Không có trường hợp ngoại lệ trong di dời giải tỏa

Thứ Sáu, 15/07/2016 09:23

|

(CATP) Trước việc một số trường hợp nhà dân, cơ sở thờ tự nằm trong quy hoạch Khu đô thị (KĐT) mới Thủ Thiêm (Q2) không hợp tác, không đồng ý với chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái bố trí và không đồng ý bàn giao mặt bằng để triển khai xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm, phóng viên Báo CATP đã phỏng vấn ông Trần Cảnh Phong - Phó trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q2 - xung quanh vấn đề này.

- Phóng viên: Xin ông cho biết kết quả thực hiện công tác bồi thường, giải tỏa và di dời, tạo quỹ đất sạch phục vụ việc xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm trên địa bàn Q2 đến thời điểm hiện nay?

Ông Trần Cảnh Phong:

Lũy kế đến nay, UBND Q2 đã chi bồi thường, hỗ trợ được 14.347/14.352 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,97%). Hiện vẫn còn 99 hồ sơ chưa thu hồi mặt bằng, với diện tích khoảng 7,393 héc-ta, trong đó có 95 hồ sơ nhà đất và 4 hồ sơ cơ sở tôn giáo.

Lấy mốc là Quyết định số 135/2002/QĐ-UB ngày 21-11-2002 của UBND TP về việc ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại và tái định cư trong khu quy hoạch xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm và các khu phục vụ tái định cư tại Q2, đến nay đã gần 14 năm mà Thủ Thiêm vẫn chưa có 100% quỹ đất sạch. Việc chưa thu hồi được mặt bằng ảnh hưởng khá lớn đến tiến độ mời gọi đầu tư, xây dựng KĐT.

Tổ đình Đông Hưng (di dời từ nơi cũ tại P.An Khánh về địa điểm mới tại P.An Phú) khang trang, sạch đẹp, gần đường cao tốc, thuận lợi cho khách thập phương đến viếng, làm lễ

- Đối với những trường hợp chưa đồng ý di dời, phải chăng mức bồi thường chưa thỏa đáng?

Ông Trần Cảnh Phong:

Có thể nói trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng tại KĐT mới Thủ Thiêm, UBND TP đã vận dụng tối đa các quy định của Nhà nước để giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cư có lợi nhất cho người dân. Khi áp dụng chính sách theo nguyên tắc áp dụng pháp luật là bất hồi tố, nhưng ở KĐT mới Thủ Thiêm, việc sửa đổi, bổ sung chính sách đã được áp dụng cho toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng.

- Trường hợp cơ sở thờ tự chùa Liên Trì thì sao, thưa ông?

Ông Trần Cảnh Phong:

Chúng tôi đã tiến hành lập hồ sơ bồi thường tại cơ sở thờ tự chùa Liên Trì (số 153 Lương Định Của, tổ 32, KP2, P.An Khánh, Q2) do ông Phan Ngọc Ấn đang cai quản, sử dụng, làm đại diện. Cơ sở thờ tự này có diện tích 620,64m2, trong đó có diện tích 609,75m2 đủ điều kiện bồi thường và diện tích 10,89m2 chiếm dụng rạch không đủ điều kiện bồi thường, hỗ trợ. UBND Q2 đã tái bố trí cho cơ sở này một khu đất có diện tích 698,1m2 thuộc khu dân cư 50 héc-ta (P.Cát Lái, Q2) để làm cơ sở mới, diện tích được tái bố trí chênh lệch tăng so với diện tích tiêu chuẩn là 88,35m2; đồng thời bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền là 784.131.120 đồng.

Ngoài số tiền bồi thường nêu trên, nếu cơ sở thờ tự chùa Liên Trì đồng thuận chính sách thì Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM sẽ hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/m2 đối với phần công trình xây dựng chính (diện tích 414,32m2) với số tiền là 1.657.280.000 đồng, nâng tổng số tiền cơ sở nhận được lên 2.441.411.120 đồng.

Từ năm 2009 đến nay, Tổ công tác của TP, Q2 và P.An Khánh đã phối hợp với Ban Trị sự Thành hội Phật giáo TPHCM nhiều lần tiếp xúc, hiệp thương với ông Ấn, nhưng ông Ấn cố tình trì hoãn, đề nghị được lưu giữ lại chùa Liên Trì. Trong quá trình tiếp xúc, hiệp thương, Ủy ban MTTQ Việt Nam Q2 cùng các ban ngành, đoàn thể đã trao đổi thông tin rất cặn kẽ, thuyết phục, vận động ông Ấn, đồng thời cam kết hỗ trợ, đảm bảo cho cơ sở thờ tự chùa Liên Trì có thể xây dựng lại nơi thờ tự mới khang trang hơn phục vụ sinh hoạt tôn giáo. Tuy nhiên, đến nay đại diện cơ sở vẫn không đồng ý.

Việc lưu giữ chùa Liên Trì theo đề nghị của ông Ấn là hoàn toàn không thể chấp nhận, vì lý do sẽ phá vỡ quy hoạch tổng thể KĐT mới Thủ Thiêm. Mặt khác, xây dựng KĐT mới Thủ Thiêm là một chủ trương rất lớn về chiến lược phát triển của thành phố, không thể có trường hợp ngoại lệ, làm ảnh hưởng đến lợi ích chung của thành phố và đất nước.

Tịnh xá Ngọc Thanh (di dời từ P.An Lợi Đông về địa điểm mới tại P.Bình Trưng Đông) trong khu dân cư mới, khang trang

- Các cơ sở tôn giáo khác đã đồng ý di dời, điều kiện hiện nay của các cơ sở đó ra sao?

Ông Trần Cảnh Phong:

Trong KĐT mới Thủ Thiêm có 22 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng dân gian đã chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước, di dời, bàn giao mặt bằng. Trong đó có 10 chùa được tái bố trí tại các phường khác trên địa bàn Q2, đã xây dựng mới khang trang, sinh hoạt ổn định, tham gia tích cực vào xây dựng địa phương và cộng đồng. Tất cả các cơ sở này đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Xin cảm ơn ông!

Bình luận (0)

Lên đầu trang