Sau quyết định tháo dỡ “biệt phủ” trên núi Hải Vân, tướng Thạch lên tiếng:

Tháo dỡ “biệt phủ” ông Quang do áp lực từ nhiều phía?

Thứ Tư, 09/12/2015 09:56  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những ngày qua, dư luận “xôn xao” với quyết định tháo dỡ “biệt phủ” của ông Ngô Văn Quang trên núi Hải Vân. Cách đây gần một năm, dư luận cũng “dậy sóng” về việc thiếu tướng Phan Như Thạch xây dựng căn nhà không phép nhưng đã tự nguyện tháo dỡ.

Sau hơn một năm, ông Phan Như Thạch đã chia sẻ với báo Công an TP. Hồ Chí Minh sau sự việc “biệt phủ” ông Quang buộc phải tháo dỡ…

Phóng viên: Biết thông tin lãnh đạo TP. Đà Nẵng quyết định tháo dỡ biệt phủ của ông Ngô Văn Quang, cảm giác của ông như thế nào?

Ông Phan Như Thạch: Khi thấy TP. Đà Nẵng ra quyết định cuối cùng bắt buộc tháo dỡ khu “biệt phủ” của ông Quang tôi thấy rất buồn, thấy “đau” lắm. Dường như đây là một quyết định chưa thấu tình đạt lí, còn bị “áp lực” từ nhiều phía…

Khu “biệt phủ” của ông Quang là tài sản quá lớn, đó là đất rừng sản xuất (nếu làm khu du lịch cũng là sản xuất thôi) đó không cấn rừng cấm, không ảnh hưởng an ninh quốc phòng mà đập đi thì quá tiếc. Tài sản của cá nhân cũng là tài sản của quốc gia, để lại cũng có lợi cho nhà nước, cho địa phương, cho dân thì cớ gì không để lại?.

Trường hợp ông Quang, theo tôi chỉ xử phạt, và làm lại thủ tục, nếu sau này nhà nước làm dự án thì cam kết không đền bù là được. Để lại khu đó có rất có ích cho xã hội, cho nhiều người…

Phóng viên: Cách đây gần một năm, ông tự nguyện tháo dỡ căn nhà của mình, vì sao?

Ông Phan Như Thạch: Với ngôi nhà của tôi, nó nằm ở khu dân cư đã mấy chục năm, gần 40 hộ dân xung quanh cũng chưa có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trước đây, chỗ tôi xây nhà cũng có căn nhà nhỏ, nhưng về hưu gia đình tôi muốn xây dựng căn nhà to rộng hơn để có chỗ dưỡng già. Nhưng với tư cách là đảng viên, nguyên cán bộ công an, tổ chức quyết định nên tôi chấp hành, tự tháo dỡ Những gia đình xung quanh, tuy họ khó khăn nên tôi không muốn đề cập, nhưng tại sao căn nhà của tôi thì tháo dỡ còn những căn nhà khác lại tồn tại, từ xưa nay họ đâu có phép? 

Ngôi nhà của ông Thạch trước khi tháo dỡ.

Phóng viên: Nhưng nhiều người lại nghĩ trước đây ông chấp hành tháo dỡ nhà không phép của mình, giờ ông Quang cũng phải chấp hành chứ không lại “đối xử không công bằng”?

Bản thân tôi tự tháo dỡ nhà của mình tôi không phân bì gì với ông Quang hết. Đây là tự nguyện của gia đình tôi. Còn đối với “biệt phủ” ông Quang chính ra cần xem xét lại, nếu được để lại còn là nét đẹp của người Đà Nẵng, của chính quyền Đà Nẵng, cũng chính là sự nhân văn.

Kể cả nhà của tôi hay của ông Quang, chính quyền bình tĩnh, họp báo sự việc, đưa ra rộng rãi phân tích đúng sai, để đi đến một quyết định rõ ràng, lỗi người nào, lỗi từ đâu, có nên xử lý hay không? Vì sao lại để xảy ra sự việc đó? Thì mọi người sẽ hiểu và có cách xử lý thấu tình đạt lý.

Phóng viên: Một số người so sánh khu “biệt phủ” ông Quang với nhà số 8 Lê Trực (Hà Nội), vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh, ông nghĩ sao?

