trong công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch chi tiết.