Cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế cơ bản hoàn thành

Thứ Năm, 09/06/2022 15:56

|

(CAO) Cùng với nhiều chính sách được ban hành, Chính phủ đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

Kết thúc phần trả lời chất vấn của Thống đốc NHNN và 3 Bộ trưởng, chiều nay (9/6), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã trả lời trực tiếp các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu trước phiên trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng đã báo cáo khái quát tình hình kinh tế - xã hội. Theo đó, dịch COVID-19 tiếp tục được kiểm soát tốt trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển KTXH.

Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Quốc hội

Kinh tế vĩ mô, theo Phó Thủ tướng, tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; khu vực dịch vụ phục hồi nhanh…

5 trọng tâm  xây dựng, hoàn thiện thể chế:
- Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu.
- Tăng cường rà soát, tháo gỡ vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển KTXH và việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội.
- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xây dựng, trình các dự án luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành.
- Quan tâm đầu tư nguồn lực.
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác thể chế.

“Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá, dự báo tích cực hơn về kinh tế Việt Nam, trong đó: chỉ số phục hồi COVID-19 tăng 48 bậc, lên vị trí thứ 14; xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+, triển vọng “Ổn định”; chỉ số Chính phủ tốt năm 2022 tăng 4 bậc..." - Phó Thủ tướng thông tin.

Cùng với đó, các hoạt động chăm lo đối tượng chính sách, người nghèo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được triển khai tích cực, hiệu quả; an sinh xã hội được bảo đảm.

Các lĩnh vực môi trường, cải cách hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh; một số công việc tồn đọng nhiều năm như tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án thua lỗ kéo dài từng bước được xử lý; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực…

Đề cập đến Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Phó Thủ tướng cho hay, đến nay, Chính phủ đã ban hành 6 Nghị định để thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất, chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 3 Quyết định về hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động, cho vay học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Đã thông báo tổng mức vốn 149.201 tỷ đồng, danh mục và mức vốn dự kiến cho 113 nhiệm vụ, dự án cụ thể.

“Cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình đã cơ bản hoàn thành” – Phó Thủ tướng nêu rõ.

Liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, Phó Thủ tướng nhìn nhận đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, do đó vừa phải thúc đẩy kịp thời tiến độ, vừa phải tính toán kỹ lưỡng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, nhất là trong yêu cầu phục hồi nhanh, phát triển bền vững KTXH” - Phó Thủ tướng nói và cho biết Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công tác giải ngân vốn đầu tư công.

Đến ngày 31/5/2022, theo Phó Thủ tướng, đã giải ngân 22,37% kế hoạch (trong đó, vốn trong nước đạt 23,53%; vốn ODA đạt 6,26%).

“Tuy nhiên, đúng như ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm; 41/51 bộ, ngành, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%” – Phó Thủ tướng thừa nhận.

Về công tác quy hoạch, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ đã nỗ lực, tập trung cao trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. Tuy nhiên, tiến độ lập quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương vẫn còn chậm so với yêu cầu do quá trình tổ chức thực hiện còn nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết giám sát chuyên đề của Quốc hội (sau khi được Quốc hội thông qua) và tiếp tục đôn đốc các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch; hoàn thành quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành, hạ tầng quan trọng trong năm 2022; phấn đấu hoàn thành các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch ngành quốc gia trong năm 2023.

”Các vị đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ cho 10 năm vừa qua ta chỉ làm được 31 quy hoạch, còn 104 quy hoạch nữa phải hoàn thành trong thời gian tới, bảo đảm chất lượng” – Phó Thủ tướng bày tỏ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang