Khánh Hòa sơ tán 15.500 người dân đến nơi tránh trú bão
Trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền, tỉnh Khánh Hòa đã khẩn trương sơ tán, di dời khoảng 15.500 người dân của 3.800 hộ sinh sống tại 102 khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn. Công việc này của cả tỉnh dự kiến sẽ hoàn tất vào 16 giờ ngày 30/10.
Riêng thành phố Nha Trang đã thực hiện sơ tán dân từ chiều qua và hoàn thành công tác này trưa 30/10.
Để đảm bảo an toàn tính mạng người và tài sản trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, tỉnh Khánh Hòa đã di dời khoảng 4.400 lao động trên bè, chằng néo gia cố khoảng 54.049 lồng trên 4.394 bè. Huyện Vạn Ninh tập trung đông nhất với 35.000 lồng trên 1.100 bè.
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân, 10 giờ ngày 30/10, công tác di dời lồng bè vào nơi tránh trú an toàn của huyện đã hoàn tất. Dự kiến 15 giờ ngày 30/10 sẽ hoàn tất công tác di dời người từ các điểm nuôi trồng trên vịnh Vân Phong...
Tỉnh Khánh Hòa cũng yêu cầu các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12 giờ ngày 30/10 cho đến khi có thông báo mới và thời tiết đã an toàn.
Bình Định sẵn sàng di dời hơn 68.000 dân
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, đến trưa 30/10, tỉnh Bình Định vẫn còn 84 tàu với 753 lao động đang hoạt động trong vùng nguy hiểm của bão số 5. Lực lượng chức năng tỉnh Bình Định đang tích cực hướng dẫn số tàu cá này khẩn trương di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Bình Định đã có lệnh cấm biển từ chiều 29/10, đồng thời đã kêu gọi được hơn 6.000 tàu thuyền vào neo đậu an toàn tại các âu thuyền, cảng cá trong tỉnh.
Khoảng 400 tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại cảng cá Quy Nhơn vào sáng 30/10. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 30/10, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã đi thị sát các địa phương ven biển, kiểm tra công tác ứng phó với mưa bão tại các công trình, địa bàn xung yếu.
Tỉnh Bình Định đã lên phương án sơ tán 14.546 hộ với 68.006 nhân khẩu đi tránh bão; trong đó, huyện Hoài Nhơn sơ tán 8.745 hộ/43.726 khẩu; thành phố Quy Nhơn 2.104 hộ/8.123 khẩu; huyện Tuy Phước 1.235 hộ/4.772 khẩu; huyện Phù Cát 1.266 hộ/ 6.000 khẩu; huyện Phù Mỹ 1.196 hộ/ 5.385 khẩu…
Thành phố Quy Nhơn hiện có 2.871 lồng nuôi thủy sản trên biển. UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương ven biển vận động người dân nuôi thủy sản bằng lồng bè trên biển có biện pháp giằng neo, gia cố để đảm bảo tài sản; tăng cường kiểm tra, tuyệt đối không cho người ở lại trên bè nuôi để đảm bảo an toàn tính mạng người dân khi có bão.
Sở Giáo dục đào tạo tỉnh cũng đã có công văn khẩn đến các trường cho học sinh toàn tỉnh nghỉ từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10.
Quảng Ngãi cho học sinh nghỉ học
Trưa 30/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đã có công văn khẩn về việc cho học sinh nghỉ học từ chiều 30/10 đến hết ngày 31/10, để đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng do mưa, lũ, gió lốc gây ra.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện còn 418 tàu với 5.050 lao động đang hoạt động trên các vùng biển. Trong đó, vùng biển quần đảo Hoàng Sa có 111 tàu, vùng biển quần đảo Trường Sa có 118 tàu, vùng biển các tỉnh phía Nam là 26 tàu, vùng biển tỉnh Quảng Ngãi có 137 tàu...
Trước diễn biến của cơn bão số 5, sáng 30/10, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo dõi tình hình mưa, lũ thực tế tại địa phương để chủ động triển khai phương án ứng phó theo phương châm "4 tại chỗ"; đặc biệt, lưu ý các biện pháp ứng phó với các tình huống: lũ lớn, đặc biệt lớn, lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng ven biển, ven sông, suối, vùng trũng thấp và khu vực miền núi.
Phú Yên gia cố, chằng néo gấn 100.000 lồng, bè
Phú Yên hiện có trên 91.000 lồng bè nuôi trồng thủy sản với hàng ngàn hộ lao động trên biển tại thị xã Sông Cầu và các huyện Tuy An, Đông Hòa. Chính quyền các địa phương trong tỉnh đang kêu gọi, vận động người dân gia cố lồng, bè và sớm vào bờ trước khi bão đổ bộ nhằm đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.
Thị xã Sông Cầu là địa phương có số lồng bè nuôi trồng thủy sản lớn nhất của tỉnh Phú Yên với trên 77.000 lồng nuôi, chủ yếu là tôm hùm, cá bớp, cá dìa… của 3.070 hộ nuôi trồng thủy sản trên biển, nếu bão đổ bộ trực tiếp vào địa bàn sẽ gây thiệt hại rất lớn. Vì vậy, để chủ động ứng phó với bão số 5, UBND thị xã Sông Cầu đã thực hiện việc cấm tất cả các phương tiện tàu thuyền ra khơi; kêu gọi người dân gia cố, đưa tàu thuyền vào các nơi neo đậu an toàn.
Tại Vịnh Xuân Đài sáng 30/10, đã xuất hiện mưa rải rác, hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản đã thực hiện việc hạ thấp lồng, bè, di chuyển người và các tài sản quan trọng vào bờ, chỉ còn một bộ phận số ít hộ dân vẫn đang thực hiện các công đoạn cuối gia cố lồng, bè, nhấn chìm lồng xuống biển để đảm bảo an toàn....
(CAO) Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 15 giờ chiều này (30/10), bão cách đất liền các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Khánh Hòa khoảng 120km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9-10 (75-100km/h), giật cấp 12.