Kiềm chế được lạm phát thì việc tăng lương mới có ý nghĩa

Thứ Tư, 03/07/2024 18:12

|

(CATP) Từ ngày 01/7, mức lương tăng cao nhất từ trước tới nay. Để việc tăng lương có ý nghĩa, phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng các mặt hàng thiết yếu tăng giá theo kiểu "té nước theo mưa". Lo nhất là điện và xăng dầu tăng giá làm hàng hóa tăng theo...

Tăng lương cao nhất từ trước tới nay

Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa 15 đồng ý cải cách tiền lương (CCTL) với phương án tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng, từ ngày 01/7/2024. Theo đó, tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995 nếu sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng được điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người có mức hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng được điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng. Trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7%, từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng; lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ ngày 01/7.

Do mới chỉ thực hiện 4/6 nội dung CCTL theo Nghị quyết số 27, trong đó chưa thực hiện 9 loại phụ cấp mới nên Quốc hội đồng ý giữ nguyên phụ cấp hiện hành như phụ cấp chức vụ lãnh đạo, kiêm nhiệm, thâm niên vượt khung, trách nhiệm theo nghề.

Như vậy, từ ngày 01/7, tiền lương cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) vẫn được tính trên nền lương cơ sở nhân hệ số hiện hưởng tùy từng nhóm khác nhau. Phụ cấp được tính căn cứ trên nền 2,34 triệu đồng nhân hệ số được hưởng. Các khoản phụ cấp tính theo % lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ, thâm niên vượt khung (nếu có) được tính bằng tổng lương cơ sở cộng mức phụ cấp đó nhân với tỷ lệ % được hưởng. Ngoài ra, quỹ tiền thưởng của khu vực công cũng được bổ sung bằng 10% quỹ lương cơ bản, giúp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thêm cơ chế, chính sách kịp thời khích lệ đội ngũ CBCCVC có nhiều đóng góp trong thực thi nhiệm vụ.

Với đợt điều chỉnh tiền lương tăng cao nhất từ trước tới nay, cần cảnh giác tâm lý "té nước theo mưa", đẩy giá hàng hóa tăng theo

Về việc lương hưu vì sao chỉ tăng có 15%? Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, tại cuộc họp báo sau kỳ họp Quốc hội, vấn đề này được các cụ hưu trí hỏi rất nhiều. Thời gian qua, mức lương hưu liên tục được nâng lên, trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tăng trưởng kinh tế. Dù lương hưu tăng 15% nhưng thực tế nếu cộng dồn các năm qua khi liên tục nâng theo chỉ số CPI thì cao hơn 30% so với CBCCVC. Ông Phong thông tin thêm, theo tính toán của Ban chỉ đạo CCTL, với số lần tăng lương hưu thời gian qua thì lương hưu chỉ tăng 11,5% sẽ ngang bằng với 30% của CBCCVC. Tuy nhiên, xác định người hưởng lương hưu khó khăn và năm nay, khi tăng lương, giá cả sẽ tăng theo, nên Ban chỉ đạo CCTL đã cân nhắc rất nhiều và xác định chuyển từ 11,5% lên 15%. Ông Phong cho rằng mức tăng lương hưu như vậy là hết sức nhân văn. Tính chung, đây là đợt tăng lương, tăng các mức trợ cấp xã hội cao nhất từ trước tới nay.

Để có kết quả 4/6 nội dung CCTL được thực hiện sau 3 lần lùi thời gian, Ban chỉ đạo CCTL đã họp 24 - 25 cuộc nhưng vẫn còn còn 2 nội dung vẫn chưa thực hiện. Theo ông Phong, quá trình CCTL kéo dài nhưng xác định vị trí việc làm chưa đồng bộ, chưa thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương mặc dù chung lĩnh vực. Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát tổng thể các bảng lương, vị trí việc làm để có tính toán cụ thể, xác định 9 nhóm phụ cấp.

Nỗ lực kiềm chế lạm phát

Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, lạm phát (CPI) bình quân quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lạm phát tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Trong khi đó mục tiêu Chính phủ đề ra năm 2024 phải kiểm soát lạm phát ở mức từ 4 - 4,5%. Như vậy, từ nay đến cuối năm, các cơ quan chức năng phải tính toán kiềm chế mức lạm phát chỉ trên dưới 1%. Đây là một thách thức rất lớn.

Nguyên nhân CPI 6 tháng đầu năm nay tăng là do một số nhóm mặt hàng tăng. Như chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,34 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 5,51% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,04 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,58% do trong năm học 2023 - 2024 một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương tăng mức học phí, làm CPI chung tăng 0,53 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 7%, tác động làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm do giá dịch vụ y tế được điều chỉnh theo Thông tư số 22/2023 của Bộ Y tế.

Bộ Tài chính cũng đã dự báo 3 kịch bản điều hành giá từ nay đến cuối năm. Ở kịch bản thấp, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 3,64% so với năm 2023. Kịch bản thứ hai, dự báo CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,05% so với năm 2023. Kịch bản dự báo mức cao nhất, CPI bình quân năm 2024 tăng khoảng 4,5% so với năm 2023. Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính cập nhật kịch bản CPI bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,64 - 4,5%.

Nỗ lực kiềm chế lạm phát dưới 5% trong năm 2024 Ảnh: TTXVN

Tương tự, Tổng cục Thống kê dự báo CPI bình quân trong khoảng 3,8% - 4,5% (3 kịch bản 3,8%, 4,2% và 4,5%).

Đó là dự báo nhưng hầu hết các tổ chức và chuyên gia đều nhận định, nhiều khả năng lạm phát năm 2024 sẽ cao hơn năm 2023, nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát và mục tiêu mà Quốc hội, Chính phủ đặt ra.

Lịch sử các lần tăng lương cho thấy giá cả đều tăng theo. Do đó, chỉ khi kiềm chế được lạm phát thì việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa, bảo đảm nâng cao đời sống của CBCCVC, người lao động và gia đình của họ.

Lo giá cả tăng theo

Bên cạnh tâm lý phấn khởi, háo hức khi được tăng lương thì đa phần người dân e ngại bởi giá bán của hầu hết các loại hàng hàng hóa cũng sẽ "nối gót" tăng theo, thậm chí tăng trước như một số lần điều chỉnh lương trước đây.

Dự báo được những biến động của thị trường, nhằm bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo các chuyên gia kinh tế, nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng mạnh từ nay đến cuối năm là xăng dầu, điện tăng giá. Đây là hai yếu tố đầu vào cho hầu hết các ngành sản xuất, nếu tăng giá có thể đẩy giá cả hầu hết các mặt hàng tăng lên, đặc biệt là hàng hóa và các dịch vụ thiết yếu.

Đợt tăng lương lần này ở mức cao nhất từ trước tới nay nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ, làm ảnh hưởng đến đại đa số người tiêu dùng. Do vậy các cơ quan chức năng đang tích cực thực hiện các giải pháp ngăn chặn việc tăng giá tiêu dùng bất hợp lý trong giai đoạn trước và sau khi tăng lương.

Thực tế trước thời điểm tăng lương, nhóm hàng thực phẩm như thịt heo, gạo, trứng, sữa, đồ công nghệ phẩm, hóa mỹ phẩm và các loại rau, củ, quả đã tăng giá từ 5-10% tùy theo từng sản phẩm. Đơn cử như giá thịt heo liên tục tăng theo tháng và đạt mức tăng khoảng 30% so với đầu năm 2024; giá trứng gia cầm cách đây nửa tháng khoảng 25-27 nghìn đồng/chục thì nay lên 30-32 nghìn đồng/chục; rau xanh tăng từ 1,5 đến 2 lần...

Thực ra giá cả đang lập một mặt bằng giá mới. Như giá gạo, hồi đầu tháng 6 có một đợt tăng mạnh, đặc biệt là gạo ST25, tăng khoảng 3.000 đồng/kg. Lúc đó thương lái ở Miền Tây chào giá lên tới 25.800 đồng/kg so với thời điểm đầu năm, tăng tới khoảng 3.000 đồng/kg. Khảo sát thị trường, người dân dễ thấy nhiều quán bún, phở, hủ tiếu... thời gian gần đây cũng âm thầm tăng giá, trong khi chất lượng giảm sút.

Giá điện tăng là có thể vì kỳ tăng gần nhất là tháng 11/2023. Nhiều lý do điều đó có thể xảy ra, vì trong năm 2023, EVN lỗ khoảng 17.000 tỷ đồng dù được điều chỉnh tăng giá điện 2 lần. Tính chung trong năm 2022 - 2023, tập đoàn này lỗ gần 38.000 tỷ đồng, chưa gồm khoản chênh lệch tỷ giá vẫn treo từ các năm trước (khoảng 14.000 tỷ đồng). Theo Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân quy định: "Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất", do vậy giá điện có thể tăng trong 6 tháng cuối năm nay. Đây là yếu tố sẽ đẩy giá cả nhiều mặt hàng tăng theo là tất yếu. Mặt khác, 6 tháng cuối năm, đặc biệt là Tết Ất Tỵ 2025, sức mua chắc chắn tăng, rất khó kiềm chế việc tăng giá.

Cùng với việc tăng lương phải kiểm soát được lạm phát, tránh tình trạng tăng giá các mặt hàng thiết yếu theo kiểu "té nước theo mưa" thì việc tăng lương mới có ý nghĩa thực sự. Do vậy cần phải có giải pháp để bình ổn giá, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Cần phải chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm nguồn cung hàng hóa, không để thiếu hàng, thúc đẩy sản xuất. Quan trọng nhất là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát kiểu domino và phải tăng cường thanh kiểm tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

GDP quý II/2024 tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ

Trình bày báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội do Tổng cục Thống kê tổ chức tại Hà Nội ngày 29/6, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết tính riêng trong quý II năm nay GDP tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 7,99% của quý II/2022 nếu xét trong 10 năm trở lại đây. Tính chung 6 tháng, GDP tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 nếu xét trong giai đoạn 2020 - 2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%. Khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%. Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,44%, khu vực dịch vụ chiếm 43,3%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,6%.

Bình luận (0)

Lên đầu trang