(CATP) Cứ mỗi độ nghe gió mùa Đông Bắc tràn về, tôi lại nhớ cái lạnh sắt se ngày cuối đông thuở còn thơ bé. Cây dương trước nhà mọc thẳng đuột vươn tận trời cao, mỗi cơn gió lùa qua, ngọn dương vặn mình cong theo, rồi lại vươn thẳng như thách thức những trận gió mùa, những trận bão giông. Đó là cây dương cao nhất quê tôi. Trên thân dương người ta gắn một cái loa phóng thanh để truyền thông tin cho bà con trong xã biết được.
Hồi đó, cứ mỗi chiều sau 16 giờ, nhạc hiệu vang lên, bài hát Gần lắm Trường Sa, mỗi lần nghe là mỗi lần thấy bồi hồi. Rồi đến mục dự báo thời tiết. Mùa này, những cơn gió Đông Bắc xa xôi vượt đại dương, trước khi vào đất liền nó quanh quẩn đâu đó nơi quần đảo Trường Sa, trút hết nơi đó cái lạnh căm căm như thách thức con người, thách thức cỏ cây trên đảo. Những cột sóng dựng thẳng hàng chục mét đổ ập vào bờ, ném bọt tung trắng xóa.
Vậy mà những chiến sĩ vẫn vững tay súng hiên ngang giữa trời biển đảo. Những cây bàng vuông vẫn sừng sững tỏa cành rợp bóng, trổ hoa trong cái gió rít của đại dương, cái lạnh buốt xương của gió mùa. Tuổi thơ, tôi yêu Trường Sa qua bài học cô giáo giảng trên lớp và qua hình dung từ những buổi dự báo thời tiết của cô phát thanh viên đài phát thanh trên cành dương trước nhà.
Ở đảo xa, có những cây bàng vuông chỉ nở vào đúng độ Tết đến Xuân về. Những chùm hoa tím ngắt, bung nở tuyệt đẹp trong đêm dường như đã trở thành huyền thoại trong tâm thức những người lính đảo. Bởi với các anh, đó chính là hình ảnh biểu trưng cho tinh thần, sức sống mãnh liệt cùng tình yêu trọn vẹn với Tổ quốc và biển đảo quê hương.
Bây giờ, mỗi lần ra đảo, trong tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác bồi hồi thuở xưa. May mắn là định mệnh đã trao cho tôi công việc gắn với đảo xa, để mỗi ngày có cơ hội nhìn thấy dáng hình Tổ quốc hiện lên trên từng ngọn sóng. Ấp ủ một tình thương bao la như đại dương mênh mông, thăm thẳm với từng nắm đất, từng ngọn cây, từng cơn gió trên đảo, từng cánh chim hải âu sải cánh bay giữa biển trời, từng con thuyền của ngư dân đang kiếm sống khơi xa. Tổ quốc cho ta tình thương bao la.
Nên đêm, nằm nghe tiếng gió rít liên hồi, nghe những cột sóng xô bờ ập lên đảo, lại càng thấy thương hơn táng cây bàng vuông vẫn lặng yên, hiên ngang giữa đất trời biển đảo, giữa sóng dập gió dồn. Gió mùa Đông Bắc thắt cơn lạnh buồng tim, để mỗi chiến sĩ càng thêm rắn rỏi, cứng cáp, để cây bàng vuông thêm tràn nhựa sống, bám đất, bám đảo giữ cho đất liền miền biên ải xa xôi - nơi có xứ sở quê hương in hình trong từng con sóng. Đêm ầm ầm tiếng sóng mà sao bình yên lạ. Nghe hương thơm dịu nhẹ của đóa hoa bàng vuông còn e ấp hé nụ đợi sương khuya.
Có đi Trường Sa mới biết nước biển Trường Sa xanh và mặn đến nhường nào. Giữa những đảo nổi, đảo chìm chỉ có biển trời mênh mông, chỉ có một màu xanh tít tắp, chỉ có gió và phong ba bão tố. Vậy mà, giữa khắc nghiệt của trùng khơi, những vạt rau xanh, những chậu hoa mười giờ đỏ thắm vẫn bật dậy mãnh liệt, như sức sống của con người trên đảo thật quả cảm. Những cán bộ chiến sĩ, nhân dân trên đảo Trường Sa sống trong bão tố, thiếu thốn trăm bề, vậy mà vẫn cả đời gắn bó.
Những chiến sĩ, những chàng trai mười tám đôi mươi đã vượt lên sóng cả, bão tố gian nguy ngày đêm chắc tay súng, giữ vững chủ quyền biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Các chiến sĩ Trường Sa vẫn đứng hiên ngang giữa bão tố phong ba để canh giữ từng mỏm đá, từng bãi san hô, giữ cho những ngọn hải đăng luôn thắp sáng cho chân lý chủ quyền là bất khả xâm phạm.
Những cột đá chủ quyền ở Trường Sa được đúc bằng máu, mồ hôi, sự hy sinh của người chiến sĩ Hải quân và nhân dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Họ không chỉ tạo dựng cột mốc trên thực địa đứng vững trước bão tố phong ba mà còn là cột mốc thiêng liêng trong sâu thẳm tâm hồn của người dân đất Việt: Tổ quốc nơi đảo xa là Tổ quốc trong lòng mỗi chúng ta.