10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng Tây Nguyên

Thứ Ba, 19/03/2019 12:50

|

(CAO) Sáng 19-3, tại TP.Pleiku (Gia Lai), Trung ương Hội Người cao tuổi phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên (2009-2019).

Tham dự hội nghị có Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; lãnh đạo nhiều bộ ngành trung ương và các tỉnh Tây Nguyên; cùng 224 đại biểu già làng tiêu biểu các dân tộc khu vực Tây nguyên.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn Chủ tịch hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định: Hội nghị lần này là dịp tổng kết, đánh giá kết quả và biểu dương già làng tiêu biểu các dân tộc Tây Nguyên trong 10 triển khai thực hiện Quyết tâm thư để tiếp tục nhân rộng, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm tốt, cách làm hay; khẳng định ý nghĩa của việc già làng ký Quyết tâm thư rất quan trọng trong đóng góp xây dựng, phát triển Tây Nguyên; từ đó khẳng định quyết tâm tiếp tục phát huy tốt hơn vai trò của già làng trong thực hiện các chủ trương của Đảng giai đoạn tiếp theo.

Già làng Krung Châm Veo ở huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai
Già Ksor H'lâm - người trong làng gọi là "nữ tướng vùng biên" ở huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai

Tây Nguyên là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, dân số trên 5 triệu người với 47 dân tộc anh em. Hiện, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Với vai trò, vị trí quan trọng trong buôn, làng và cộng đồng dân cư, già làng các dân tộc Tây Nguyên là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.

Già làng nói - dân làng nghe, già làng hô - dân làng hưởng ứng, già làng làm - dân làng làm theo”. Tiếng nói của các già làng như cán cân để điều chỉnh các mối quan hệ trong cộng đồng.

Trung tướng Nguyễn Văn Sơn - Thứ trưởng Bộ Công an chụp ảnh lưu niệm cùng các già làng và đại biểu

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhiệt liệt chào mừng 224 Già làng tiêu biểu cùng toàn thể đại biểu đã về dự hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Tây Nguyên là địa bàn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh. Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có truyền thống yêu nước nồng nàn, trung dũng, kiên cường đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn.

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước chụp hình lưu niệm với các già làng Tây Nguyên

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các già làng tích cực vận động con cháu giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc; xoá bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của từng dân tộc và sự phát triển chung của cộng đồng; không thách cưới, không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống; không để tang ma kéo dài, ăn uống linh đình...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tin tưởng rằng, khối đại đoàn kết cả dân tộc sẽ luôn được bồi đắp, bền vững, góp phần xây dựng khu vực Tây Nguyên giàu về kinh tế, đẹp về văn hoá - xã hội, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng - an ninh.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên có ý chí vững vàng, có cuộc sống ấm no và hạnh phúc, phát huy được truyền thống văn hoá tốt đẹp, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch, thực hiện bình đẳng và đoàn kết thực sự giữa các dân tộc trong đại gia đình dân tộc Việt Nam đúng với tâm niệm của các già làng đã ghi trong Quyết tâm thư.

Bình luận (0)

Lên đầu trang