(CAO) Chiều ngày 17-5, Bà Thân Thị Thư, Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ chủ trì cuộc họp báo thông tin về hiện tượng cá chết hàng loạt tại kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Trước đó, sáng cùng ngày, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ đường Lê Bình (Q.Tân Bình) đến cầu Thị Nghè (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt. Hàng vạn con cá rô phi, cá chép... chết nổi lềnh bềnh, bốc mùi.
Đến 17 giờ chiều nay, cơ quan chức năng vớt được hơn 14 tấn cá chết. Số cá này được đưa bãi rác Đa Phước xử lý đúng quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.
Nhận được thông tin, Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản TP.HCM nhanh chóng cử cán bộ lấy mẫu nước phân tích chỉ tiêu lý hoá.
Căn cứ trên kết quả, một số chỉ tiêu về độ mặn, độ kiềm nằm trong ngưỡng cho phép, không ảnh hưởng gây cá chết. Ông Trần Văn Sơn, Phó chi Cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cho biết: “Một trong những nguyên nhân dẫn đến cá chết là do cơn mưa lớn đầu mùa cuốn theo nhiều rác sinh hoạt xuống kênh làm chuyển hoá hoá học, sinh độc tố dẫn đến cá chết”.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM cho biết về lâu dài, tăng cường xử lý nước để giảm độ bùn, tăng ôxy. Sau khi xử lý, tiếp tục lấy mẫu để tiếp tục xét nghiệm, từ đó rút kinh nghiệm đánh giá.
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thông khuyến cáo người dân không nên vớt cá ăn hoặc cho gia súc ăn. Hiện đang vào mùa Phật đản, tuy nhiên, độ nước chưa ổn định, người dân không nên phóng sinh cá. Người dân cần chọn loại cá khoẻ mạnh để phóng sinh, chứ không nên thả cá tuỳ tiện.
Trước mắt, giải pháp tạm thời là thả hoá chất và chế phẩm sinh học xuống kênh để lọc nước, tăng cường xử lý nước để giảm độ bùn, tăng ôxy. Về lâu dài, các ban ngành cần phối hợp chặt chẽ để đưa ra những giải pháp đồng bộ, không để tình trạng tương tự xảy ra.
Trả lời câu hỏi thành Phố có nhiều kênh rạch, tại sao chỉ có cá ở kênh Nhiêu Lộc, Thị nghè chết, ông Nguyễn Phước Trung cho biết do các kênh khác như: Tàu hủ, Kênh đôi - kênh tẻ… thông ra sông Sài Gòn nên lượng nước nhiễm độc sau cơn mưa được giải phóng; trong khi đó Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì không, nên lượng nước độc tồn đọng, gây chết cá.
Ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở NN&PTNT phát biểu tại cuộc họp báo.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc sở TNMT cho biết theo nhận định cá rô phi là cá yếu nên chết nhiều so với các loại khác. Sở tài nguyên môi trường đã huy động trên 16 phương tiện, gồm các ca-nô, tàu để vớt cá. Đến 17 giờ chiều nay, đã vớt được hơn 14 tấn, xử lý đúng quy định, quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ông Thắng cũng cho biết sẽ tăng cường phương tiện của các công ty công ích và đơn vị khác cho đến khi hết cá chết.