Đại biểu thắc mắc về “chủ ngữ” của hành vi vi phạm chủ quyền

Thứ Năm, 31/10/2019 10:48

|

(CAO) “Báo cáo Thủ tướng không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế là ai”, Đại biểu Dương Trung Quốc thắc mắc.

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) băn khoăn trong phát biểu tại Hội trường sáng nay (31-10) khi cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội. Theo ông Quốc, đây là “hạt sạn” trong bản báo cáo Chính phủ trình tại kỳ họp này.

“Chúng ta, các ĐBQH, cảm nhận được lòng tin được củng cố như thế nào sau bản báo cáo Chính phủ về công tác đối ngoại, trong đó có vấn đề Biển Đông trình bày trước Quốc hội” – ông Quốc nói và cho rằng, một nội dung mà ông thấy không cần họp kín, nên để cho dân biết.

Đại biểu Dương Trung Quốc phát biểu tại hội trường

Ngay trong bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dù có “những nội dung đầy khích lệ” là “Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển của đất nước” thì ông Quốc cũng chỉ ra đoạn trích trên lại là một mệnh đề thiếu thành phần ngữ pháp.

“Báo cáo của Thủ tướng không nói rõ chủ ngữ của hành động vi phạm nghiêm trọng trên các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế là ai” – đại biểu Dương Trung Quốc phân tích.

Ông Quốc thắc mắc tại sao trước đó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nói rõ “Trung Quốc là người gây bất ổn ở Biển Đông trước bàn dân thiên hạ, trên diễn đàn quốc tế” mà báo cáo đọc trước Quốc hội cũng là trước đồng bào của mình lại né tránh cái quốc danh vốn đáng kính trọng của một quốc gia nhưng cũng đáng lên án bởi những việc làm trái với luật pháp quốc tế và lợi ích chính đáng của chúng ta.

“Ngay trên diễn đàn Quốc hội cũng vậy, vẫn có vị đại biểu né tránh, thay vì chỉ đích danh Trung Quốc thì bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài” – đại biểu Quốc phân vân. Ông nêu vấn đề: “Người dân chúng ta thấy thế nào và người Trung Quốc thấy thế nào về cái tâm thế khó hiểu ấy? Sau này, con cháu chúng ta những người đọc sử hậu duệ của chúng tôi đọc những văn bản nghĩ gì về thời đại chúng ta đang sống?”.

Khẳng định dân tộc chúng ta có cả một chiều dài lịch sử, không chỉ có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc mà có thời kỳ rất dài hòa hiếu quan hệ ngoại giao Trung Quốc, đại biểu Đồng Nai cho rằng chúng ta có đầy đủ kinh nghiệm của ông cha chúng ta để giữ ưu thế trong mối quan hệ ấy bảo đảm môi trường hòa bình phát triển.

“Những năm tháng chiến tranh cực kỳ ít so với thời kỳ hòa bình, ổn định. Tôi mong rằng bài học lịch sử ấy sẽ thấm đượm trong hoạt động của thế hệ chúng ta” – đại biểu Dương Trung Quốc bày tỏ.

Trước đó, ông cũng lưu ý rằng, với người viết sử thì báo cáo định kỳ của Chính phủ trước mỗi kỳ họp QH là rất quan trọng. Nó không chỉ là cơ sở để QH và cử tri đánh giá tình hình đất nước và hoạt động của Chính phủ giữa hai kỳ họp mà còn là sử liệu cho đời sau này. Hậu duệ của chúng ta sẽ tiếp cận để hiểu hơn về thời chúng ta đang sống.

Trên một bức tranh toàn cảnh có phần sáng, ông Quốc nhận định thực tiễn đôi khi mang lại cho chúng ta những câu hỏi đáng suy nghĩ.

“Giữa lúc Chính phủ luôn thôi thúc cả nước qua cuộc cách mạng 4.0 làm bước đột phá để phát triển và theo kịp thời đại thì một việc tưởng như rất tầm thường về công nghệ là thu phí BOT tự động vẫn chưa thực hiện được với những lý do người dân đều hiểu là “câu giờ” để kiếm lời” – ông Quốc chỉ ra.

Theo đại biểu, cái lợi chắc chắn không phải chỉ là của nhà đầu tư mà còn của nhóm lợi ích, không ngoại trừ có cả những người trong bộ máy công quyền.

Chưa hết, giữa lúc QH đang bàn đến việc thí điểm để tiến tới giảm dần một phần bộ máy dân cử vốn có chức năng giám sát cơ quan hành pháp thì những vụ việc như vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên hàng ngàn, số thiệt hại rất lớn mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có việc gì nghiêm trọng cho đến khi dư luận và người dân lên tiếng…

Rồi đến khi vụ cháy công ty Rạng Đông xảy ra, theo ông Quốc, chúng ta mới giật mình nhận ra chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trong các khu dân cư đã triển khai từ lâu nhưng đến nay dường như vẫn “giẫm chân tại chỗ”…

Đó là những "điểm tối" mà ông Quốc cho rằng đã làm ảnh hưởng đến bức tranh sáng của những thành tựu tích cực mà Chính phủ, người dân đã dày công phấn đấu. Nó cũng khoét sâu hơn nữa sự mất mát lòng tin vốn chưa được phục hồi của người dân đối với năng lực của nhà nước luôn coi mình là của dân, do dân, vì dân…

Bình luận (0)

Lên đầu trang