Mua bán người có nguồn thu lợi bất chính cao thứ 3, sau ma túy và vũ khí

Thứ Năm, 30/07/2020 20:44

|

(CAO) "Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao thứ 3, sau tội phạm ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân phải chịu những tổn thất to lớn về tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị xã hội" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2020.

Nạn nhân mua bán người đa số phụ nữ và trẻ em

Sáng 30-7, tại TP.Vinh (Nghệ An), Bộ Công an đã phối hợp với Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người năm 2020.

Đến dự có đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 138, Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138, đồng chí Hà Thị Nga - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Về phía các tổ chức quốc tế có Ông Brett Dickson - Quyền trưởng đại diện Cơ quan Di cư liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen - Trưởng đại diện Thường trú chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam.

Các đại biểu ấn nút thể hiện cam kết phòng chống mua bán người

Phát biểu tại buổi lễ, bà Hà Thị Nga cho biết, hiện nay tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, tội phạm xuyên quốc gia. Các loại tội phạm bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng, có nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng. Về tội phạm mua bán người, trong 6 tháng đầu năm 2020, trên toàn quốc phát hiện 60 vụ, liên quan đến 85 đối tượng, lừa bán 90 nạn nhân (giảm 31,5% số vụ, tăng 40% số đối tượng và giảm 39,7% số nạn nhân so với cùng kỳ 2019). Nạn nhân của tội phạm mua bán người đa số là phụ nữ và trẻ em.

Theo đó, tội phạm mua bán người thường lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn, miền núi, biên giới, người dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, hoàn cảnh khó khăn rồi lừa bán qua biên giới. Ngoài ra, thủ đoạn tổ chức xuất cảnh trái phép để lao động thời vụ, sau đó lừa bán để cưỡng bức lao động, ép bán dâm, bán cho đàn ông mua làm vợ, thậm chí bán nội tạng cũng rất phổ biến. Bên cạnh đó, một số vụ án đối tượng phạm tội lại chính là nạn nhân bị lừa bán, có cả những vụ việc ra nước ngoài để bán con sau khi sinh; các vụ việc đưa người ra nước ngoài trái phép cũng đang diễn ra phức tạp.

Tỉnh Nghệ An được xác định là địa bàn trọng điểm của tội phạm mua bán người, đưa người di cư trái pháp luật và cũng là địa phương thực hiện thành công nhiều chuyên án đấu tranh với tệ nạn mua bán người. Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã vào cuộc mạnh mẽ và quyết liệt chung tay ngăn chặn nạn mua bán người. Theo thống kê, từ năm 2016 đến năm 2020, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, bắt giữ 67 vụ, 113 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người; phát hiện, xử lý 3 vụ, 6 đối tượng có hành vi liên quan đến mua bán bào thai. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, Công an tỉnh Nghệ An đã phát hiện, xử lý 8 vụ, 14 đối tượng mua bán người.

Lễ mít tinh là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng chống mua bán người cho hội viên, phụ nữ và nhân dân, góp phần tạo ra sự chuyển biến cơ bản về nhận thức và hành động trong toàn xã hội về phòng chống mua bán người, làm giảm các nguy cơ, tội phạm liên quan đến mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Các đại biểu đi bộ, diễu hành hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán ngư

Ông Brett Dickson - Quyền Trưởng đại diện cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam đã nhắc lại thảm kịch vụ 39 người Việt Nam chết trong thùng container tại Vương Quốc Anh. Quyền Trưởng đại diên cơ quan Di cư Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt nạn mua bán người tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

Ông Brett Dickson đề nghị chính phủ, các tổ chức quốc tế, toàn xã hội tiếp tục chung tay phòng chống mua bán người, tăng cường hỗ trợ các nạn nhân, đưa các đối tượng mua bán người ra trước pháp luật. Theo đó, ông hứa sẽ luôn sát cánh cùng Việt Nam để chấm dứt nạn mua bán người.

Tội phạm buôn người thu lợi bất chính chỉ đứng sau vũ khí và ma túy

Phát biểu tại lễ mít tinh, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, trước những diễn biến phức tạp của tội phạm mua bán người, trong những năm qua Đảng, Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp nhằm huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tệ nạn mua bán người. Các Bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã quán triệt, tổ chức triển khai nghiêm túc chương trình đồng thời tích cực tham gia các cơ chế quốc tế về phòng chống mua bán người qua đó góp phần tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm trên các phương tiện truyền thông đại chúng và tại cộng đồng.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại lễ mít tinh

Phó Thủ tướng đề nghị phải tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường hỗ trợ các gia đình khó khăn, các đối tượng có nguy cơ bị mua bán như giới thiệu, hỗ trợ việc làm. Các cơ qun chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật tăng cường tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra truy tố xét xử. Đặc biệt là mỗi người dân cần tự nâng cao tinh thần cách giác, trang bị đầy đủ các kỹ năng phòng tránh mua bán người, di cư an toàn. Phụ nữ, trẻ em gái cần thận trọng khi làm quen với các đối tượng trên mạng xã hội.

"Mua bán người là tội phạm có nguồn thu lợi bất chính cao thứ 3, sau tội phạm ma túy và mua bán vũ khí. Nạn nhân phải chịu những tổn thất to lớn về tâm, sinh lý. Hậu quả không dừng lại ở cá nhân, gia đình, mà còn ảnh hưởng đến xã hội, tiềm ẩn nguy cơ đối với an ninh chính trị xã hội" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Thay mặt chính phủ, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình gửi thông điệp: Việt Nam cam kết hết mình chung lưng cùng tuyến đầu, xóa bỏ nạn mua bán người, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang