(CAO) Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ: Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về UNCLOS 1982 và các quy định của ICAO...
Chiều 9/6, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về thông tin máy bay Australia bị tiêm kích Trung Quốc quấy rối trong không phận thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: Việt Nam cho rằng hoạt động của tất cả các nước cần phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và các quy định của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), không làm gia tăng căng thẳng khu vực, đóng góp thiết thực vào duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, trật tự, hợp tác và phát triển của khu vực và quốc tế.
“Một lần nữa, Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế,” Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo. (Ảnh: TTXVN)
Trong khuôn khổ họp báo, nêu quan điểm trước thông tin, giới chức phương Tây cho rằng căn cứ hải quân Ream của Campuchia vừa được khởi công vào ngày 8/6 vừa qua là dành cho quân đội Trung Quốc sử dụng nhằm tăng cường tầm ảnh hưởng trên biển của Trung Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, Người Phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn mong muốn duy trì và củng cố quan hệ hợp tác tốt đẹp với các quốc gia trên thế giới, đồng thời việc hợp tác giữa các quốc gia cần đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới”.
Cũng tại họp báo, đánh giá về quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) trong những năm gần đây và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết trong những năm qua, quan hệ giữa Việt Nam và Đặc khu hành chính Hong Kong tiếp tục ghi nhận các bước phát triển mạnh mẽ.
Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch là điểm sáng. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021, trao đổi thương mại Việt Nam và Hong Kong vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Hong Kong đạt 13,6 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2020.
Hong Kong hiện là nhà đầu tư lớn thứ năm tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hong Kong và là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong trong khối ASEAN. Giao lưu nhân dân đi lại giữa hai nước phát triển tốt trước đại dịch COVID-19. Mỗi ngày có khoảng 20 chuyến bay giữa Việt Nam và Hong Kong.
Cũng theo Người Phát ngôn, năm 2019, có hơn 5 vạn lượt khách Hong Kong đến Việt Nam; đây là một nguồn khách có chất lượng cao.
“Với tiềm năng hợp tác còn rất lớn giữa hai bên và cùng có nhu cầu mở cửa phục hồi sau đại dịch COVID-19, chúng tôi kỳ vọng, tin tưởng rằng hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong sẽ không ngừng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, du lịch, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên, đóng góp vào hợp tác và phát triển trong khu vực” - bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
(CAO) Hôm 5-6, Yahoo! News đưa tin một máy bay giám sát hàng hải của Úc đã bị một máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay chặn, trong hoạt động thường lệ của Úc trên không phận quốc tế vào tháng trước, Bộ Quốc phòng nước này xác nhận.