Cần rút kinh nghiệm khi chỉ định thầu, tránh tạo ra kẽ hở, cơ chế xin - cho

Thứ Sáu, 10/06/2022 14:12

|

(CAO) Trong quá trình triển khai phải làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này lại tiếp tục xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế.

Cho ý kiến về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu, vào hôm nay (10/6), đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) đồng tình cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tính cấp thiết đầu tư.

Theo đại biểu Sinh, tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau khi hình thành sẽ có năng lực vận hành lớn, tốc độ cao và an toàn, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải và tạo sức lan tỏa động lực, dư địa để phát triển kinh tế - xã hội của khu vực.

Đại biểu Trình Lam Sinh (An Giang) thảo luận tại phiên họp

“Là trục ngang trung tâm, kết nối các trục dọc vùng ĐBSCL, tuyến đường tạo điều kiện thuận lợi để kết nối các trung tâm kinh tế trong khu vực. Hai đầu của dự án sẽ kết nối cảng biển nước sâu trong tương lai để ra Biển Đông, và kết nối cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Campuchia và khu vực Đông Nam Á” – đại biểu Sinh phân tích.

Lưu ý An Giang là vùng đất trũng, nền đất yếu của vùng ĐBSCL, có thể ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, ông Sinh đề nghị cần phải có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, công tác giải phóng mặt bằng, đề xuất triển khai thi công trong năm 2023.

Cùng với đó, với giá nhiên liệu trong nước đều tăng cao, đại biểu lo tổng mức đầu tư các dự án thành phần sẽ có sự thay đổi. “Đề nghị cần có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án” – đại biểu của An Giang nói.

Quan tâm đến dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột, đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) nhận định, dự án ra đời sẽ phát huy kết nối hiệu quả với các trục dọc đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc Nam phía Đông…

Cùng với những cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Khánh Hoà đang được Quốc hội xem xét, đại biểu Xuân khẳng định, dự án cao tốc Khánh Hoà – Buôn Mê Thuột sẽ khơi dậy tiềm năng, lợi thế kinh tế tỉnh này, tạo tiền đề, động lực mới thu hút đầu tư, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ sau đại dịch Covid-19.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu)

Đánh giá về tầm quan trọng của dự án cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhìn nhận, dự án sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn.

Bên cạnh việc giải quyết tình trạng quá tải, ùn ứ cục bộ tại các điểm giao thông kết nối, dự án Biên Hoà – Vũng Tàu sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa 2 địa phương, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.

“Việc đầu tư xây dựng 3 dự án nói trên phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành, đảm bảo cơ sở chính trị và thực tiễn trước yêu cầu cấp thiết hiện nay” – bà Yến chốt lại.

Khẳng định ủng hộ chủ trương đầu tư 3 dự án trên, song đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) lưu ý về nguồn lực đầu tư. “Phân tích vào nguồn của địa phương, tôi thấy rất phân vân và chia sẻ. Ví dụ như Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh còn nhiều khó khăn, thu 4.000 tỷ đồng/năm, mỗi năm dự kiến cân đối để bỏ ra được 300 tỷ đối ứng thì liệu có đảm bảo hay không?” – ông Hạ nêu câu hỏi.

Theo ông, việc này cần phải tính để chia sẻ với các tỉnh khó khăn. “Với điều kiện này thì chủ yếu dựa vào nguồn thu sau này từ đất, khi đường lên sẽ thu từ đất để mà bù vào. Thế nhưng có đường thì mới có đất, giải quyết có đất rồi mới làm đường. Vấn đề là phải có phương án sẵn để trong tình huống đối ứng của địa phương khó khăn" - đại biểu Hạ chỉ ra.

Bình luận về hình thức đầu tư, đại biểu Hạ thắc mắc việc dùng đầu tư công để triển khai các dự án. “Tôi chưa hiểu cơ sở pháp lý nào để nhà nước bỏ ngân sách nhà nước ra để đầu tư cơ sở hạ tầng công cộng rồi thu phí, hoàn lại tiền của đầu tư công. Tiền thuế của nhân dân phục vụ cho nhân dân, cuối cùng chúng ta lại thu để đưa vào thì không hiểu cơ chế nào?” - ông Hạ đặt vấn đề.

Đối với cơ chế chỉ định thầu, cho rằng “xin thì Quốc hội đồng ý thôi”, nhưng đại biểu Hạ cho rằng cần rút kinh nghiệm khi chỉ định thầu tạo ra những kẽ hở, tạo ra cơ chế xin - cho, tính minh bạch, công khai, tính tuân thủ pháp luật…

“Chúng ta lúc nào cũng khẳng định hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao cứ phải xin cơ chế?” – đại biểu Hạ thắc mắc, đồng thời cảnh báo, nếu làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy, mất cán bộ sau này.

“Trong quá trình triển khai ta làm thật tốt, thật kỹ để tránh chuyện sau này chúng ta lại tiếp tục phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế” – ông Hạ yêu cầu.

Bình luận (0)

Lên đầu trang