Tổng Bí thư được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước:

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão: "Tôi tin sẽ có sự đồng tình cao"

Thứ Ba, 23/10/2018 07:57

|

(CAO) Trao đổi với PV Báo Công an TP.HCM về nhân sự Chủ tịch nước được trình Quốc hội bầu, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão tiếp tục khẳng định, việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch nước vào thời điểm này rất phù hợp và chín muồi.

Ông Vũ Mão nói: “Điều 4 Hiến pháp của chúng ta quy định Đảng lãnh đạo Nhà nước bằng pháp luật nên trong công việc, Đảng là người lãnh đạo mà người cao nhất của Đảng là Tổng Bí thư. Hiến pháp thì quy định Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, thống lĩnh lực lượng vũ trang, vậy nên thực ra nguyên thủ quốc gia là người cao nhất của đất nước.

Trong lịch sử Việt Nam, Bác Hồ vừa là Chủ tịch Đảng đồng thời là Chủ tịch nước, ở thời điểm đó rất phù hợp, quan hệ trong nước, quốc tế rất tốt. Tuy nhiên, khi Bác mất, năm 1969, do hoàn cảnh cụ thể, bối cảnh nhân sự cụ thể khi đó, kết hợp yêu cầu chính trị, đấu tranh thống nhất đất nước nên bác Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, Tổng Bí thư là bác Lê Duẩn.

Hoàn cảnh khi đó, việc này là phù hợp và nhân dân rất ủng hộ, hoan nghênh việc sắp xếp vậy. Đến giờ, đất nước đang khuyết vị trí Chủ tịch nước thì việc Tổng Bí thư được giới thiệu để bầu làm Chủ tịch nước là rất phù hợp. Về công việc, đó là sự kết hợp rất tốt, về quan hệ đối nội, đối ngoại đều thuận cả”.

Rất có lợi cho đất nước

Phóng viên: Có lo ngại nào về việc tập trung quyền lực quá lớn vào một cá nhân không, thưa ông?

Ông Vũ Mão: Tôi nghĩ bản chất của vấn đề không nằm ở chỗ đó mà nằm ở quy định về chức danh Tổng Bí thư.

Thời kỳ bác Lê Duẩn, không phải là Chủ tịch nước nhưng quyền to lắm, quyết định mọi vấn đề của đất nước. Nhưng trong hoà bình, trong ổn định để phát triển đất nước, nhất là nhà nước pháp quyền, do thể chế của ta khác các nước, ta chỉ có một Đảng, nếu không tỉnh táo, cảnh giác và các quy định của ta trong Điều lệ Đảng và quy định pháp luật không rõ ràng, đầy đủ thì dễ dẫn đến tập trung quyền lực, siêu quyền lực, độc quyền và độc tài. Đó là điều Đảng phải tỉnh táo, nhận biết và nếu điều đó đó xảy ra thì nhân dân ko hài lòng.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Như vậy, ở đây tôi vẫn có nguyện vọng rằng ta phải sửa đổi Điều lệ Đảng cho phù hợp với tình hình mới vì Điều lệ Đảng hiện tại ko quy định rõ Tổng Bí thư có bao nhiêu nhiệm vụ, quyền hạn; Bộ Chính trị, Ban Bí có bao nhiêu. Điều lệ Đảng chủ yếu chỉ nói Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương, Ban chấp hành TƯ họp lần thứ nhất bầu ra Bộ Chính trị và Tổng Bí thư trong tổng số uỷ viên Bộ Chính trị, bầu Ủy ban Kiểm tra. Trong khi đó, Hiến pháp quy định rất rõ Quốc hội có 14 nhiệm vụ, quyền hạn, Chủ tịch nước có 6 nhiệm vụ quyền hạn… rất rõ ràng.

Do đó, yếu tố quan trọng ở đây là cùng với kiểm soát quyền lực như đã đề ra tại Hội nghị TƯ thì cần làm thế nào để việc đó không phải là khẩu hiệu hô hào mà phải thực hiện bằng cơ chế, bằng quy định pháp luật. Một điều đáng mừng là vừa qua TƯ đã quyết đinh thành lập Tiểu ban nghiên cứu sửa đổi điều lệ Đảng, làm được như vậy thì mới hy vọng kiểm soát được quyền lực.

