Các khách mời tham gia buổi giao lưu
Quốc pháp không nghiêm, đảng cương không vững thì đừng nói quốc gia hùng thịnh
Tại buổi giao lưu trực tuyến "Giải pháp nào để quy định trách nhiệm nêu gương đi vào cuộc sống" do Báo Điện tử Đảng Cộng sản tổ chức sáng nay (20-3), nhà báo Nhị Lê, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đã đặt vấn đề liệu các quy định nêu gương trước đây có phù hợp với thực tiễn hay không và việc tổ chức thực hiện các quy định đó có tương xứng với mục tiêu đề ra hay không?
Ông Nhị Lê chỉ ra, chỉ trong 4 năm Đảng đã ban hành 3 quy định về nêu gương. "Chưa có thời kỳ nào vấn đề nêu gương được Đảng đề ra mạnh mẽ và nghiêm khắc ở tất cả các nội dung, đối với tất cả các đối tượng đảng viên như hiện nay" - ông Nhị Lê nói, nhưng cho rằng việc thực thi các quyết định chưa tương xứng và chưa được như mong muốn.
Nhà báo Nhị Lê giao lưu với bạn đọc
"Thực tiễn đã đi rất xa điều mà chúng ta muốn, đặc biệt là chưa tương xứng với nguyện vọng, mong muốn của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên", theo nhà báo Nhị Lê. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, mục tiêu thì đã rõ rồi, lộ trình thì minh bạch rồi nhưng bây giờ là thể chế.
"Những vấn đề xung quanh thể chế là một trong nhưng phương sách căn bản để thực thi nêu gương của cán bộ, đảng viên" - ông Nhị Lê nêu quan điểm.
Liên quan đến vấn đề kỷ luật đảng viên còn có dư luận cho rằng việc xử lý chưa nghiêm. Nói về việc này, ông Nhị Lê nhấn mạnh, chưa bao giờ như bây giờ, với tinh thần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và thượng tôn pháp luật, thực hiện nghiêm, chấp hành vô điều kiện kỷ luật của Đảng với cán bộ đảng viên, thực thi pháp luật công minh bình đẳng với công dân được thực thi rất nghiêm.
Quy định số 08-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương” được coi là một sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với chính mình, đồng thời là sự cam kết chính trị của Ban Chấp hành Trung ương với toàn Đảng, toàn dân.
Nêu gương chính là xây dựng Đảng ta là đạo đức, là văn minh - một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Theo ông Nguyễn Đức Hà, đây là cốt lõi của giá trị đạo đức và văn minh mà Đảng ta xây dựng.
"Đây chính là một trong những cội nguồn của niềm tin" - ông Nhị Lê lưu ý và khẳng định không có niềm tin, chúng ta sẽ không có gì cả.
"Lòng tin là gia sản thiêng liêng, quý báu nhất của Đảng. Còn với quốc gia, dân tộc, lòng tin là quốc bảo. Việc xử lý cán bộ của ta cũng như vậy, kỷ luật của Đảng bình đẳng đối với mọi đảng viên, dù đảng viên giữ cương vị, trọng trách nào" - nhà báo Nhị Lê nói.
Cũng theo ông, pháp luật của Nhà nước cũng vậy, qua những đại án được đưa ra xét xử trong 2 năm 2017 và 2018 cho thấy việc xử lý "không từ một cấp nào", mà nói như Tổng bí thư, Chủ tịch nước thì không có ngoại lệ, không có vùng cấm, không trừ một ai.
"Quốc pháp không nghiêm, đảng cương không vững thì ko nói chuyện đến quốc gia hùng thịnh" - ông Nhị Lê chốt lại.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương, thông tin, trong lịch sử Đảng ta, đây không phải lần đầu tiên. Lịch sử Đảng cũng xử lý một số Uỷ viên Bộ Chính trị vì một số lý do. Còn bây giờ, là lần đầu tiên xử lý một Uỷ viên Bộ Chính trị về tội tham nhũng.
Mở đầu cho văn hoá từ chức
Có một điểm mới đáng chú ý trong việc xử lý kỷ luật đảng viên hiện nay, theo ông Nguyễn Đức Hà, là xử lý kỷ luật với cả những cán bộ đương chức và nguyên chức.
"Thực tế vừa qua có rất nhiều cán bộ cấp cao vi phạm kỷ luật nhưng vi phạm từ nhiều năm trước, nên Quy định 102 của Bộ Chính trị về xử lý đảng viên vi phạm mới đưa ra quy định xử lý có thời hiệu. Nếu giờ mới phát hiện ra sai phạm, sai phạm đến mức độ khiển trách thì thời hiệu là 5 năm, vi phạm đến mức độ cảnh cáo thì thời hiệu 10 năm, sai phạm đến mức cách chức thì vẫn cách chức từ lúc anh có sai phạm" - ông Hà nêu rõ.
Phân tích thêm lý do có quy định trên, ông Hà nói, là bởi lâu nay, trong một thời gian dài khi các cán bộ chuyển công tác khác hay nghỉ hưu thì cứ coi như đã “hạ cánh an toàn”, có phát hiện ra thì cũng phải “thôi bác ấy chuyển đi rồi, cũng nghỉ hưu rồi, nhẹ nhàng cho qua”.
Việc hơn 60 cán bộ cao cấp bị xử lý thời gian qua, trong đó có nhiều cán bộ có sai phạm từ cách đây 5 năm, 10 năm, theo ông Hà, chính là khắc phục tư tưởng tư duy nhiệm kỳ.
"Đã có tư tưởng tư duy nhiệm kỳ, còn 6 tháng nữa mình nghỉ hưu nên cứ ký đại đề bạt đại, bổ nhiệm đại" - ông Hà phản ánh và cho rằng Quy định 102 là bước tiến trong xử lý, quản lý cán bộ đảng viên.
Ông Nguyễn Đức Hà chia sẻ quan điểm về Quy định nêu gương
Tiếp tục nói về tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ và thậm chí là tranh thủ những "chuyến tàu vét", ông Hà dẫn lại câu chuyện về "chuyến tàu vét AVG". "Chuyến tàu AVG" xảy ra trước khai mạc Đại hội XII của Đảng, vì chỉ sau Đại hội XII là thay một số nhân sự Bộ trưởng, Chính phủ. "Đây là chuyến tàu vét nhưng may là chuyến tàu vét này không được thông qua" - ông Hà nói.
Trở lại với Quy định nêu gương, ông Nguyễn Đức Hà nhận xét, quy định của Trung ương lần này đã mở đường cho văn hóa từ chức.
“Yêu cầu cán bộ cấp cao phải dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình, đừng đổ cho tập thể, khách quan. Phải chủ động xin từ chức khi thấy mình không đủ năng lực, uy tín, sức khoẻ để đảm nhận công việc” - ông Hà nói.
Chung nhìn nhận, PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó trưởng Ban tư tưởng văn hóa Trung ương cho rằng nên phát động xây dựng văn hóa từ chức, nghĩa là từ quy định về nêu gương nhưng khi đảng viên đã phát hiện góp ý mà sửa chữa chậm, nhiệm vụ không hoàn thành tốt, mắc sai lầm thì nên từ chức.
"Quốc hội cũng đã đề cập đến vấn đề này, tuy nhiên, theo quy định miễn nhiệm phải có 2/3 số đại biểu Quốc hội kiến nghị thì mới có thể xem xét. Tôi thấy đảng viên phải soi vào Quy định nêu gương này, nếu thấy không xứng đáng thì nên từ chức. Chúng ta nên thực hiện việc này một cách nghiêm túc với cán bộ, đảng viên, nhất là với người đứng đầu" - ông Vinh nói.