Sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn phù hợp thực tiễn

Thứ Sáu, 09/10/2020 16:49

|

(CAO) Ngày 9-10-2020, Uỷ ban về các vấn đề xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn tại Nhà khách Quốc hội (Q.3, TP.HCM).

Tham dự hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội; đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam.

Tại đây, đại diện lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ giúp các đại biểu có cái nhìn tổng quan dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Ngoài ra, đại diện Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam sẽ trình bày các công ước của ILO liên quan đến dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn.

Chiều cùng ngày, ông Đặng Ngọc Tùng – nguyên Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có những ý kiến quan trọng trong việc quy định về tài sản, tài chính công đoàn trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn và kiến nghị, đề xuất hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn trong hoàn cảnh mới.

Quang cảnh hội thảo.
Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20-6-2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua. Tuy nhiên, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi Luật Công đoàn cần phải được tiếp tục hoàn thiện.

Trong áp dụng thực tiễn, Luật Công đoàn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: Đối tượng, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức Công đoàn;

Hệ thống tổ chức, việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa cấp uỷ địa phương với tổ chức Công đoàn về công tác tổ chức, cán bộ chưa thật rõ, còn chồng chéo và chưa hợp lý; Các quy định đảm bảo công khai, minh bạch tài chính công đoàn chưa rõ ràng, cụ thể; Cơ thể đảm bảo thực thi quyền công đoàn cũng như cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn chưa đầy đủ và cụ thể, tính khả thi không cao.

Trong khi đó việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn dàn trải, chưa tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Công đoàn là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Luật Công đoàn được ban hành trước khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua, nên có những quy định của Luật chưa hoàn toàn tương thích với Hiếp pháp. Bên cạnh đó, những năm gần đây Quốc hội đã ban hành nhiều luật mới có nội dung liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động và tổ chức Công đoàn, như: Luật Việc làm năm 2013; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015; Luật tố tụng dân sự năm 2015,…

Đặc biệt, Bộ luật Lao động được Quốc hội thông qua tháng 11/2019 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2020) có nhiều nội dung mới về quan hệ lao động, về quyền công đoàn tại doanh nghiệm khác biệt so với quy định của Luật Công đoàn.

Ngoài ra, trước yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi Luật Công đoàn phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế, cũng như cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại tư do thế hệ mới, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thể chế chính trị của Việt Nam.

Trước bối cảnh đó, ngày 21-9-2020, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã làm tờ trình Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn. Theo đó, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung nội dung tại 15 điều, sửa kỹ thuật tại 5 điều trong tổng số 33 điều của Luật Công đoàn.

Điển hình, Luật Công đoàn hiện hành quy định, chỉ những người lao động là người Việt Nam “làm việc trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp” mới có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn. Dự thảo Luật đã được sửa đổi: “Người lao động là người Việt Nam có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn”. Như vậy, dự thao Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với cả người làm việc không có quan hệ lao động. Ngoài ra, dự thảo Luật tiếp tục khẳng định, Luật Công đoàn là luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam – tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động.

Bình luận (0)

Lên đầu trang