Ông Phan Như Thạch: So sánh đó hoàn toàn khập khiểng. Nhà số 8 Lê Trực xây sai với giấy phép nó ảnh hưởng đến an ninh quốc gia thì “cắt gọt” là đúng. Đằng này khu “biệt phủ” ông Quang là khác, không thể so sánh với nhau được. Ở đây không ảnh hưởng an ninh quốc phòng, ở đó là đất rừng sản xuất, không phải rừng đặc dụng như nhiều người nghĩ, nếu để lại thì có lợi cho dân, cho cộng đồng thì không nhất thiết phá bỏ.

Đến thời điểm này, khi căn nhà của ông đã tháo dỡ, giờ lại “đập biệt phủ” ông còn thắc mắc điều gì?

Tôi suy nghĩ, liệu có phải vì tháo dỡ “biệt phủ” ông Quang vì do áp lực của truyền thông? Có phải vì sự cố chấp mà xử lý mạnh tay như vậy? Theo tôi, thì lãnh đạo các cấp lắng nghe truyền thông nhưng phải xử lý thấu lý đạt tình. Cái gì có lợi cho dân thì nên làm chứ đừng vì áp lực này kia mà phải “tiêu hủy” một công trình tâm huyết của dân như thế. Bởi ở đây, lỗi ở cơ quan quản lý, cơ quan chức năng không phải là nhỏ, nên chăng phải xử lý cán bộ mình trước rồi mới xử lý người dân vi phạm sau.

Phóng viên: Căn nhà của ông đã phá bỏ, giờ ông còn ưu tư điều gì?

Ông Phan Như Thạch: “Khi báo chí mới đăng tải sự việc này, làm nhiều người hiểu nhầm tôi bán toàn bộ khu đất hiện tại cho ông Quang, có một số bài viết làm người ta hiểu nhầm đến mức tôi xây khu “biệt phủ” trên để bán cho ông Quang.

Nhưng thực ra, khi tôi nhượng lại cho ông Quang khcong anoảng 3ha rừng sản xuất của người dân nhượng lại cho tôi. Sau đó, ông Quang có mua thêm đất của nhiều hộ dân xung quanh mới có khu đất như hiện tại.

Về nguồn gốc đất đó, khi nhà nước cấm đốt pháo, làng sản xuất pháo Nam Ô không tồn tại, không còn việc làm nên chính quyền địa phương sử dụng khu đất đó cấp cho dân sản xuất, sinh sống, sau này có hai hộ dân nhượng lại cho tôi khoảng 3 ha đất.

Khi tôi nhượng lại cho ông Quang chỉ khoảng 3 ha đất đó, trên đó chỉ trồng cây cảnh, nông sản…Lúc tôi nhượng lại cho ông Quang chỉ có một lán trại lợp bằng lá rộng vài chục mét vuông dùng để nông cụ và nơi nghỉ ngơi sau giờ lao động. 

Biệt phủ nhà ông Quang 

Thế nhưng dư luận lại dấy lên thái quá. Lí do nhượng cho ông Quang, lúc bấy giờ, Nhà nước dự định dời vào khu đó nên sợ không có đất để trồng cây cảnh nên tôi mua lại khu đất làm nhà (vừa tháo dỡ, rộng khoảng 3.000m2).

Nhưng sau đó, chính quyền ngừng chủ trương dời kho xăng dầu vào đó nữa nên tôi có hai miếng. Sau này, công tác ở Quảng Nam, ông có người chăm sóc nên tôi đã bán lại cho ông Quang mảnh đất khoảng 3 ha”.

Xin cảm ơn ông! 

Chiều 8-12, UBND quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Văn Quang về việc xây dựng biệt thự trái phép trên núi Hải Vân. Quyết định của UBND quận Liên Chiểu nêu rõ thời gian thực hiện cưỡng chế là 50 ngày kể từ ngày nhận Quyết định của quận, thời gian hoàn thành cưỡng chế là trước ngày 31-1-2016.

Theo đó, ông Ngô Văn Quang, chủ đầu tư công trình xây dựng trái phép tại khu vực đồi Chim Chim, Tiểu khu 11, rừng đặc dụng Nam Hải Vân, phường Hòa Hiệp bắc, quận Liên Chiểu phải khôi phục lại tình trạng ban đầu trên khu đất rừng, tổng diện tích là 1411 m2 mà ông Ngô Văn Quang đã có hành vi vi phạm tự ý chuyển mục đích sử dụng để xây dựng các công trình trên đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang