(CAO) Khi triển khai xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, có địa phương đã vi phạm thoả thuận, khiến cho tiến độ thực hiện dự án bị kéo dài vì phải điều chỉnh hướng tuyến cục bộ một số đoạn.
Nhiều dự án, công trình chồng lấn
Trong báo cáo gửi đến Quốc hội, Bộ GTVT cho biết, qua khảo sát chi tiết, đơn vị tư vấn đã so sánh và kiến nghị điều chỉnh cục bộ hướng tuyến một số đoạn để bảo đảm kinh tế - kỹ thuật, tránh các khu vực đất quốc phòng, khu đông dân cư, hạn chế tác động đến đời sống của nhân dân...
Đáng chú ý, do hầu hết các dự án thành phần đã được triển khai công tác chuẩn bị đầu tư từ giai đoạn 2011 - 2012 nhưng chưa được đầu tư và chưa cắm mốc giải phóng mặt bằng nên một số địa phương đã cấp đất xây dựng công trình hoặc điều chỉnh quy hoạch của địa phương chồng lấn với quỹ đất dự kiến dành cho cao tốc khiến dự án phải điều chỉnh cục bộ hướng tuyến, gây khó khăn và kéo dài thời gian triển khai.
Ảnh minh họa
Chưa hết, một số địa phương còn đề xuất xây dựng các hạng mục như hầm chui dân sinh, cầu vượt ngang... với quy mô vượt quá nhu cầu. “Trường hợp đầu tư theo ý kiến của địa phương có thể gây lãng phí hoặc sử dụng nguồn vốn không đúng mục đích, do vậy việc thỏa thuận với các địa phương phải thực hiện nhiều lần” - báo cáo nêu rõ.
Kết quả là sau khi điều chỉnh, chiều dài toàn tuyến tăng thêm 3 km, từ 654 lên 657 km. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư lại giảm gần 14.000 tỉ đồng so với bước tiền khả thi, xuống còn 105.046 tỉ đồng (trước đó là 118.716 tỉ đồng).
Ngoài ra, tổng vốn nhà nước đầu tư vào dự án cũng giảm hơn 4.000 tỉ, còn 50.943 tỉ đồng so với dự kiến 55.000 tỉ đồng ban đầu. Vốn của nhà đầu tư cũng giảm từ 63.716 tỉ đồng xuống còn 54.103 tỉ đồng. Lý giải về mức giảm này, Bộ GTVT thông tin, là do chi phí dự phòng giảm cùng với việc thay đổi mức lãi suất vốn vay.
Năm 2023 hoàn thành toàn bộ dự án
Đến thời điểm này, theo Bộ GTVT, 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đã hoàn thành công tác lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, hoàn thiện các thủ tục có liên quan theo quy định như phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đã thỏa thuận với các bộ, ngành và địa phương.
Ngay sau khi phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ GTVT sẽ lựa chọn nhà thầu tư vấn (theo hình thức đấu thầu rộng rãi), tổ chức khảo sát và lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần.
Dự kiến, việc bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương sẽ được tiến hành vào khoảng đầu năm 2019, đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng và hoàn thiện toàn bộ vào Quý I/2020.
Bộ GTVT tính toán, thời gian thực hiện dự án theo quy định đối với các thủ tục nêu trên cần tối thiểu 15 tháng, do đó các dự án đầu tư theo hình thức PPP sẽ bắt đầu thi công khoảng đầu năm 2020 và cơ bản hoàn thành năm 2021.
Đối với 3 dự án đầu tư công, Bộ GTVT đang tổ chức lựa chọn nhà thầu tư vấn để triển khai công tác khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán các dự án thành phần. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư, dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn hiện đã hoàn thành công tác cắm cọc giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch và đã bàn giao cho các địa phương (Nam Định và Ninh Bình) để tổ chức thực hiện các công việc tiếp theo.
Với dự án thành phần đoạn Cam Lộ - La Sơn và dự án cầu Mỹ Thuận 2, Bộ GTVT sẽ bàn giao cọc giải phóng mặt bằng, mốc lộ giới đường bộ cho các địa phương khoảng Quý IV/2018, dự kiến đến thời điểm khởi công các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đạt khoảng 70% tổng khối lượng.
Cũng theo dự kiến của Bộ GTVT, công tác thi công các dự án thành phần đoạn Cao Bồ - Mai Sơn và đoạn Cam Lộ - La Sơn bắt đầu triển khai từ tháng 4-2019, thi công trong khoảng 2 năm (cơ bản hoàn thành năm 2021); dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu triển khai thi công từ Quý III/2019 (đối với gói cầu, đường dẫn) và Quý I/2020 (đối với gói cầu chính), thời gian thi công cầu chính khoảng 3,5 năm, hoàn thành năm 2023.
Điểm đáng chú ý là, đối với các dự án BOT, việc kiểm soát các nhà đầu tư tham gia dự án này đã được chặt chẽ hơn với quy định bổ sung: “Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”. Mức vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia các dự án thành phần đầu tư theo hình thức BOT cũng được nâng lên 20% (thay vì chỉ 10 – 12% như cá dự án trước đây).
Mức thu phí mỗi xe con cao nhất là 3.400đồng/kmTại kỳ họp thứ 4 cuối 2017, Quốc hội khoá 14 đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng, trong đó 55.000 tỉ đồng là vốn Nhà nước và 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách. Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP.
Mức thu phí được Chính phủ trình và Quốc hội thông qua là 1.500 đồng/km/xe con ở giai đoạn 2021-2023. Mức này tăng lên thêm 200 đồng lần lượt vào các giai đoạn 2024 - 2026; 2027-2029; 2030-2032. Sau đó tiếp tục tăng thêm 300 đồng vào giai đoạn 2033-2035; 2036-2038; 2039-2041. Giai đoạn 2042-2044, sẽ tăng thêm 400 đồng và ấn định ở mức 3.400 đồng/km/xe con.