Điều 4 Hiến pháp cũng nói Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội thì cần có luật về sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng nhà nước pháp quyền để mọi việc rõ ràng, minh bạch, để thấy Đảng lãnh đạo như thế nào, chịu trách nhiệm như thế nào, chịu sự giám sát của nhân dân như thế nào. Rồi cũng cần rạch ròi hơn giữa sự lãnh đạo của Đảng với Quốc hội - cơ quan thực hiện quyền lực cao nhất của nhà nước.

- “Tập thể lãnh đạo” là một trong những nguyên tắc hoạt động của Đảng. Vậy theo ông, việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước có làm giảm vai trò của tập thể không?

- Nguyên tắc tập thể lãnh đạo phải đi liền với cá nhân phụ trách. Vì lâu nay chúng ta nhận thức không rõ, nói không rõ nên dẫn đến việc không ai chịu trách nhiệm cả. Vậy nên cần làm rõ tập thể là gì, cá nhân là gì. Nếu quy định cụ thể Tổng Bí thư có 12 nhiệm vụ, quyền hạn chẳng hạn thì Tổng Bí thư cứ thế làm thôi, làm vượt thì vi phạm điều lệ Đảng, làm không tròn là thiếu trách nhiệm.

Mỗi con người cần thường trực tư duy về nhà nước pháp quyền

- Như ông nói hiện đang là thời điểm chín muồi để Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước. Vậy ông có kỳ vọng gì với nhân sự cụ thể này?

- Việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là phù hợp, là chín muồi và tôi tin sẽ có sự đồng tình cao.

Còn tất nhiên, đó là phương án Ban chấp hành TƯ giới thiệu, còn ra Quốc hội bầu thì mỗi cơ quan bên Đảng, Quốc hội, Nhà nước khác nhau; việc thực thi chức trách nhiệm vụ cũng khác nhau nhưng ở một con người nếu có sự nhuần nhuyễn, hoà hợp với nhau thì rất có lợi cho dân, cho nước.

- Nhìn vào công việc trọng tâm hiện nay là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, ông thấy việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ có tác động thuận lợi như thế nào tới cuộc đấu tranh này?

- Tôi nghĩ là sẽ có thuận lợi.

Tổng Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng TƯ là tốt, thời gian qua làm đã có hiệu quả nhất định nhưng tôi vẫn có băn khoăn là tại sao không đưa ra Quốc hội để về mặt nhà nước, về mặt pháp luật, về mặt chính thống, Tổng Bí thư là Trưởng Ban chỉ đạo của cả Đảng và Nhà nước. Nếu ra một nghị quyết thống nhất như vậy có phải hay không, chứ nếu giờ chẻ ra mà phân tích, Tổng Bí thư không cẩn thận lại vượt quyền sang cả Nhà nước nữa. Rất nhiều vấn đề đề nghị về chính quyền, theo đó phải còn chờ. Vậy nên nếu bổ sung thêm cái đó thì thẩm quyền hoàn chỉnh hơn.

Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước, làm Trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thì quá tuyệt vời, nhưng vẫn nên trình ra Quốc hội để có một nghị quyết để đảm bảo hiệu lực.

- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua 2 nhiệm kỳ đảm nhiệm vị trí người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã để lại dấu ấn đậm nét nhất trên mặt trận chống tham nhũng. Vì thế có lo ngại khi ông làm thêm nhiệm vụ của Chủ tịch nước có thể làm phân tán, lơ là phần việc đang được đánh giá cao nhất này?

- Như tôi nói ở trên, nó sẽ càng tốt hơn lên. Ông Chủ tịch nước khi đó quyền lực là cao nhất, là Tổng tư lệnh chỉ đạo về quốc phòng an ninh thì ông ấy có quyền trên mọi lĩnh vực. Vấn đề là cần phân bổ thời gian hợp lý.

Nếu trước đây làm Tổng Bí thư chỉ tập trung cho công tác Đảng, giờ nếu đồng thời làm Chủ tịch nước thì ít nhất cũng phải dành 50% cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chức danh này. Cả 2 nhiệm vụ phải cân bằng nhau. Và tôi nghĩ sẽ có sự phân công, giao quyền phù hợp.

Thời Bác Hồ làm Chủ tịch Đảng, trong Đảng có Bí thư thứ nhất là chuyên trách công tác Đảng, có quyền quy định rõ. Còn Chủ tịch Đảng là chỉ đạo đường lối chiến lược, vĩ mô, bao quát. Khi đó, Chủ tịch nước chính là lãnh tụ quốc gia - tuyệt vời biết bao nhiêu. Vậy thì tới đây cũng cần tính tới vị trí Thường trực Ban Bí thư, phải tính toán cơ chế bộ máy chức năng nhiệm vụ cho phù hợp.

- Trở lại chuyện kiểm soát quyền lực, theo ông mỗi cá nhân có thể tự kiểm soát quyền lực của mình không? Để làm được điều này thì cá nhân đó cần những tố chất nào?

- Theo tôi, trước hết phải trông vào hệ thống cơ chế chính sách pháp luật vì mỗi cá nhân, như đạo Phật nói, bản tính là tham sân si, đều có ưu có khuyết, có ánh sáng và có bóng tối, có ban ngày và có ban đêm, nên bảo tự người ta tất cả, cũng phải cố gắng.

Vậy nên, trước hết là cần có cơ chế chính sách cụ thể, quy định được làm gì, không được làm gì; cần thiết phải có quy định Tổng Bí thư có bao nhiêu nhiệm vụ quyền hạn để trong Đảng và nhân dân đều giám sát được. Vì thế tôi mới nói cần trông trước hết vào cơ chế, chính sách pháp luật và xây dựng thói quen để thường trực trong mỗi con người tư duy về Nhà nước pháp quyền thì mới được.

Còn đương nhiên mỗi người ở một cương vị công tác thì phải phấn đấu, rèn luyện.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tổng Bí thư được giới thiệu để Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước

Ngay chiều ngày làm việc đầu tiên (22-10) của Kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIV, thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã trình Quốc hội nhân sự Chủ tịch nước.

Tờ trình nêu rõ, căn cứ Điều 74 Hiến pháp năm 2013, căn cứ Điều 8 luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, Điều 31 nội quy kỳ họp, điểm 4 Nghị quyết 34 của Hội nghị lần 8 Ban chấp hành TƯ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trân trọng giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Đại biểu QH khoá XIV, người đã được Ban chấp hành TƯ thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016 -2021.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được Ban chấp hành TƯ thống nhất rất cao giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước

Sau khi nghe tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận về nội dung này. Cụ thể, vào 8h sáng nay (23-10), Quốc hội thảo luận tại đoàn về nhân sự Chủ tịch nước. Nội dung thảo luận được lập thành biên bản.

Quy trình bầu Chủ tịch nước và kết quả được công bố trong ngày hôm nay. Sau khi trúng cử, tân Chủ tịch nước tuyên thệ trước Quốc hội trong buổi lễ truyền hình, phát thanh trực tiếp.

Theo quy định hiện hành, chức vụ cao nhất trong Đảng là Tổng bí thư, còn Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội. Ông có học hàm Giáo sư, học vị Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành xây dựng Đảng), Cử nhân Ngữ văn. Ông là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tiếp từ khoá VII cho tới nay (khoá XII), là Uỷ viên Bộ Chính trị từ khoá VIII tới nay.

Trong quá trình công tác, ông từng đảm nhận các chức vụ như: Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (từ 1991 -1998), Bí thư Thành ủy Hà Nội (từ 2000 – 2006); Chủ tịch Quốc hội (từ 2006-2010)… Ông tham gia Thường trực Bộ Chính trị từ tháng 8-1999 tới 4-2001; là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII, XIV.

Tháng 1-2011, ông được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bí thư Quân ủy Trung ương. Đến tháng 1-2016, tại Đại hội XII của Đảng, ông tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư khoá thứ 2 liên tiếp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang