TPHCM: Đề xuất mở lại một số chợ truyền thống chỉ bán thực phẩm

Thứ Sáu, 16/07/2021 21:25

|

(CAO) Sở Công Thương TPHCM đã đề xuất với UBND TP phương án kiểm tra và mở lại một số chợ truyền thống chỉ bán mặt hàng thực phẩm theo nguyên tắc chợ an toàn.

Chiều 16/7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Sở Thông tin – Truyền thông phối hợp tổ chức họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP. Chủ trì buổi họp báo có các đồng chí: Lê Văn Minh, Thành ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Từ Lương, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông TP. 

Các đại biểu tham dự buổi họp báo

Đầy đủ oxy cung ứng cho nhu cầu điều trị

Trao đổi với các cơ quan báo chí, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Hoài Nam cho biết, từ khi TP thực hiện Chỉ thị 16, hệ thống y tế tiến hành truy vết F0 diện rộng. Với phương án tầm soát trên diện rộng nên số ca bệnh phát hiện tăng. Tuy nhiên nếu người dân thực hiện tốt việc giãn cách, trong thời gian tới, TP có nhận định sẽ khống chế dịch bệnh và số ca có xu hướng sẽ giảm.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, số ca bệnh tăng nhanh đồng thời số ca tử vong cũng có xu hướng gia tăng do chủng virus Delta biến chứng nhanh. Theo thống kê, tử vong ở TPHCM dưới 0,75%, thấp hơn thế giới 2%. Đa số các trường hợp tử vong ở bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền, vài trường hợp tử vong ở nhóm tuổi trẻ hơn nhưng cũng từ 50 - 60 tuổi. TP đang cố gắng kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân tỷ vong bằng cách thiết lập bệnh viện theo mô hình 4 tầng, trong đó tận dụng có cơ vật chất của Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 làm Bệnh viện Hồi sức Covid -19.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, Sở Y tế TP đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP ban hành công văn hướng dẫn cách ly F1 tại nhà, bên cạnh đó phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông triển khai ứng dụng khai báo giám sát cách ly tại nhà đối với trường hợp F1 đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Về công tác điều trị bệnh nhân Covid -19, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, TP nâng số giường bệnh lên 20.000 giường và đã xây dựng kịch bản nâng lên 50.0000 giường bệnh. Việc này sẽ khắc phục được tình trạng quá tải, chậm chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện điều trị. Cùng với nguồn nhân lực y tế của TP, TP cũng sử dụng nguồn nhân lực được tăng cường ở nhiều công việc khác nhau. Theo quyết định của Bộ Y tế, Bộ cũng đã huy động 10.000 nhân lực y tế hỗ trợ TP và TP tiếp nhận xấp xỉ gần 3.000 người.

Về nguồn oxy trong các bệnh viện dã chiến, Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam cho biết, đã làm việc đối với các đơn vị sản xuất oxy. Đối với các bệnh viện cũ hoạt động theo mô hình 50% phục vụ công tác điều trị, 50% phục vụ bệnh nhân Covid – 19 thì hầu như các bệnh viện đều đủ oxy. Đối với các bệnh viện dã chiến hiện nay có doanh nghiệp làm đặt 3 bồn oxy cao áp, mỗi bồn 10 tấn, sẽ lắp đặt tại các bệnh viện dã chiến, nhất khi vưc đông bệnh nhân như Bệnh viện Dã chiễn tại khu tái định cư ở TP Thủ Đức; Vĩnh Lộc, Bình Chánh. Việc cung ứng oxy đáp ứng được nhu cầu điều trị.

Xử phạt 4.295 trường hợp với số tiền 9.948 tỷ đồng

Liên quan đến việc cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, trong tình hình áp dụng Chỉ thị 16 khiến nguồn hàng thu mua gặp khó khăn. Sở Công thương TPHCM đã liên hệ với các tỉnh ở Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và khu vực phía Bắc để rà soát đơn vị có năng lực cung ứng tốt để kết nối với doanh nghiệp, cung ứng nguồn hàng cho TPHCM. Sở Công thương cũng đề xuất Chính phủ cần có chỉ đạo để các địa phương cùng thống nhất thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi làm mỗi kiểu. Hiện nay, cần ưu tiên cho hoạt động sản xuất, thu hoạch, thu mua, sơ chế, chế biến để đáp ứng đủ lượng hàng hoá thiết yếu.

Trao đổi trước thông tin TP hiện thiếu 1.000 tấn lương thực, thực phẩm, đồng chí Nguyễn Nguyên Phương cho biết, nguyên nhân không phải thiếu nguồn cung mà thiếu hệ thống phân phối khi 3 chợ đầu mối tạm ngưng hoạt động, các thương lái hầu hết ngừng kinh doanh do không có đầu ra. Sở đã đề xuất với UBND TP phương án kiểm tra và mở lại một số chợ truyền thống chỉ bán mặt hàng thực phẩm theo nguyên tắc chợ an toàn. Nếu các chợ được hoạt động trở lại, Sở tin rằng thương lái sẽ quay lại giao dịch, đưa hàng hóa về.

Để tăng hệ thống phân phối, trước mắt, Sở Công thương đã huy động các hệ thống phân phối khác vào cuộc như Viettel post (34 điểm), VN post (20 điểm), các chuỗi trước đây cung ứng hàng công nghiệp, thời trang nay cũng tham gia cung ứng nhu yếu phẩm, đồng thời tổ chức hơn 100 điểm bán hàng lưu động, giải quyết phần nào nhu cầu trước mắt của người dân.

Thông tin về việc xử phát hành chính vi phạm phòng chống dịch sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tường Chính phủ trên địa bàn TP, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông Từ Lương cho biết, UBND các cấp của 21 quận huyện và TP Thủ Đức đã thực hiện kiểm tra 35.050 cuộc, xử phạt 4.295 trường hợp với số tiền 9.948 tỷ đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang