Hoàn thành các gói thầu xây dựng trong tháng 8-2021
Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể vừa ký báo cáo gửi Chính phủ về Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. Thông tin chi tiết về từng gói thầu của dự án, Bộ trưởng Thể cho biết, đến nay các hồ sơ thiết kế kỹ thuật các gói thầu và thực hiện giám sát thi công đối với gói thầu Tư vấn (Liên danh tư vấn NJPT) đang được xem xét.
Sau 2 lần điều chỉnh, vốn đầu tư Metro Bến Thành - Suối Tiên tăng thêm gần 30.000 tỷ đồng
Gói thầu 1a (xây dựng đoạn ngầm, lý trình từ Km0-145 đến Km0+615) khởi công từ ngày 17-11-2016 hiện đã thực hiện được khối lượng tổng thể khoảng 61%. Gói thầu 1b (xây dựng đoạn ngầm, lý trình từ Km0+615 đến Km2+360) được triển khai hợp đồng từ ngày 21-8-2014 đã thực hiện tổng thể đạt khoảng 78%.
Gói thầu số 2 (xây dựng đoạn đi trên cao và depot, dài 17,1 km) khởi công từ 28-8-2012, được nhà thầu Liên danh Sumitomo - Cienco6 triển khai thi công đại trà từ cuối tháng 4-2013. Hiện khối lượng thực hiện tổng thể đạt khoảng 81%.
Gói thầu số 3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng) đã ký kết hợp đồng với Nhà thầu Hitachi và triển khai thực hiện hợp đồng từ ngày 5-8-2013, thời gian thực hiện 56 tháng. Đến nay khối lượng tổng thể đạt khoảng 48%.
Thời điểm dự kiến hoàn thành của cả 4 gói thầu trên là tháng 8-2021.
Dự án đường sắt Bến Thành – Suối Tiên đi qua các quận: 1, Bình Thạnh, 2, 9, Thủ Đức - TPHCM và một phần qua thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dự án gồm đoạn tuyến đường sắt đi ngầm dài 2,6 km; đoạn tuyến đường sắt trên cao dài 17,1 km và công trình bao gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot. Cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Để thực hiện dự án, cần GPMB 676.835,7 m2, trong đó diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án là 384.485,7 m2, diện tích bị ảnh hưởng bởi dự án Mở rộng Xa lộ Hà Nội là 292.350 m2. Tổng kinh phí bồi thường GPMB, di dời hạ tầng kỹ thuật là 6.097,9 tỷ đồng do ngân sách TP thực hiện.
Riêng gói thầu số 4 bao gồm hệ thống công nghệ thông tin cho Văn phòng Công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị sẽ triển khai thiết kế kỹ thuật vào cuối năm nay với thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 12 tháng.
Theo tiến độ được duyệt, dự án hoàn thành xây dựng vào năm 2017 và đưa vào khai thác vận hành năm 2018. Tuy nhiên, do việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng gói thầu số 2, phân chia gói thầu số 1 thành hai gói thầu 1a, 1b, xử lý tình huống đấu thầu của gói thầu số 3 và gói thầu 1b cùng nhiều thay đổi trong quy trình thẩm tra, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán nên tiến độ triển khai các gói thầu đã bị ảnh hưởng.
Đến nay, sau khi rà soát và cập nhật lại tiến độ, quá trình phê duyệt điều chỉnh dự án trong thời gian sắp tới, UBND TPHCM dự kiến quý 4/2021 sẽ hoàn thành công trình đưa vào khai thác và đến năm 2026 kết thúc công tác hỗ trợ vận hành bảo dưỡng.
2 lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự án tăng gần 30.000 tỷ đồng
Theo quyết định phê duyệt ban đầu (năm 2007), tổng mức đầu tư của dự án là 126.582,650 triệu Yên (tương đương 17.387,655 tỷ VNĐ, tương đương 1.091 triệu USD). Ngày 21-9-2011, con số này được điều chỉnh lên 236.626 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng, tương đương 2.490,8 triệu USD).
Đến nay, sau khi cập nhật ý kiến của Kiểm toán Nhà nước và ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổng mức đầu tư dự kiến tăng lên 229.791,29 triệu Yên (tương đương 47.325,2 tỷ đồng), bao gồm 203.165,55 triệu Yên (tương đương 41.833,600 tỷ đồng) từ nguồn vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và 5.491,60 tỷ đồng vốn đối ứng từ ngân sách thành phố.
Nguyên nhân tổng mức đầu tư dự án được điều chỉnh tăng cao như trên được Bộ trưởng Thể giải thích là do sự biến động khách quan của giá nguyên liệu, nhiên liệu và việc tăng mức lương tối thiểu từ 2006 - 2009.
Việc tăng khối lượng xây dựng cũng là một trong những nguyên nhân được đề cập đến cùng với việc cập nhật tỷ giá Yên Nhật - Việt Nam đồng và tỷ lệ tính toán các chi phí dự phòng, rủi ro trượt giá.
Bộ trưởng Thể cho biết, đã có nhiều ý kiến băn khoăn với sự điều chỉnh này, nhất là trong bối cảnh nợ công tăng cao. Ngoài ra, để đảm bảo chặt chẽ về thủ tục pháp lý, ngày 10-5-2018, Chính phủ đã có Tờ trình số 167/TTr-CP trình Quốc hội đề nghị xem xét, có ý kiến thống nhất về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án, đồng thời, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT cũng đã trình Bộ Chính trị có ý kiến về việc điều chỉnh Dự án.
Ngày 21-12-2018, chủ trương điều chỉnh tổng mức đầu tư Dự án đã được Bộ Chính trị cho ý kiến và hiện UBND TPHCM đang hoàn thiện các thủ tục để phê duyệt điều chỉnh Dự án.
Để thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án, tới đây, theo Bộ trưởng Thể, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn cho Dự án cũng như xem xét, điều chỉnh mức vốn vay lại đáp ứng nhu cầu các dự án trên địa bàn thành phố.