Mở tuyến cao tốc liên vùng, liên vận quốc tế, tạo đột phá cho ĐBSCL

Thứ Năm, 09/06/2022 13:31

|

(CAO) Sự mất cân bằng trong đầu tư cao tốc tiếp tục được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn “Tư lệnh” ngành GTVT sáng nay (9/6).

Đề cập đến việc đầu tư xây dựng cao tốc thời gian qua, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) phản ánh về sự phân bổ không đồng đều các tuyến cao tốc giữa các vùng, miền. Cho rằng tình hình trên đã kéo dài hàng chục năm qua, đại biểu của TPHCM yêu cầu Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

“Việc đầu tư cho hạ tầng giao thông tiêu tốn nguồn lực rất lớn và tác động trực tiếp vào hiệu quả của nền kinh tế cũng đời sống nhân dân, phân bổ hợp lý thì thúc đẩy, không hợp lý thì cản trở phát triển và lãng phí rất lớn” – đại biểu Nghĩa lưu ý.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định “Trung ương cũng nhận thấy sự bất cập về hệ thống đường cao tốc, những đường trọng điểm quốc gia ở các vùng, miền”.

Ông Thể thông tin, dù năm 2020 rất nhiều khó khăn nhưng ngành GTVT đã dành thời gian, công sức để điều chỉnh quy hoạch, trên cơ sở đó xây dựng một số phương án căn cứ vào những con đường mang tính chiến lược, đột phá.

“Sau khi quy hoạch được phê duyệt, Chính phủ cũng đã chỉ đạo xây dựng một Đề án thực hiện 5.000km, trong đó đảm bảo cân đối đường cao tốc giữa các vùng, miền, đặc biệt là khai thác tiềm năng, thế mạnh của những vùng hiện nay cũng như những vùng tiềm năng” – ông Thể thông tin.

Dẫn chứng đường vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TPHCM, Bộ trưởng Thể nhận định, đây là những tuyến đường tạo không gian phát triển mới cho các đô thị lớn, đặc biệt là các trung tâm kinh tế lớn, do đó “quyết tâm đầu tư, mà là đầu tư công để hoàn thành được”.

Với vùng ĐBSCL, khu vực vẫn được phản ánh có hệ thống đường cao tốc rất yếu kém, Bộ trưởng cho biết đã tham mưu để xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Trần Đề nhằm kết nối cảng mới Trần Đề, cửa ngõ cho ĐBSCL.

Còn Châu Đốc, theo Bộ trưởng Thể, là kết nối vào Tịnh Biên (An Giang), với tuyến đường đi khoảng tới thủ đô Phnom Pênh, Campuchia. “Như thế chúng ta sẽ có tuyến giao thông liên vùng, liên vận quốc tế kết nối xuống cảng để đột phá vùng ĐBSCL” – ông Thể phân tích.

Đối với dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bộ trưởng khẳng định, tuyến này “cứu cánh” cho cả vùng Đông Nam Bộ. “Không có tuyến cao tốc này, sắp tới hàng hóa không xuống được Cái Mép - Thị Vải” – ông Thể nhìn nhận.

Về Tây Nguyên, Bộ trưởng chỉ ra tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột xuống Nam Vân Phong sẽ giúp toàn bộ các tỉnh Tây Nguyên có thể kết nối xuống biển. “Có thể nói, khi xong con đường này thì Buôn Ma Thuột cũng có thể hình thành các khu, cụm công nghiệp” – ông Thể diễn giải.

"Những người làm công tác giao thông rất mừng vì nhiệm kỳ này Quốc hội, Chính phủ ủng hộ lớn cho các dự án trọng điểm quốc gia" - Bộ trưởng Thể bày tỏ và hy vọng với tổng thể kế hoạch phát triển các tuyến đường cao tốc hiện nay, sau nhiệm kỳ này sẽ khắc phục được sự mất cân đối đường cao tốc giữa các vùng miền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang