(CAO) Sau một thời gian lâm bệnh, tuổi cao, sức yếu, ngày 13-1-2018, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, vị tướng đầu tiên – người đồng bào dân tộc thiểu số của vùng đất Tây nguyên đã qua đời.
Ông là người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau thời gian lâm trọng bệnh, ông đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 97, tại nhà riêng ở thôn 5, phường Tân Hòa, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Lãnh đạo Công an tỉnh Đắk Lắk dâng hương và
chia buồn cùng gia đình - Ảnh: Thanh Hải
Ông là thiếu tướng Y Blốk Êban (SN 1921), tại buôn Chư Dluê, xã Hòa Xuân, thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), trong một gia đình có 7 anh chị em. Là con trai út, ông Y Blốk Êban chịu nhiều thiệt thòi từ nhỏ. Cha mất khi ông mới 2 tuổi, nhà nghèo, Y Blốk Êban phải đi làm thuê.
Năm 15 tuổi, sau khi học xong tiểu học, Y Blốk Êban bị Pháp bắt đi lính khố xanh làm gác ngục tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Tại đây, Y Blốk Êban được tiếp xúc với một số tù chính trị như: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hồng Chương, Bùi San… và được giác ngộ cách mạng, trở thành cơ sở cách mạng ở đây.
Ngày 22-8-1945, dưới sự chỉ huy của Ban lãnh đạo Cách mạng lâm thời, Y Blốk Ê ban đã dẫn đầu trung đội lính khố xanh biến buổi chào cờ của Trần Trọng Kim (do phát xít Nhật dựng lên) thành cuộc mít tinh, biểu tình đả đảo thực dân xâm lược; ủng hộ cách mạng, giương cao ngọn cờ giành chính quyền về tay nhân dân.
Sự kiện bất ngờ trước hành động táo bạo của anh lính khố xanh Y Blốk Êban đã khiến chính quyền Trần Trọng Kim không kịp trở tay. Chiến công đầu tiên này đã đưa Y Blốk Êban đứng vào hàng ngũ cách mạng. Ông tham gia vào Ủy ban lâm thời của tỉnh Đắk Lắk. Năm 1946, ông được theo học tập trung tại Trường Lục quân Quảng Ngãi. Sau đó, ông làm đại đội trưởng đội vũ trang vùng địch hậu và lập nhiều chiến công, lần lượt trải qua các cương vị, từ tiểu đoàn đến trung đoàn.
Năm 1954, ông Y Bốk Êban tập kết ra Bắc và được gặp Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần gặp đầu tiên này, ông được ăn bữa cơm trưa đầy kỷ niệm xúc động với Bác, được bồi dưỡng thêm về lý tưởng cách mạng, nhất là tinh thần đại đoàn kết dân tộc.
Năm 1958, nhờ lập nhiều thành tích, chiến công vang dội, ông được thăng quân hàm thượng tá do đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp đeo quân hàm cho ông tại chiến trường miền Bắc, trước nhiều quân sĩ. Năm 1960, ông trở lại Tây Nguyên, giữ chức Phó Tư lệnh rồi Quyền Tư lệnh Quân khu VI. Với tố chất của người con buôn làng Tây Nguyên đầy lòng can đảm, trong vai trò chỉ huy, ông xông pha khắp các trận địa, làm cho quân địch phải khiếp sợ khi nghe đến cái tên Y Blốk Êban.
Năm 1974, ông được thăng quân hàm Đại tá, giữ chức Chủ tịch Ủy ban quân quản tỉnh Đắk Lắk. Tháng 1-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định chọn Buôn Ma Thuột làm mặt trận trọng yếu trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Đúng 2 giờ 3 phút sáng 10-3-1975, cùng với các đơn vị bộ đội, Y Blốk Êban lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Đến 10 giờ ngày 11-3-1975, quân ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã. Thắng lợi này đã tạo bước ngoặt quan trọng mở màn chiến dịch giải phóng Tây Nguyên và giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang (nay là Chủ tịch nước) đến thăm và tặng quà tặng thiếu tướng Y Bốk Êban, năm 2014 - Ảnh: Thanh Hải
Hòa bình lập lại, Y Blốk Êban được bầu làm Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Là người con của đồng bào Ê đê, Y Blốk Êban cùng với những người đồng chí của mình đã vận động đồng bào Tây Nguyên luôn tin tưởng đi theo Đảng, theo cách mạng.
Năm 1982, ông Y Blốk Êban được thăng quân hàm Thiếu tướng, là vị tướng đầu tiên của của đại ngàn Tây Nguyên. Năm 1986, ông trở lại công tác trong quân đội, thuộc Tổng cục Chính trị cho đến ngày nghỉ hưu. Ông còn là đại biểu Quốc hội các khóa III và IV.
Ông mãi mãi là niềm tự hào của đại ngàn Tây Nguyên, trở thành vị tướng huyền thoại trong lòng người dân các dân tộc Tây Nguyên.