TP.HCM hướng đến xây dựng đô thị thông minh, sáng tạo

Thứ Ba, 30/04/2019 10:16

|

(CATP) Sau 44 năm giải phóng, TPHCM hôm nay không những tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm liền, mà còn đóng góp hơn 20% GDP hằng năm cho cả nước và hơn 28% cho ngân sách cả nước. Sau thời gian tăng tốc mạnh mẽ, thành phố đã bộc lộ một số tồn tại trên con đường hướng đến phát triển nhanh, xanh và bền vững.

Để khắc phục các tồn tại, khó khăn đó, Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là quyết sách quốc gia đột phá, đồng bộ, kịp thời; nhằm tạo động lực nâng cao chất lượng, tăng trưởng cạnh tranh, thành phố chuyển mình theo hướng đô thị thông minh - sáng tạo để tạo ra giá trị mới.

CHUYỂN MÌNH ĐỂ ĐỘT PHÁ

TPHCM luôn bám sát thực tế, từ thực tiễn tạo ra những giá trị mới làm cơ sở cho công cuộc đổi mới. Thành phố  luôn tìm tòi sáng tạo, tăng cường đồng thuận, phát huy  cao độ vai trò làm chủ của nhân dân, mạnh dạn thể nghiệm  nhiều cơ chế, chính sách mới để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất.

Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư,thu hút các nguồn lực để phát triển, đồng thời kiên trì thực hiện phương châm phát triển kinh tế bền vững vì con người. Giai đoạn 2011 - 2015, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân đạt 9,6%/năm, gấp 16,3 lần bình quân chung cả nước.

Thành phố tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; chú trọng nâng cao hiệu quả chương trình xã hội hóa, huy động các nguồn lực phát triển giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, y tế, văn hóa... Toàn thành phố hiện chỉ còn 2,52% hộ nghèo (thu nhập bình quân 21 triệu đồng/người/năm trở xuống).

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khảo sát việc ứng dụng công nghệ trong cải cách hành chính

Để đóng góp lớn hơn, từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á, TPHCM đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập. Trước hết, hạ tầng không theo kịp. Hạ tầng giao thông lạc hậu, chậm được mở rộng và nâng cấp, nguy cơ ngập nước ngày càng nghiêm trọng.

Đến nay, thành phố vẫn chưa kết nối được hệ thống Đường vành đai 2, 3; trục xuyên tâm Đông - Tây đã thông, nhưng trục Nam - Bắc chưa triển khai. Đường cao tốc chỉ có TPHCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, còn tuyến TPHCM - Tây Ninh vẫn “còn trên giấy”. Chưa hình thành được những khu đô thị vệ tinh để giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm. Dự án chống ngập “khủng” hơn 10.000 tỷ đồng ngăn triều gặp không ít khó khăn.

Mặc dù dẫn đầu cả nước về tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), những năm gần đây, TPHCM ngày càng tụt xa so với nhiều địa phương khác trong thu hút nguồn vốn đầu tư. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư FDI của thành phố từ năm 2011 - 2015 giảm 32% so với giai đoạn 2006 - 2010. Kim ngạch xuất khẩu đạt tỷ lệ 56,5% (năm 2000), đến năm 2016 chỉ còn 18% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Từ thực tiễn trên, thành phố chủ động đề xuất cho thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hoặc có nhưng không cònvphù hợp. Về tổ chức bộ máy, thành phố chủ động nghiên cứu, đề xuất Chính phủ chấp thuận cho thành lập Sở Du lịch đầu tiên trong cả nước; thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM trong 3 năm, nhằm thống nhất các đầu mối, nâng cao hiệu quả tổ chức thực thi pháp luật về lĩnh vực này... Thế nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra bước đột phá mạnh mẽ hơn.

THÍ ĐIỂM CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ

Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là thành phố phải năng động, sáng tạo hơn nữa trong việc tìm ra những giải pháp khả thi để khai thác tốt lợi thế, tiềm năng của mình. Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” trên, thành phố phải bắt đầu từ tháo gỡ cơ chế.

Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng tính trách nhiệm của chính quyền thành phố được đặt trong mối quan hệ thành phố vì cả nước và cả nước vì thành phố.

Sau thời gian thực hiện, thành phố đánh giá bước đầu thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội hiệu quả, các đề án cơ bản đã hoàn thành đúng kế hoạch đề ra, bảo đảm tiến độ, chất lượng theo yêu cầu; công tác lập đề án, lấy ý kiến phản biện của MTTQ thành phố, các chuyên gia... được chuẩn bị chu đáo, khoa học, đảm bảo các quy trình, thủ tục theo quy định. Công tác tuyên truyền thông qua nhiều phương thức đa dạng, phong phú, tạo được sự đồng thuận, phấn khởi trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân.

Việc triển khai nội dung, đề án bước đầu đã cho một số kết quả tích cực, các cơ chế, chính sách ban hành góp phần sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức; khuyến khích nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh thu hút chuyên gia, nhà khoa học, nhân tài tham gia đóng góp cho sự phát triển thành phố.  Tiến độ thực hiện các dự án nhóm A và các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa trên 10 héc-ta được đẩy nhanh hơn.

Thông qua chủ trương đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, dự án chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng bộ mặt thành phố ngày càng khang trang. Đặc biệt, việc thực hiện ủy quyền cho sở, ban, ngành, quận, huyện thực hiện các thủ tục hành chính giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, thủ tục, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

HƯỚNG TỚI KINH TẾ TRI THỨC VÀ TĂNG TRƯỞNG XANH

Giai đoạn 2017 - 2020, thành phố hướng đến mục tiêu tăng cường sự tham gia của người dân trong hoạt động quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng sống và làm việc; quản trị đô thị thông minh; nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế tri thức và đổi mới sáng tạo. Từ đó, đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025” ra đời.

 Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong tham quan sản phẩm điện thoại trong Khu công nghệ cao TPHCM

Theo Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Thành Phong, đô thị thông minh sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử, đặt nền móng về kết nối, chia sẻ thông tin dữ liệu để tăng hiệu quả quản lý nhà nước trên các mặt và lĩnh vực hoạt động.  Tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân, tăng các tiện ích phục vụ người dân. Kiến tạo môi trường hoạt động minh bạch, đơn giản, thuận tiện để doanh nghiệp hoạt động.

Qua đó, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư. Sau một năm triển khai, đến nay thành phố đã thực hiện xây dựng 4 trung tâm trụ cột của đề án, gồm: Kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm an toàn thông tin, Trung tâm mô phỏng và dự báo kinh tế - xã hội.

Đồng thời, triển khai thí điểm đề án tại Q1 và Q12. Thành phố cũng đã công bố khung kiến trúc xây dựng chính  quyền điện tử, làm cơ sở tham chiếu khi triển khai ứng dụng công nghệ thông tin cũng như đồng bộ liên thông cho các hệ thống thông tin.

Nhằm tạo đột phá trong nâng cao chất lượng và tăng trưởng cạnh tranh, TPHCM cần phải đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tri thức và tăng trưởng xanh; phát triển nhanh dịch vụ, nhất là các ngành có hàm lượng tri thức giá trị cao; phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả bền vững.

Tuyến Metro số 1 - trục giao thông sẽ đi qua khu đô thị sáng tạo

Khu đô thị hướng Đông (gồm các quận 2, 9 và Thủ Đức) có nhiều ưu thế để thực hiện các đổi mới sáng tạo trong chiến lược phát triển của thành phố. Nơi đây sẽ hình thành khu vực đô thị sáng tạo vì là địa điểm có nhiều cơ sở hạ tầng thuận lợi.

Chẳng hạn, có nhiều trường đại học, khu công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, dự án Metro số 1 đang thực hiện; kết nối thuận tiện với các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu vực này thuận lợi tạo ra sản phẩm mang hàm lượng khoa học công nghệ cao, có thể liên kết với nhau.

Ngày 24-4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã tổ chức công bố cuộc thi quốc tế “Ý tưởng quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông TPHCM (các quận 2, 9 và Thủ Đức).

Tại Hội nghị quốc tế về Tầm nhìn đô thị sáng tạo TPHCM tổ chức cuối năm 2018, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, thành phố có 5 điểm nổi bật (thành phố lớn nhất, trung tâm kinh tế lớn nhất, sản phẩm chất lượng cao, nhân lực chất lượng cao, kinh tế tư nhân chiếm đa số) và 5 thách thức (kẹt xe, ngập nước, thiếu nhà ở, ô nhiễm không khí, động lực sáng tạo của công dân).

Trong 10 năm tới, thành phố muốn tăng trưởng nhanh và bền vững, tỷ lệ tăng gấp 3 lần cả nước, đóng góp 30% ngân sách. Trong khi 7 chương trình đột phá chưa đủ đáp ứng cho công tác quản lý và phát triển đô thị, do đó thành phố đang triển khai đề án đô thị thông minh và đô thị sáng tạo - hạt nhân khởi đầu cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bí thư Thành ủy khẳng định, thành phố muốn phát triển thì phải phát huy mạnh mẽ tính sáng tạo. Thành phố cần xây dựng các chính sách đặc biệt để quản lý phát triển hệ thống kết cấu đô thị, quản lý hành chính, nguồn nhân lực và hình thành cơ quan quản lý của đô thị sáng tạo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang