(CAO) Trước phiên khai mạc chính thức, Quốc hội đã họp trù bị cho ý kiến dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về nội dung này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung một số nội dung, gồm: Bầu Chủ tịch nước; Xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan; Xem xét, quyết định việc kéo dài thời hạn thực hiện Nghị quyết số 30/2016/QH14 về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam và báo cáo về việc quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Liên quan đến dự Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, thực hiện Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp tục chuẩn bị, lấy ý kiến rộng rãi, làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Một góc đảo ngọc Phú Quốc nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa
“Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng lắng nghe, tiếp thu ý kiến xác đáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp nhằm đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, bảo đảm quyền và lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội” - Thường vụ Quốc hội nêu rõ và đề nghị Quốc hội cho phép chưa trình dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt tại kỳ họp này.
Nêu lý do dừng xem xét dự án Luật Hành chính công, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông tin: “Sau khi xem xét, thảo luận kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, nội dung dự án Luật không bảo đảm điều kiện để trình ra Quốc hội, chưa đáp ứng được mục tiêu đặt ra khi đưa vào Chương trình”.
Cùng với đó, theo Thường vụ Quốc hội, do quá trình soạn thảo kéo dài nên nhiều mục tiêu, nội dung đặt ra trong quá trình xây dựng dự án đã được Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu, cụ thể hóa trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật ban hành thời gian qua, đồng thời, đề xuất, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản luật và dưới luật. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép dừng việc xây dựng dự án Luật Hành chính công.
“Toàn bộ tài liệu liên quan đến dự án Luật có giá trị tham khảo, được gửi trên mạng thông tin điện tử của Quốc hội để phục vụ công tác nghiên cứu, xây dựng pháp luật của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội” - báo cáo nêu.