Điều gì đang diễn ra trên dự án đất vàng?

Kỳ 1: Hàng chục ngàn tỷ đồng bỏ phí

Thứ Hai, 11/05/2015 11:25  | 

|

(CATP) Hiện nay, tại TPHCM còn rất nhiều lô "đất vàng" dự án (DA) trị giá hàng trăm tỷ đồng bị "bỏ quên" một cách lãng phí. Những vị trí này một thời từng là đích đến của nhiều đại gia khi ai cũng tìm cách "xí phần".

Nhưng thay vì xây dựng các tòa cao ốc quy mô mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thì sau nhiều năm nhiều khu "đất vàng" chẳng thấy nên vóc nên hình mà lại mọc lên quán nhậu, kho chứa hàng, xưởng hàn xì, bãi giữ xe... nhếch nhác, tạm bợ trước sự bức xúc của dư luận.

Theo thiết kế, đây là những công trình tầm cỡ với vốn đầu tư từ hàng chục tới hàng trăm triệu USD, được cấp phép xây dựng khá lâu, có nơi đến 20 năm, nhưng tới nay hầu hết đều lặng lẽ "chết" hoặc thi công dở dang để rêu phong mọc đầy... 

"Vàng mắt" ngắm "đất vàng"

Dự án 2.000 tỷ đồng trên khu đất vàng 5.000m2 tại số 27B Nguyễn Đình Chiểu (phường Đa Kao, Q1) là một ví dụ về sự lãng phí khủng khiếp này. Từ năm 1994 Vietnam Airlines (VNA) được giao thực hiện DA khách sạn 5 sao tại đây, công trình triển khai ì ạch đến năm 1998 thì "trùm mền"!

Khu đất này sau đó tiếp tục trải qua các giai đoạn "đóng băng" khác xuất phát từ việc thiếu minh bạch của chủ đầu tư (CĐT), nhưng rồi VNA vẫn "chiếm giữ" mà không đầu tư tiếp, chỉ lách luật cho thuê làm bãi giữ xe, kinh doanh mặt bằng văn phòng, quán cà phê đến nay, bất chấp sự phản đối của dư luận.

Tọa lạc tại khu vực Lê Duẩn, Hai Bà Trưng (Q1), vị trí đắc địa của thành phố, dự án Lavenue Crown từng đình đám một thời với những lời giới thiệu  trên mây,  nhưng nhiều năm trôi qua nơi này vẫn lộn xộn dù nằm trước trụ sở UBND Q1.

DA này do liên danh giữa Công ty cổ phần Kinh Đô, Công ty TNHH Quản lý kinh doanh nhà TPHCM và Mayflower Investment góp vốn, dự kiến xây tòa cao ốc 36 tầng trên diện tích 4.900m2. Được biết công trình tạm hoãn do thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc. 

Quang cảnh dự án Royal Garden (Q.7) bỏ hoang - Ảnh: Khắc Lãm

Được cấp phép vào tháng 11-2007 với mức đầu tư 137 triệu USD, cao ốc SJC Tower cao 52 tầng nằm tiếp giáp 4 con đường Lê Thánh Tôn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Lê Lợi và Nguyễn Trung Trực (Q1) dự kiến khi hoàn thành sẽ trở thành trung tâm kinh doanh vàng bạc - đá quý lớn nhất nước.

Sau nhiều vướng mắc, năm 2010 cứ ngỡ công trình có thể khởi công khi mặt bằng đã được giải tỏa, nhưng đến nay vẫn "án binh bất động", hiện chỉ là bãi giữ xe trơ trọi giữa trung tâm thành phố, mà nguyên nhân là do thiếu vốn.

Khu đất 8.290m2 gồm số 1 Công trường Quốc tế, số 7 Phạm Ngọc Thạch và 86 Nguyễn Thị Minh Khai (P6Q3) được UBND thành phố cho phép Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Quảng trường quốc tế xây dựng khu phức hợp thương mại từ năm 2009. Tháng 3-2011, thành phố đã chấp thuận phương án xử lý không gian kiến trúc nhưng chẳng hiểu sao đến nay vẫn chưa thấy triển khai .

Đối diện nơi này, dự án cao ốc Pacific (43 - 45 Nguyễn Thị Minh Khai, Q1) được cấp phép xây dựng năm 2005 với quy mô 23 tầng, do Công ty Thái Bình Dương làm CĐT, cũng đang trở thành bãi xe, quán nhậu.

Tháng 10-2007 trong khi thi công tầng hầm đã làm sập trụ sở Viện Khoa học xã hội - nhân văn khu vực Nam bộ, sau một thời gian xử lý, năm 2010 công trình được cấp phép trở lại nhưng đến nay chưa thấy động tĩnh gì. Có thông tin DA đã được bán cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Thảo Loan... 

Không thể xử lý?

Theo khảo sát của chúng tôi, chỉ riêng khu  trung tâm thành phố đã có hơn chục DA "vàng" như vậy đang "treo" đất nhiều năm chưa triển khai hoặc thi công dở dang rồi bỏ đó.

UBND thành phố có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan tìm biện pháp xử lý, nhưng đến thời điểm này xem ra cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, để "đất vàng" tiếp tục phơi nắng mưa trong sự lãng phí không thể tính hết.

Luật sư Hoàng Cao Sang (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, pháp luật về đất đai quy định nếu DA đã được giao nhưng sau 12 tháng không sử dụng đất hoặc 24 tháng thi công không đúng tiến độ sẽ bị thu hồi. Nghị định 84 (2007) của Chính phủ cũng đề cập rất rõ trường hợp nào được gia hạn nên không có lý do gì không xử lý được.

"Quy định là vậy nhưng người thực thi pháp luật chưa nghiêm khiến tình trạng găm đất DA bỏ hoang diễn ra tràn lan. Nhiều chỗ cơ quan chức năng giao đất rồi coi như xong, nếu không ai kêu ca thì xem như phó mặc"- luật sư Sang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm nhưng chuyên gia kinh tế Châu Hoài Vũ - Công ty quản lý quỹ Saigon Asset Magenet (Mỹ) còn chỉ ra nguyên nhân trực tiếp là do chọn nhầm CĐT.

Theo ông Vũ : "Nhiều nhà đầu tư chỉ muốn lấy càng nhiều đất càng tốt để dự trữ mà không chịu trả lại. Hệ thống pháp luật khung đang khuyến khích đấu thầu DA, đấu giá quyền sử dụng đất nhưng cơ chế phổ biến hiện nay là giao đất cho nhà đầu tư đã được chỉ định. Việc xin DA rồi bỏ hoang giữ đất chờ thời như hiện nay cần phải có cơ quan chịu trách nhiệm". 

Khắc Lãm

Bình luận (0)

Lên đầu trang