Theo thông tin mới nhất, hiện đã có 7 người chết do mưa lũ. Trong đó, 2 người chết tại Hà Giang do sập nhà; 5 người chết tại Lai Châu do sạt lở đất, lũ cuốn trôi và sạt lở đất đá, hiện còn 8 người mất tích ở Lai Châu do lũ cuốn trôi (Than Uyên: 1 người, Tam Đường: 1 người, Nậm Nhùn: 1 người do lũ cuối trôi; Sìn Hồ: 5 người do sạt lở đất); bị thương là 5 người.
Sáng 25-6, trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, mưa lũ cũng đã khiến 2 người thiệt mạng là mẹ con chị Giàng Thị Mỷ (41 tuổi) và cháu Lò Thị Lầu (5 tuổi, con gái bà Mỷ, ở thôn Tùng Lùn, xã Lùng Tám), do lũ cuốn trôi.
Mưa lũ hoành hành tại hai tỉnh Lai Châu và Hà Giang
"Mưa lũ cũng khiến gần 40 hộ dân ở xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ đã bị cô lập hoàn toàn. Trong đó, có nhiều hộ dân phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình bị hư hại. Hầu hết diện tích hoa màu có nguy cơ mất trắng. Hiện nay, giao thông từ trung tâm TP.Hà Giang đi một số huyện cũng đang bị chia cắt. Sau trận mưa đêm qua, TP.Hà Giang bị úng cục bộ", ông Vinh nói.
Diễn biến mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, mưa lớn bất ngờ đã khiến 19 nhà, trong đó 1 nhà bị hư hỏng do sạt lở đất (xã Nậm Xé, huyện Văn Bàn), 18 nhà bị ngập nước từ 1-3 m ( xã Minh Lương, huyện Văn Bàn). Hàng chục hecta lúa và rau màu của người dân bị vùi lấp và ngập trong nước lũ. Quốc lộ 279 đoạn qua xã Nậm Xé bị sạt lở đất đá, gây ách tắc giao thông.
Nhiều công trình đường sá, nhà cửa, hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp tại các tình phía Bắc, tối 24-6, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng. Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
1. Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Mưa lũ khiến nhiều tuyến đường bị chia cắt.
2. Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
3. Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
4. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.
Hà Giang và Lai Châu đang phải gồng mình trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên.
5. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
6. Bộ Tài nguyên và môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
7. Các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Nước ngập ở nhiều nơi tại Hà Giang.
8. Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để các bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
9. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền.