Ngày 15-9, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TPHCM có tờ trình gửi UBNDTP phương án hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch Covid-19 sau ngày 15-9, với mức dự kiến 1 triệu đồng/người/lần.
Từ đầu mùa dịch đến nay, TPHCM đã có 2 đợt hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch. Tại cuộc họp giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM với đại diện 4 quận, huyện và sở, ngành về chính sách hỗ trợ người dân, người lao động (NLĐ) gặp khó khăn do dịch Covid-19, sáng 17-9, ông Cao Thanh Bình - Trưởng ban Văn hóa xã hội HĐND TPHCM - cho biết, trong đợt 1 các địa phương thực hiện rất tốt, chi gần như hết gói hỗ trợ. Tuy nhiên, ở gói hỗ trợ đợt 2 cho NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 09/2021/NQ-HĐND của HĐNDTP thì vẫn còn sót nhiều.
Tại Q.Bình Tân, tính đến ngày 14-9 đã hỗ trợ 75.771/78.157 trường hợp, 2.486 trường hợp còn lại chưa được chi. Huyện Hóc Môn sót 19.565 trường hợp, chưa chi 634 trường hợp. Quận 8 còn hơn 5,4% chưa chi, rà soát đợt 1 còn sót 22.390 trường hợp. Quận Gò Vấp cũng tương tự, sau khi rà soát xong còn sót 10.000 trường hợp.
Đại diện UBND P8Q.Gò Vấp nêu một thực tế trong công tác chi hỗ trợ ở địa phương: "Có hộ 2 người, hộ 7-8 người vẫn nhận 1,5 triệu đồng/hộ (hoặc 1,2 triệu đồng và phần quà quy ra tiền là 300.000 đồng), trong khi lao động tự do thuộc 6 ngành nghề lại chi theo cá nhân, được nhận 3 triệu đồng cho 2 đợt, dẫn đến sự so bì”.
Bí thư Quận ủy quận 1, bà Trần Thị Kim Yến cho rằng sai sót trong quá trình hỗ trợ vừa qua là khó tránh khỏi. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người lập danh sách ban đầu là các tổ trưởng dân phố đã có tuổi, dễ lây nhiễm bệnh nên có những hạn chế nhất định. Theo bà Yến, các đợt hỗ trợ được thực hiện khá nhanh, các gói chồng lên nhau khiến nhiều người không hiểu dẫn đến so bì.
Sau khi nghe báo cáo, bà Văn Thị Bạch Tuyết - Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM - cho rằng, nhiều quận huyện vì nhiều lý do, công tác chi hỗ trợ làm chậm hơn so với kế hoạch. Bà Tuyết đề nghị trong đợt 3, các địa phương phải rút kinh nghiệm, đặc biệt làm tốt công tác xác minh để không bỏ sót đối tượng.
Tình hình đó đúng như đánh giá của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi tại buổi họp báo chiều 13-9, có nhiều nguyên nhân, ngoài nguyên nhân khách quan thì chủ quan vẫn là thống kê của cơ sở chưa chính xác, bỏ sót đối tượng được hưởng. Ông Mãi cho biết, trong đợt 1 và 2, TPHCM đã cấp gần 6.500 tỉ đồng, trong đó có kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 1.400 tỉ đồng, còn lại từ ngân sách.
Nguyên nhân, theo ông Mãi là do thành phố (TP) giãn cách quá lâu nên đối tượng khó khăn tăng thêm, các cấp chính quyền khi rà soát thống kê chưa đầy đủ. "Đây là khuyết điểm của chúng tôi và xin nhận với bà con" - ông nói - "Để khắc phục, TP đã cập nhật thêm danh sách và tính toán gói hỗ trợ mới, sẽ tiếp tục bổ sung đảm bảo cho bà con được hỗ trợ".
Trao tiền hỗ trợ người dân gặp khó khăn ở TPHCM
Ngày 10-9, trong cuộc họp giao ban trực tuyến với lãnh đạo các đơn vị, quận huyện và TP.Thủ Đức (TPHCM) về tình hình thực hiện gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2, ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM - yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn khẩn trương hoàn tất chi hỗ trợ đợt 2; đồng thời rà soát, cập nhật dữ liệu, hoàn chỉnh danh sách đã thực chi gửi về UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức tổng hợp báo cáo gửi Sở LĐ-TB&XH TPHCM để cập nhật số liệu.
Ông Võ Văn Hoan cũng định hướng công tác hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong đợt 3. Theo đó, thống nhất 2 diện đối tượng được hỗ trợ, gồm: NLĐ bị mất việc, không có thu nhập, gặp khó khăn (không phân biệt người có hộ khẩu thường trú, tạm trú, lưu trú) đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn; người già, trẻ em là cha, mẹ, vợ, chồng, con (ở nhà nội trợ hoặc không có khả năng làm việc, sống phụ thuộc) của NLĐ bị mất việc đang có mặt trên địa bàn phường, xã, thị trấn tại thời điểm khảo sát, lập danh sách. Việc lập danh sách số người cụ thể được nhận tiền hỗ trợ trên cơ sở danh sách thực chi đợt 2 và bổ sung đối tượng theo tiêu chuẩn diện định hướng hỗ trợ trên.
Theo thống kê sơ bộ từ TP. Thủ Đức và các quận huyện, toàn TP có khoảng 2 triệu hộ dân với 7,1 triệu người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, TP cũng có khoảng 450.000 người đang lưu trú bị mất việc làm, thu nhập không có, đang gặp khó khăn cần được hỗ trợ. Tổng số người cần hỗ trợ là hơn 7,5 triệu người, với dự toán khoảng 7.546 tỉ đồng hoặc có thể cao hơn. Mức hỗ trợ dự kiến 1 triệu đồng/người/lần, chi trực tiếp bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản khi có yêu cầu.
Để đảm bảo việc chi hỗ trợ chặt chẽ, không bỏ sót, không trùng lắp, không để lợi dụng chính sách cho mục đích cá nhân, ông Võ Văn Hoan yêu cầu với các trường hợp thuộc diện thường trú, tạm trú, UBND phường, xã, thị trấn sẽ phối hợp cảnh sát khu vực đối chiếu hồ sơ nhân hộ khẩu hiện có, tổ chức kiểm tra, rà soát và hoàn thiện danh sách hỗ trợ. Đối với các trường hợp lưu trú tạm thời, mỗi phường, xã lập tổ công tác đến từng khu vực nhà trọ, khu lưu trú công nhân, sinh viên, học sinh, xóm nghèo... rà soát, đối chiếu từ danh sách đã đăng ký để xác lập danh sách chi tiết từng trường hợp.
Theo ghi nhận từ người dân, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về các gói hỗ trợ, thậm chí nhiều đơn thư gửi các cấp lãnh đạo, báo chí phản ánh những bất cập trong việc chi trả các gói hỗ trợ. Nguyên nhân chủ yếu là từ chính quyền cơ sở làm thiếu công bằng, thiếu sự công khai, minh bạch. Giãn cách kéo dài, rất nhiều hộ, nhiều người lâm hoàn cảnh khó khăn nhưng họ chỉ yêu cầu sự công bằng, công khai, minh bạch ngay từ tổ dân phố, khu phố đến phường, xã để người dân biết, hiểu rõ chính sách, đối tượng được hưởng. Người dân không lo thiếu nhưng họ sợ không công bằng.
Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội giám sát đề nghị, rút kinh nghiệm việc chi trả 2 gói hỗ trợ trước, đợt 3 phải làm chậm lại một chút để các địa phương kịp triển khai, lập danh sách người thụ hưởng một cách công khai, minh bạch, đảm bảo không sót lọt, sai đối tượng, gây tâm lý bất bình cho người dân...